10/08/2024 14:22 GMT+7

Thu nhập bao nhiêu mới trụ nổi ở thành phố - Kỳ 5: Phải biết dự phòng những biến cố cuộc đời

Ở Hà Nội, mọi thứ đều đắt đỏ, việc cân đối thu nhập và chi tiêu để người lao động đủ khả năng trụ lại là bài toán khó hơn nhiều thành phố khác.

Thu nhập bao nhiêu mới trụ nổi ở thành phố - Kỳ 5: Phải biết dự phòng những biến cố cuộc đời- Ảnh 1.

Trước khi ốm đau, gia đình chị Hậu có mức sống trung bình khá ở Hà Nội, con nhỏ được học đàn piano - Ảnh: TÂM LÊ

Ngoài trang trải cuộc sống hằng ngày, bài toán này còn phải tính cả những biến cố cuộc đời như chẳng may bị thất nghiệp hay ốm đau, chứ chẳng lẽ lúc đó lại tay trắng bỏ về quê.

Những khoản chi lớn bất ngờ

Tuổi 35, bỗng phát hiện khối u tuyến giáp, chị Nguyễn Thị Hậu cùng chồng phải tính toán lại hết các khoản chi tiêu trong gia đình và giảm xuống mức tối thiểu để dành tiền chữa bệnh cũng như dự phòng cho mai này.

Hai vợ chồng chị Hậu và anh Minh ở Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội đang có cuộc sống tạm ổn định với thu nhập ở mức trung bình khá. Nhưng khi người vợ phát hiện bệnh và phải điều trị kéo dài thì mọi chi tiêu trong gia đình xoay chuyển hoàn toàn.

Hôm nay chị Hậu phải xếp hàng từ 5h sáng để tái khám ở Bệnh viện K Tân Triều. Lịch khám định kỳ ba tháng một lần, khám không có bảo hiểm y tế vì không được chuyển tuyến. Chi phí tái khám mỗi lần hết khoảng 1 triệu đồng, thêm tiền mua thuốc thì tổng hết hơn 3 triệu.

Đợt nào sức khỏe yếu, ông xã phải đi cùng. Hôm nay chị Hậu tự bắt xe đi để ông xã ở nhà cho các con ăn và đưa đi học. Hai con chị, một trai, một gái đang học lớp 7 và lớp 4.

Cuối năm 2021, khi tiêm vắc xin Covid-19, chị Hậu phát hiện bị K tuyến giáp giai đoạn 3, cần phải phẫu thuật xạ trị gấp. Chi phí điều trị năm đầu hết gọn 200 triệu là số tiền tiết kiệm của vợ chồng, kèm với đó là cú sốc tâm lý của cả gia đình.

"Khi biết bệnh điều trị tốn kém, hai con thì còn nhỏ nên ban đầu tôi suy nghĩ tiêu cực lắm. Cũng may chồng động viên, dồn hết công sức, tiền bạc để chữa trị nên tinh thần cũng thoải mái hơn", chị Hậu trải lòng.

Số tiền 200 triệu đồng trước đó vợ chồng chị Hậu dự định chi tiêu trong mùa dịch. Sau thời gian phong tỏa, cả nhà sẽ đi du lịch một chuyến, mua sắm vài món đồ nội thất trong nhà, còn lại để vào quỹ tiết kiệm. Cuối cùng, vợ chồng chỉ gắn với cái giường bệnh, việc làm ngưng trệ, tiền cạn sạch.

Chữa bệnh này dính bệnh khác, mỗi tháng vào viện tiêu tốn khoảng 10 triệu đồng, kéo dài suốt một năm liên tục. Trong xạ trị, chị Hậu dùng được hóa chất thông thường nên giá tiền thấp hơn so với dùng hóa chất liều cao. Tuy nhiên tiền ăn uống, bồi bổ sức khỏe ở nhà cho chị sau những đợt xạ trị lại tăng.

Nhờ tiết kiệm, vợ chồng chị không phải vay mượn những đợt vào viện như gia đình khác. Nhưng tiền dư giả mấy rồi cũng cạn. Vợ chồng có cơ sở riêng để làm ăn, thu nhập lúc được lúc mất, tiết kiệm là tiêu chí hàng đầu của vợ chồng.

Ở Hà Nội nên mức chi tiêu của gia đình bốn người của chị bình thường khoảng 30 triệu đồng/tháng. Từ khi bệnh tật ập tới, tiền của họ cứ lần lượt ra đi, thu nhập lại giảm sút, các khoản chi tiêu trong gia đình cũng phải cắt giảm dần...

Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng chia theo thành thị, nông thôn - Nguồn: Tổng cục Thống kê - Đồ họa: T.ĐẠT

Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng chia theo thành thị, nông thôn - Nguồn: Tổng cục Thống kê - Đồ họa: T.ĐẠT

Chi tiêu nhiều cho cuộc sống ở thành phố

Danh sách chi tiêu của gia đình chị Hậu ở Hà Nội vừa dài, vừa nhiều và nếu những người phụ nữ ở nông thôn thì nhìn vào sẽ thấy hoảng, không dám sống trên phố.

Ngồi lặng, chị nhớ tỉ mỉ những khoản chi cho chúng tôi nghe, nếu lấy bút ghi vào sổ tay cũng phải được vài trang. "Đây là những khoản chi tiêu có tên, còn những khoản chi không tên dồn lại cũng được một nhóm", chị gượng cười, kể về kinh tế gia đình trước khi lâm bệnh nặng.

Tiền học trường công cho hai con hết 4 triệu/tháng, tiền phụ đạo mỗi cháu hết 2,4 triệu. Tiền ăn cả nhà bốn người hết 150.000 - 200.000 đồng/ngày. Tiền trả góp chung cư hơn 12 triệu một tháng. Tiền dịch vụ ở chung cư, phí gửi xe, tính cả điện nước tổng là 3,5 triệu đồng/tháng.

Nếu người khó khăn, ở nhà trọ thì 3,5 triệu/tháng sẽ không đủ. Tiền ốm đau vặt của con cái, bố mẹ khoảng 3-4 lần vào viện một năm cũng là khoản chi lưu động không nhỏ. Đầu năm nay, con gái bị viêm tai giữa phải điều trị hết 7 triệu đồng. Tiền xăng xe, điện thoại của vợ chồng tối thiểu 1 triệu một tháng.

Rồi tiền họ về thăm ông bà bên nội, bên ngoại, tiền đám cưới, đám hiếu khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng. Tính ra tổng số tiền mỗi tháng gia đình chị ở Hà Nội phải chi tối thiểu khoảng 30 triệu đồng.

Khi cuộc sống bình yên, thu nhập ổn định, mỗi dịp hè vợ chồng chị cho hai con học bơi, học tiếng Anh và học đàn. Mỗi môn năng khiếu, nghệ thuật học phí từ 5 - 20 triệu đồng. Sau này tập trung kinh phí để chữa bệnh, những khoản chi như vậy gia đình đều phải cắt giảm.

Tiêu chí của vợ chồng chị dù khó khăn tới đâu cũng luôn ưu tiên cho con cái học hành, vui chơi với bạn bè cùng trang lứa. Chị cho biết may mắn có được người chồng yêu thương và kiếm thu nhập cũng như vợ nên cuộc sống không bị lệch pha như người bạn mà chị kể.

"Cô bạn thân của tôi ở quận Cầu Giấy, làm việc cả ngày, người gầy đến nỗi không còn nhận ra, từ đứa mập 52kg trong nhóm bạn giờ chỉ còn 40kg. Mình thương nó bảo đừng có làm nhiều nhưng không làm thì lấy gì nuôi các con? Cô ấy là thu nhập chính, chồng chỉ lương văn phòng 10 triệu mỗi tháng không hơn không kém", chị Hậu kể.

Nhưng thành phố cũng có nhiều việc làm

Nói về kế hoạch chi tiêu tài chính trong gia đình, chị Hậu kể dù không ghi sổ sách nhưng tiền tiết kiệm, dự phòng phải luôn nghĩ tới mỗi ngày. Và theo chị, ở thành phố nếu nói không có việc làm là không đúng, không có việc này thì chọn việc kia. Thời buổi công nghệ, kết nối dễ dàng, nếu chỉ có một nguồn thu chính thì cuộc sống ở phố sẽ rất "khó thở".

Mục tiêu của vợ chồng chị là chi tiêu lương của một người, lương của người kia sẽ để dành nhưng nay ốm đau, khó khăn không giữ được mức đó thì cũng phải ráng dành một ít thu nhập để vào ngân hàng.

Sau đợt xạ trị, cơ thể còn yếu nhưng chị Hậu đã lao vào công việc. Bản tính ngồi yên sẽ buồn và quan điểm không làm thì tiền mấy cũng hết đã giúp chị và chồng giữ được nguồn thu nhập chính của gia đình. "Nếu không làm thì buồn lắm, lại suy nghĩ tiêu cực", chị cười nói.

Ngoài công việc chính, chị Hậu còn tranh thủ bán hàng tại chung cư như bán chè, sầu riêng, công việc làm cho khuây khỏa lại kiếm được số tiền.

"Tích tiểu thành đại, nghĩ ra việc mà làm và quan trọng là phải tiết kiệm. Nếu không tiết kiệm thì năm năm, mười năm làm vẫn tay trắng", chị Hậu khoe vừa kết nối thành công cho một nhóm doanh nhân lên Hòa Bình nghỉ dưỡng, tắm suối khoáng nóng.

Chị Hậu chia sẻ mức chi tiêu ở Hà Nội cao nhưng không thiếu việc làm nếu biết nghĩ cách làm, chịu làm và tiết kiệm. Cuộc sống gia đình có lúc thăng, lúc trầm vì sức khỏe và kinh tế nhưng nếu biết tính toán cân bằng sẽ có cuộc sống ổn định.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mức chi tiêu cho đời sống chiếm gần 94% trong tổng chi tiêu bình quân của hộ gia đình. Trong đó, chi tiêu cho ăn uống chiếm 46,5%; chi tiêu không dành cho ăn uống chiếm 47,4% và các chi tiêu khác chiếm 6,1%.

Trên thực tế với các gia đình ở Hà Nội, xu hướng này cũng không quá khác biệt. Thứ tự ưu tiên trong danh sách các khoản chi tiêu bao gồm: cao nhất là nhu cầu thiết yếu (ăn uống, sinh hoạt, đời sống, đi lại...), tiếp đến là tiền thuê nhà (với những gia đình trẻ Hà Nội phải ở trọ), sau nữa là chi phí học tập và phát triển quan hệ giao tiếp. Ngoài ra là các chi phí phát sinh khác như giải trí, du lịch...

Trong số này, thông thường chi phí sinh hoạt thiết yếu và thuê nhà chiếm khoảng 60% thu nhập.

---------------------------------

Thành phố đất chật người đông. Những bạn trẻ chúng tôi tiếp xúc chia sẻ rằng thu nhập đủ sống hay không chủ yếu là do mình. Lương 10 triệu tằn tiện cũng tồn tại, mà tháng mấy chục triệu đồng cũng không tránh khỏi áp lực chi tiêu.

Kỳ tới: 10 triệu cũng đủ, nhiều triệu cũng không vừa

Thu nhập bao nhiêu mới trụ nổi ở thành phố - Kỳ 4: Tiêu dùng thông minh để trụ ở thành phốThu nhập bao nhiêu mới trụ nổi ở thành phố - Kỳ 4: Tiêu dùng thông minh để trụ ở thành phố

Canh "giờ vàng, flash sale" và săn thêm mã "freeship" (vận chuyển miễn phí) để mua sắm là cách phổ biến mà người lao động ở TP.HCM tiết kiệm chi phí sống và tiếp tục bám trụ ở TP.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên