Tư vấn cho tình nguyện viên đến đăng ký tham gia tiêm thử nghiệm- Ảnh: QUANG HÙNG
Đây là vắcxin ngừa COVID-19 "made in Việt Nam" thứ 2 được đưa vào thử nghiệm lâm sàng, với lứa tuổi được tiêm rộng hơn (18-75 tuổi).
Lứa tuổi rộng hơn
Theo ông Đặng Đức Anh - viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, đơn vị tham gia thử nghiệm lâm sàng lần này, từ ngày 21-1 ba đơn vị này bắt đầu tuyển tình nguyện viên tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2, những người từ 18-75 tuổi có thể đăng ký để tiêm thử nghiệm.
So với vắcxin ngừa COVID-19 do Công ty Nanogen sản xuất (đã tiêm thử nghiệm trên người từ ngày 17-12-2020 với nhóm người từ 18-50 tuổi), tuổi có thể chỉ định tiêm thử nghiệm vắcxin này rộng hơn rất nhiều, từ 18-59 tuổi ở giai đoạn 1, đến giai đoạn 2 là 18-75 tuổi.
Covivac được nghiên cứu từ tháng 5-2020 và giai đoạn tiền lâm sàng đã được đánh giá tại Việt Nam, Ấn Độ và Mỹ, với kết quả cho thấy vắcxin an toàn và sinh miễn dịch. Giai đoạn 1 của thử nghiệm tiến hành từ tháng 1 đến tháng 4-2021, giai đoạn 2 từ tháng 7 đến tháng 8-2021.
Ông Dương Hữu Thái, viện trưởng IVAC, cho biết Covivac sản xuất bằng công nghệ virus vector, trên môi trường trứng gà có phôi, tại nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP (thực hành tốt sản xuất thuốc) của Tổ chức Y tế thế giới, quy mô hiện tại là 6 triệu liều/năm và có thể nâng cấp lên 30 triệu liều/năm.
Trong giai đoạn nghiên cứu, đã có 10 lô vắcxin (50.000 - 100.000 liều vắcxin/lô) được sản xuất thành công. Dự kiến giai đoạn 1 của thử nghiệm lâm sàng sẽ có 120 người được tiêm các mức liều 1-10 mcg, giai đoạn 2 có 300 người tham gia tiêm 2 mức liều để tìm liều an toàn và hiệu quả nhất.
Giai đoạn 2 của nghiên cứu sẽ thực hiện tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Toàn bộ người được tiêm thử nghiệm sẽ được thử mẫu máu, khám sức khỏe 5 lần trong quá trình thử nghiệm để đánh giá hiệu quả và độ an toàn của vắcxin. Mỗi người dân sẽ tiêm 2 mũi trong 28 ngày.
Phòng theo dõi 24 giờ sau tiêm dành cho tình nguyện viên tham gia tiêm thử nghiệm - Ảnh: VIỆT DŨNG
Dự án khả thi
Covivac là vắcxin ngừa COVID-19 thứ 2 do Việt Nam phát triển được đưa vào tiêm thử nghiệm trên người. Trước đó, từ ngày 17-12-2020 đã bắt đầu tiêm thử nghiệm vắcxin Nanocovax và qua đánh giá cho thấy vắcxin sinh miễn dịch 4-20 lần so với bình thường.
Phát biểu với báo giới bên lề lễ khởi động thử nghiệm lâm sàng Covivac, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế Phạm Văn Tác cho rằng Covivac đã được đánh giá chất lượng và đánh giá nghiên cứu tiền lâm sàng ở nước ngoài, vì thế tính khả thi về chất lượng, hiệu quả vắcxin là rất cao. "Đây là dự án rất khả thi"- ông Tác đánh giá.
Với Covivac vừa được đưa vào thử nghiệm và Nanocovax thử từ tháng 12, hiện có 2 loại vắcxin nội địa đang được thử nghiệm lâm sàng, đang có nhiều hi vọng cho thấy Việt Nam sẽ có vắcxin phục vụ tiêm ngừa rộng rãi từ khoảng giữa năm 2021.
Nếu không có vắcxin rất khó để có thể mở cửa rộng rãi cho nhập cảnh/đi du lịch, học hành ở nước ngoài. Các nhà khoa học Việt Nam đang rất gấp rút để sớm có vắcxin phục vụ rộng rãi.
Mỗi người tình nguyện tiêm thử nghiệm được theo dõi sau tiêm 24 giờ tại Đại học Y Hà Nội, tiêm mũi 2 sau mũi 1 là 26 ngày và chỉ theo dõi 30 phút sau tiêm tại Đại học Y Hà Nội, sau đó theo dõi tại nhà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận