30/07/2020 18:07 GMT+7

Thử nghiệm sửa 120m mặt cầu Thăng Long

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Qua quá trình thí nghiệm, các chuyên gia của Đại học Giao thông vận tải đã khẳng định độ tin cậy của giải pháp công nghệ sửa chữa mặt cầu Thăng Long và sẽ thử nghiệm 120m trên mặt cầu trước khi thi công đại trà.

Thử nghiệm sửa 120m mặt cầu Thăng Long - Ảnh 1.

Lớp bêtông nhựa SMA bị xô trượt, bong tróc do không dính với bản thép mặt cầu sau lần sửa chữa vào năm 2009 - Ảnh tư liệu của TTO

Tại buổi giới thiệu giải pháp công nghệ sửa chữa mặt cầu Thăng Long (bắc qua sông Hồng, địa phận Hà Nội) ngày 30-7, GS.TS Trần Đức Nhiệm - Đại học Giao thông vận tải - cho biết nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đã tham gia tư vấn, góp ý giải pháp công nghệ cho việc sửa mặt cầu.

Thử nghiệm sửa 120m mặt cầu Thăng Long - Ảnh 2.

Mô hình bản thép mặt cầu Thăng Long được hàn đinh neo bằng thép, đặt lưới thép lên rồi đổ bêtông siêu tính năng lên được thực hiện trong phòng thí nghiệm ở Đại học Giao thông vận tải - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Theo GS Nhiệm, qua kiểm định, giàn chủ và bản thép mặt cầu dày 14mm của cầu Thăng Long chưa xuất hiện hư hỏng, vẫn đảm bảo khả năng chịu lực. Tuy nhiên, thiết kế bản thép mặt cầu từ những năm 1980 không đáp ứng yêu cầu về độ cứng theo tiêu chuẩn hiện hành dẫn đến bản mặt cầu bị võng cục bộ, không phù hợp với tải trọng, lưu lượng xe hiện nay.

Để sửa chữa mặt cầu Thăng Long cần tăng cường độ cứng cho bản mặt cầu, đảm bảo độ dính bám giữa mặt cầu và lớp phủ, chống thấm, chống đọng nước xuống bề mặt bản thép mặt cầu.

Giải pháp đưa ra là cải tạo bản thép hiện tại thành mặt cầu liên hợp nhẹ bằng cách: làm sạch bản thép mặt cầu, hàn đinh neo dài 5cm theo công nghệ hàn Plasma tốc độ nhanh (0,17 giây) để không gây biến tính vật liệu thép. Sau đó đặt lưới thép lên rồi đổ bêtông siêu tính năng (UHPC) cường độ tối thiểu 120Mpa, dày tối thiểu 60mm. Trong quá trình thi công sẽ che chắn cầu Thăng Long để tránh mưa, nắng, đảm bảo nhiệt độ bêtông.

Thử nghiệm sửa 120m mặt cầu Thăng Long - Ảnh 3.

GS.TS Trần Đức Nhiệm cho biết qua 2 triệu chu kỳ thử nghiệm biến dạng bởi lực nén, uốn... mô hình mặt cầu Thăng Long không xuất hiện biến dạng hay hư hỏng - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Như vậy, các đinh neo và lưới thép sẽ cố định được mặt cầu với bêtông siêu tính năng có hàm lượng cốt sợi kim loại cao, chịu biến dạng tốt. Do đó sẽ ngăn được hiện tượng xô trượt bêtông với mặt cầu trong giải pháp phủ bêtông nhựa lên bản thép mặt cầu như trước đây.

"Giải pháp dùng bêtông siêu tính năng đã dùng sửa chữa nhiều cầu có bản mặt thép và kết cấu tương tự cầu Thăng Long ở Hà Lan, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc từ năm 2003 tới nay, đạt kết quả tốt. Nhiều cầu ở các nước trên họ không cần phủ bêtông nhựa polymer phía trên, để xe chạy trên lớp bêtông siêu tính năng. Tuy nhiên, cầu Thăng Long nằm trong đô thị nên chúng tôi đề xuất phủ bêtông nhựa polymer dày 40mm phía trên lớp bêtông siêu tính năng để đảm bảo êm thuận, giảm ồn khi xe đi qua" - ông Nhiệm cho biết.

Thử nghiệm sửa 120m mặt cầu Thăng Long - Ảnh 4.

Có 6 mẫu kết cấu vật liệu dính bám và lớp bêtông nhựa polymer sẽ phủ trên bề mặt bêtông siêu tính năng được thí nghiệm để chọn ra mẫu sử dụng trên mặt cầu Thăng Long - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Để đảm bảo độ tin cậy về giải pháp công nghệ trên, ngoài việc sử dụng bêtông siêu tính năng cho một số cầu dân sinh, Đại học Giao thông vận tải đã thí nghiệm công nghệ bêtông, công nghệ hàn đinh neo trên mặt thép, độ dính bám của bêtông nhựa trên mặt bêtông siêu tính năng.

"Qua nhiều kết quả thí nghiệm đã khẳng định được độ tin cậy của giải pháp sử dụng bêtông siêu tính năng trong sửa chữa mặt cầu Thăng Long. Trước khi thi công đại trà, chúng tôi sẽ thi công  thử nghiệm trên mặt đường ngoài cầu và thử nghiệm một đoạn dài 120m trên mặt cầu Thăng Long để hoàn thiện công nghệ thi công" - GS.TS Trần Đức Nhiệm cho biết.

Thử nghiệm sửa 120m mặt cầu Thăng Long - Ảnh 5.

Các đinh neo bằng thép được đánh cong để đánh giá khả năng liên kết với bản thép mặt cầu Thăng Long - Ảnh: TUẤN PHÙNG

 

Theo GS.TS Tống Trần Tùng - phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam, dù đưa vào khai thác từ năm 1985 nhưng kết cấu cầu Thăng Long vẫn ổn định do chất lượng xây dựng rất tốt. Tuy nhiên đến năm 2003, sau 18 năm sử dụng, lớp bêtông nhựa trên mặt cầu thép xuất hiện vết nứt. Lúc đó, Bộ Giao thông vận tải cho cào bóc 3cm bêtông nhựa để thảm lại nhưng vẫn xuất hiện vết nứt sau khi mưa xuống.

Đến năm 2009, khi sửa chữa mặt cầu đã thay thế lớp phủ bản thép mặt cầu cũ bằng bêtông nhựa SMA. Nhưng chuyên gia nước ngoài chưa hiểu hết về cầu Thăng Long và phía Việt Nam chưa có kinh nghiệm nên sau ít ngày hoàn thành, lớp bêtông nhựa đã bong khỏi mặt thép của cầu, nước mưa đọng trên bản mặt thép. Từ đó đến nay luôn phải vá víu, chứ không phải sửa chữa lớp bêtông nhựa trên bản mặt thép.

Ông Tùng tin tưởng giải pháp dùng bêtông siêu tính năng liên hợp với bản mặt thép của cầu qua hệ thống đinh neo và lưới thép sẽ đảm bảo ổn định, chống trượt so với đổ bêtông nhựa trực tiếp lên bản mặt thép như trước đây.

Từ 6h ngày 28-7: cấm xe qua cầu Thăng Long để sửa mặt cầu Từ 6h ngày 28-7: cấm xe qua cầu Thăng Long để sửa mặt cầu

TTO - Từ 6h ngày 28-7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấm xe qua tầng 2 cầu Thăng Long để thực hiện sửa chữa mặt cầu. Còn tầng 1 cầu Thăng Long tàu hỏa vẫn đi qua với tốc độ từ 5km/h trở xuống, xe máy, xe thô sơ lưu thông bình thường.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên