31/10/2015 08:25 GMT+7

​Thu ngân sách... 100 năm đủ làm nông thôn mới 5 năm

TIẾN TRÌNH - CHÍ QUỐC (nguyentientrinh@tuoitre.com.vn)
TIẾN TRÌNH - CHÍ QUỐC ([email protected])

TT - Huyện nghèo Phước Long, tỉnh Bạc Liêu lại “vung tay quá trán” trong xây dựng nông thôn mới, gây ra nhiều hệ lụy, không chỉ nợ các nhà thầu mà huyện còn nợ cả lương của giáo viên.

Nhiều nhà thầu ứng trước tiền để thi công đường giao thông lâm cảnh khó khăn do UBND huyện Phước Long chậm thanh toán nợ - Ảnh: C.Quốc
Nhiều nhà thầu ứng trước tiền để thi công đường giao thông lâm cảnh khó khăn do UBND huyện Phước Long chậm thanh toán nợ - Ảnh: C.Quốc

“Xã Vĩnh Thanh nợ 54,2 tỉ đồng, xã Hưng Phú nợ 45,3 tỉ đồng, xã Vĩnh Phú Tây 35,8 tỉ đồng, Vĩnh Phú Đông 27,5 tỉ đồng... Phòng kinh tế - hạ tầng nợ 100,5 tỉ đồng, Ban quản lý dự án công trình xây dựng cơ bản 27,6 tỉ đồng (số tròn)...”.

Đây là số nợ “chóng mặt” mà các xã, ngành của huyện Phước Long phải gánh. Nhiều cơ quan của tỉnh Bạc Liêu cũng phải đau đầu bởi phía sau những con số là không ít chuyện rắc rối.

Nợ như chúa chổm

Phước Long là một trong năm huyện trên cả nước được trung ương chọn làm điển hình trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từ một huyện nghèo, Phước Long bắt tay vào xây dựng nông thôn mới trong sự ủng hộ nhiệt thành của người dân.

Điều này có thể minh họa qua 2.223 tỉ đồng người dân trong huyện (hiến đất, đầu tư vào sản xuất, đóng góp ngày công lao động, xây dựng hàng rào...) đóng góp cho chương trình trong năm năm qua.

Thế nhưng con số này chưa thấm vào đâu khi lãnh đạo huyện công bố vốn để xây dựng nông thôn mới của huyện lên đến gần 5.187 tỉ đồng.

Trong đó, ngoài số vốn người dân vay ngân hàng để sản xuất là 2.190 tỉ đồng thì ngân sách nhà nước chỉ rót về cho huyện 676 tỉ, vốn huy động các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân 96 tỉ đồng... Con số còn lại là khoản nợ huyện đang gánh.

Ông Nguyễn Hữu Tới, chánh văn phòng UBND huyện Phước Long, cho biết chỉ tiêu thu ngân sách của huyện năm 2015 là trên 50 tỉ đồng.

Điều này có nghĩa trong năm năm xây dựng nông thôn mới, Phước Long cần một nguồn vốn tương đương... 100 năm ngân sách ở thời điểm hiện tại.

Nợ khủng vì đâu?

Trong một báo cáo liên quan đến tình trạng nợ xây dựng cơ bản của huyện, lãnh đạo huyện Phước Long “nhắc” lại vào thời điểm cuối năm 2013, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu mời lãnh đạo huyện lên chỉ đạo phải phấn đấu huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2015.

“Quá trình thực hiện nếu có khó khăn, báo cáo tỉnh biết để tranh thủ nguồn hỗ trợ cho huyện”, công văn của UBND huyện Phước Long cho biết.

Từ đó, lãnh đạo huyện Phước Long cho triển khai xây dựng hàng loạt công trình lộ làng, trường học, trạm bơm... Trong đó có nhiều công trình vừa tiến hành làm thủ tục đã xây dựng xong, khi đưa vào sử dụng mới... mời thầu.

Giải thích về chuyện “trái khoáy” này, ông Phan Thành Đông - chủ tịch UBND huyện Phước Long - nói: “Mình kêu gọi người ta làm trước.

Trước đây huyện có xin tỉnh mấy chục tỉ để xây dựng mấy chục phòng học đạt chuẩn. Thấy tỉnh không còn tiền nên vận động nhà thầu làm trước. Khi nào có thì giải quyết sau”.

Hàng loạt công trình mới được xây dựng có thay đổi diện mạo nhiều làng quê trong huyện Phước Long. Nhưng các công trình này cũng biến huyện trở thành địa phương mắc nợ như chúa chổm. Theo lãnh đạo huyện, huyện đang nợ các nhà thầu trên 373 tỉ đồng.

Tại sao có số nợ “khủng” này? Theo ông Phan Thành Đông: “Thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy, chương trình xây dựng nông thôn mới phải kết thúc năm 2015. Nhưng nói thật, ngân sách trung ương rót trong năm năm chưa được 30 tỉ. Mình làm khối lượng công việc như thế nên phát sinh nợ nần”.

 

Huyện Phước Long làm được gì?

Đến nay huyện Phước Long có 6/7 xã đạt 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới, được UBND tỉnh công nhận.

Kết quả, về trường học, toàn huyện xây dựng được 36/46 trường có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia, đạt 78,26%, trong đó có hai trường THPT (so với năm 2010 tăng gấp 4 lần).

Về giao thông nông thôn, xây 183 cầu bêtông cốt thép, 529km đường nhựa và bêtông cốt thép, bao gồm: đường huyện 42,5km, đường trục xã và liên xã 50km, đường trục ấp và liên ấp 228,6km...

Huyện đầu tư xây dựng, nâng cấp 7/7 nhà văn hóa, khu thể thao xã (so với năm 2010 tăng 75%), 67/67 nhà văn hóa, khu thể thao ấp, đạt tỉ lệ 100% (so với năm 2010 tăng 100%). Trung tâm văn hóa thể thao huyện có nhà thi đấu, sân bóng đá, bóng chuyền, tennis, cầu lông...

Những công ty đứng ra xây dựng các công trình cho địa phương gặp khó khăn như thế nào và huyện này trả nợ ra sao trước số nợ khổng lổ này. Mời bạn đọc đóc tiếp phần sau.

TIẾN TRÌNH - CHÍ QUỐC ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên