Phó chủ tịch huyện Trạm Tấu Khang A Chua gặp cụ Giàng Thị Vế ở bản sâu Cu Vai, xã Xa Hồ, huyện Trạm Tấu, Yên Bái - Ảnh: NGỌC QUANG
Mình trực tiếp ăn, ở, làm việc cùng dân nên mình và anh em có những cách thức vận động dân cho con em đến trường, nhất là sau dịp nghỉ dài lễ tết, mùa màng. Mình tạo công việc để tập hợp thanh niên và cũng qua đó tuyên truyền, giảm rất nhiều nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết.
Khang A Chua
Tới huyện Trạm Tấu (Yên Bái) ngày cuối tuần, chúng tôi điện gọi phó chủ tịch huyện Khang A Chua. Anh cười: "Các anh không phải hẹn trước đâu. Từ hồi qua huyện mới, hầu như thứ bảy, chủ nhật nào mình cũng ở lại huyện, nếu không đi xã cũng ở nhà đọc tài liệu thôi". Nhà A Chua ở Trạm Tấu cũng chính là căn phòng làm việc nhỏ.
Nói thẳng, làm thật
Tháng 7-2018, lũ quét qua Nậm Có, xã nghèo nhất của Mù Cang Chải, khiến 6 người mất tích, gần 100 nhà dân bị lũ cuốn trôi hoặc nguy cơ sạt lở. Chúng tôi lên hiện trường, nhớ mãi hình ảnh anh bí thư xã lăn lộn ngược xuôi. Đó là Khang A Chua, vừa từ bí thư huyện đoàn được điều động về làm bí thư xã Nậm Có.
Rồi anh lại được điều động làm phó chủ tịch huyện Trạm Tấu. Được "thử lửa" từ những địa bàn cực kỳ khó khăn đã khiến chàng bí thư Huyện đoàn Mù Cang Chải ngày càng trưởng thành.
Khang A Chua (1984) sinh ra, lớn lên ở một trong những xã nghèo khó nhất huyện: Chế Cu Nha (Mù Cang Chải). Không nhiều cậu bé người Mông được như A Chua. Chua học tới đại học, chuyên ngành quản lý văn hóa và là giảng viên tại Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh Yên Bái (nay là Trường CĐ Văn hóa, nghệ thuật và du lịch Yên Bái).
Tháng 6-2006, A Chua chuyển về huyện, làm viên chức Phòng văn hóa thông tin huyện rồi sang công tác Đoàn và được bầu làm phó bí thư rồi bí thư Huyện đoàn Mù Cang Chải. Chàng trai Mông giàu nhiệt huyết được điều động làm bí thư Đảng ủy xã Nậm Có.
Sau 5 năm lăn lộn ở xã nghèo, giữa năm 2019 A Chua được "rút" về huyện, làm phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện, giám đốc Trung tâm truyền thông, văn hóa Mù Cang Chải. Tháng 7-2020, anh được tỉnh điều động sang huyện Trạm Tấu tham gia ban chấp hành đảng bộ huyện để sau đó được bầu làm phó chủ tịch huyện...
"Mình nói thẳng, làm thật, tổ chức phân công đi đâu là chấp hành và mỗi vị trí dù thời gian ngắn hay dài, mình đều nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ. Mình trưởng thành từ Đoàn thanh niên, nên ở vị trí nào cũng mang tinh thần tuổi trẻ vào công việc".
Mù Cang Chải có tỉ lệ che phủ rừng lớn nhất Yên Bái và để đạt được con số tỉ lệ ấy có công sức của những bạn trẻ mà Khang A Chua là thủ lĩnh.
"Khi đó mình cùng hàng ngàn đoàn viên, thanh niên ăn ngủ tại hiện trường cả tuần trời để phát quang, đào hố, trồng rừng. Không chỉ trồng, diện tích rừng được huyện đoàn giao cho Đoàn thanh niên các xã chăm sóc, quản lý trong 4 năm. Khi cây phát triển, huyện đoàn mới bàn giao lại các xã quản lý".
Huyện miền núi, mùa mưa lũ thường sạt lở, lũ quét nên khi có thiên tai ập xuống, thanh niên lại là một trong những lực lượng đầu tiên lao vào tâm lũ để giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả, tìm kiếm, cứu nạn. Rồi sau lũ, nếu ruộng nương, mương máng bị vùi lấp thì A Chua lại nhận với huyện, phát động thanh niên lao vào chỗ khó.
"Cuối năm 2017, lũ lớn quét qua nhiều làng bản, khi đó các công trình thủy lợi xã Nậm Khắt hư hỏng nặng. Mình huy động hàng ngàn lượt thanh niên xã Nậm Khắt và các xã lân cận luân phiên bốc đá, đào đắp cả tháng trời để có hệ thống thủy lợi dài hơn 3km, và nay công trình này vẫn phát huy công dụng tưới tiêu cho toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp của bản".
"A Chua này, cái khó nhất của một cán bộ trẻ, một thủ lĩnh Đoàn khi về công tác xã cũng như giờ về công tác lãnh đạo chính quyền?".
Khi nghe chúng tôi hỏi, A Chua cho biết: "Đoàn thì sôi nổi, phong trào và làm gì cũng đông người. Nhưng chuyển sang làm bí thư đảng ủy xã hay phó chủ tịch huyện thì mọi việc đều khác. Phải mất cả tháng làm quen, xuống cơ sở "3 cùng" với dân để tìm hiểu, nghe ngóng. Qua thực tiễn mới thấy việc khó, quan trọng nhất bây giờ là làm sao thay đổi nhận thức của người dân và thậm chí cả đội ngũ lãnh đạo cơ sở".
Bí thư Huyện đoàn Mường Tè Đao Thanh Loan trong những chuyến thiện nguyện về với bà con vùng biên ải - Ảnh: NGỌC QUANG
"Hãy cố gắng hơn nữa"
Đó là slogan của nữ thủ lĩnh hiếm hoi ở vùng biên giới, Bí thư Huyện đoàn Mường Tè (Lai Châu) Đao Thanh Loan. Đầu những năm 2010 khi tốt nghiệp đại học, Loan về huyện xin công tác tại Phòng nội vụ huyện, phụ trách công tác quản lý nhà nước về thanh niên. Thấy Loan nhiệt tình tham gia hoạt động phong trào thanh niên, tổ chức đã luân chuyển Loan sang huyện đoàn rồi sau đó được bầu làm bí thư huyện đoàn.
Hơn 10 năm công tác thanh niên, Loan để lại nhiều dấu ấn, không phải chỉ là những chuyến đi đến 14 xã, thị trấn trong huyện xa mịt mù, đường đi vô vàn khó khăn, mà dấu ấn hoạt động xã hội, từ thiện. Từ năm 2017, bệnh nhân và người nhà khi đến Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Tè mỗi sáng thứ bảy, chủ nhật hằng tuần đã quen với những bóng áo xanh bên "nồi cháo tình thương" trong khuôn viên bệnh viện.
"Một nồi cháo chỉ khoảng 1 triệu đồng nhưng đó là tấm lòng, công sức của biết bao đoàn viên. Và để duy trì đều đặn suốt từ năm 2017 đến nay, đối với tổ chức Đoàn nơi biên giới nghèo khó không phải dễ, cũng phải thường xuyên vận động, đi xin chỗ nọ, nhờ chỗ kia.
Những ngày đầu bưng bát cháo đến cho người dân, một ông cụ người Mông đói lả, tay run còn không thể xúc nổi thìa cháo. Sau khi được bón cho ăn xong, nước mắt ông ngắn dài cho biết nhà ông ở tận xã biên giới cách huyện gần 50 cây số. Ông chữa bệnh nhưng nhà nghèo quá, con cái ở xa không kịp về chăm, ông cũng hết tiền nên nhịn đói...
Ăn xong bát cháo nóng, ông tỉnh táo hơn, tay đỡ run hơn và luôn miệng cảm ơn. Chỉ hình ảnh nhỏ này khiến tôi quyết tâm dù khó khăn đến đâu cũng phải duy trì nồi cháo để không được cả tuần thì chí ít cũng được mỗi thứ bảy, chủ nhật" - Loan nhớ lại.
Ông Sùng A Nủ, bí thư Huyện ủy Phong Thổ, từng là thủ trưởng của Loan, cho biết có thể chuyện nồi cháo một phần xuất phát từ hoàn cảnh của Loan. Thời gian ở bệnh viện với con, Loan thấu hiểu những khó khăn của bệnh nhân. Chính vì thế, dù thu nhập của cán bộ Đoàn, người dân huyện biên giới chưa cao, nhưng Loan cùng các đoàn viên trong huyện vẫn đều đặn đóng góp để duy trì nồi cháo nghĩa tình suốt 4 năm qua...
Ngoài ra, Loan còn liên tục vận động, quyên góp tiền, quà ủng hộ trẻ em vùng biên giới. Chỉ từ năm 2017 đến nay, riêng cá nhân Loan đã trực tiếp vận động xã hội hóa xây dựng được 5 điểm trường học tại các xã giáp biên.
"Mỗi công trình đều cho tôi cảm xúc khác nhau. Ví như khi kết nối để xây dựng điểm trường ở xã Phí Chi B mới đây, nhóm võ sư, võ sinh của võ đường Nghĩa Dũng tận Huế đã ủng hộ để xây dựng điểm trường. Ngày khánh thành, nhiều võ sư đã trực tiếp đến Mường Tè. Trong đó có võ sư Nguyễn Văn Dũng trên 80 tuổi vẫn vào tận nơi.
Tôi rất xúc động khi thầy Dũng nhắn nhủ học sinh dân tộc ở điểm trường mới rằng: các em đừng bao giờ bỏ cuộc, đừng sống chỉ biết đến một nơi bốn bề là núi, mà hãy vươn xa hơn, ra ngoài kia với những thành phố rộng lớn hơn.
Câu nói ngắn gọn, đầy hàm ý của thầy Dũng như lời động viên thế hệ trẻ chúng tôi và cá nhân tôi càng thấy mình cần phải làm điều gì đó nhiều hơn cho trẻ thơ" - Loan tâm sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận