04/11/2018 07:18 GMT+7

Thủ khoa tốt nghiệp: xin việc cũng rất khó khăn

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - 133 thủ khoa tốt nghiệp ở hai thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM vừa được vinh danh. Học giỏi, có tài năng, họ đã chuẩn bị hành trang việc làm ra sao để không tái diễn câu chuyện 'thủ khoa về quê chăn lợn'.

Thủ khoa tốt nghiệp: xin việc cũng rất khó khăn - Ảnh 1.

Thủ khoa Nguyễn Mai Anh không chỉ học giỏi mà còn tích cực tham gia công tác thiện nguyện - Ảnh: HÀ THANH

Dịp đầu tháng 10, tại lễ tuyên dương 88 thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc tại các trường đại học, học viện trên địa bàn TP Hà Nội, ông Ngô Văn Quý, phó chủ tịch UBND thành phố, đánh giá 88 thủ khoa được vinh danh là nguồn nhân lực chất lượng cao, là một phần nguyên khí của thủ đô và đất nước, là đại diện tiêu biểu cho một lớp trí thức trẻ đầy nhiệt huyết, năng động, sáng tạo, đam mê học tập, nghiên cứu, tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng.

Tại TP.HCM năm nay có 45 thủ khoa tốt nghiệp. Ông Nguyễn Hữu Hiệp, trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM, đánh giá đây những tấm gương thủ khoa điển hình trong học tập, tiêu biểu trong lối sống, luôn biết dấn thân, cống hiến vì cộng đồng.

Hãy cùng lắng nghe những thủ khoa tốt nghiệp chia sẻ với Tuổi Trẻ Online về kỹ năng cần thiết để nắm bắt cơ hội việc làm:

Nguyễn Mai Anh (điểm 8,71/10, ngành công tác thanh thiếu niên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam)

Thực trạng đúng là hiện nay có những thủ khoa đầu ra như thủ khoa sư phạm phải về quê. Tôi nghĩ ngay từ trên ghế nhà trường, các bạn cần trau dồi các kỹ năng khác. Với chuyên ngành của tôi, ngoài trau dồi kỹ năng giao tiếp, kỹ năng truyền thông thì cần trau dồi kỹ năng văn phòng từ việc soạn thảo văn bản, tin học, đặc biệt ngoại ngữ.

Bên cạnh đó tham gia các hoạt động xã hội giúp bạn tạo mối quan hệ, gặp gỡ được các mối quan hệ như doanh nghiệp, giúp các bạn tự tin hơn.

Từ cấp 1 đến cấp 3 tôi luôn có tình yêu với công tác Đoàn nên tôi chọn Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam. Bước vào giảng đường mới đầu còn bỡ ngỡ, tôi cố gắng trong học tập, tham gia công tác Đoàn, Hội của trường và đặc biệt làm MC trong nhiều hoạt động của trường cũng như Trung ương Đoàn.

Dù làm MC là sở thích, là đam mê nhưng tôi xác định việc học là quan trọng nhất. Học xong kiến thức ở trường, tối đến tôi dành thời gian chuẩn bị kịch bản MC cho các chương trình. Vừa học, tôi vừa được làm việc mình yêu thích.

Hiện nay tôi đang công tác tại một quận đoàn trên địa bàn TP.Hà Nội.

Thái Hương Mai (22 tuổi, thủ khoa đầu ra 3.6/4.0, ngành tài chính doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính ngân hàng)

Ai cũng đều lo lắng chuyện "đầu ra" của sinh viên sẽ rất khó khăn. Chúng tôi là những sinh viên đầu ra xuất sắc nhưng khi đi xin việc rất khó, vì danh hiệu này chỉ có trong trường mới biết và công nhận. Ở ngoài thì chưa chắc chắn, họ không biết mình là ai.

Thủ khoa tốt nghiệp: xin việc cũng rất khó khăn - Ảnh 2.

Hương Mai từng làm 3-4 công việc liên tục. Cô luôn hoạch định trước mục tiêu và đánh giá bản thân đạt được bao nhiêu mục tiêu đó - Ảnh: HÀ THANH

Có một thời gian, tôi ra ngoài làm việc vất vả, đi làm 3-4 công việc liên tục nhưng người ta không quan tâm bạn đạt danh hiệu gì, chỉ quan tâm trả lương theo năng lực.

Tôi mong các cấp lãnh đạo tạo điều kiện cho chúng tôi tìm kiếm việc làm phù hợp với năng lực, phẩm chất bản thân. Ngay khi đã có kết quả công nhận thủ khoa, các nhà lãnh đạo, doanh nghiệp có thể tiếp nhận thủ khoa luôn, chứ để ra trường không kiếm được việc làm thì rất nhiều thủ khoa sẽ lựa chọn con đường du học.

Tôi không giống những người khác, tôi tự đặt ra mục tiêu từng mốc một, và đạt được bao nhiêu tôi sẽ tự mình đánh giá: "Tôi đã cố gắng ra sao để đạt được mục tiêu của mình".

Trung úy Hà Trí Dũng (thủ khoa Trường ĐH Trần Quốc Tuấn, Sĩ quan lục quân 1)

Với đặc thù là môi trường quân đội, học viên của trường không chỉ học tập kiến thức quân sự mà phải rèn luyện cả về sức khỏe, trí tuệ, bản lĩnh của quân nhân.

Trong môi trường như vậy, học viên sáng miệt mài trên thao trường, bãi tập, tối tiếp tục rèn luyện, hoàn thiện những kỹ năng cả trí tuệ lẫn thể lực để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Thủ khoa tốt nghiệp: xin việc cũng rất khó khăn - Ảnh 3.

Trung úy Dũng cho rằng học viên không chỉ học tập kiến thức quân sự mà phải rèn luyện cả về sức khỏe, trí tuệ, bản lĩnh của quân nhân - Ảnh: HÀ THANH

Theo tôi, chúng ta phải phân bổ thời gian hợp lý, phối hợp để có lịch thời gian cân đối, phù hợp nhất để hoàn thiện tất cả kỹ năng giúp bạn chuẩn bị kỹ càng khi ra trường.

Mã Hồng Anh (9,06/10 điểm, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)

Thủ khoa tốt nghiệp: xin việc cũng rất khó khăn - Ảnh 4.

Mã Hồng Anh mong mỏi cần quảng bá hình ảnh người thầy, cô giáo tích cực để thu hút bạn trẻ đăng ký vào các khối ngành sư phạm - Ảnh: HÀ THANH

Tôi nghĩ một trong những điểm khá khó khăn là rất ít bạn có kết quả xuất sắc muốn đăng ký vào ngành sư phạm. Có lẽ đây là thách thức với các cấp lãnh đạo, cần quảng bá hình ảnh người thầy, cô giáo cách tích cực hơn để nhiều bạn trẻ đăng ký vào khối ngành sư phạm, từ đó tìm ra được nhân tài trở thành thầy cô giáo trong tương lai.

Đối với sinh viên ngoài kiến thức chuyên môn, chúng ta có thể tham gia các hoạt động đoàn thể để có thể giao lưu kết bạn với mọi người, học thêm các kỹ năng mềm, học hỏi từ các bạn vì mỗi người có những ưu điểm riêng, tích cực làm thêm để tích lũy kinh nghiệm.

Việc học tiếng Anh quan trọng nhất là phải có quyết tâm, cũng như thường xuyên ôn tập, vì tiếng Anh không phải ngày một ngày hai mà mình có thể phát triển, tốt lên được. Ở trên mạng hiện nay có nhiều công cụ học tập, nên tôi nghĩ mỗi người có mỗi phương pháp học phù hợp dành cho mình.

Nguyễn Phú Hưng (22 tuổi, thủ khoa khoa công nghệ điện tử thông tin, ngành công nghiệp điện tử viễn thông,Viện ĐH Mở)

Thủ khoa tốt nghiệp: xin việc cũng rất khó khăn - Ảnh 5.

Thủ khoa Phú Hưng cho biết bản thân luôn trau dồi vốn tiếng Anh từ trên ghế nhà trường - Ảnh do nhân vật cung cấp

Tôi thấy khá buồn trước thực trạng thủ khoa vinh danh được công nhận, nhưng sau đó không tìm được việc làm. Tôi mong mỏi các cấp lãnh đạo tạo điều kiện cho thủ khoa được tham gia vào các sở, ban ngành của thành phố.

Chúng tôi từng tham gia khảo sát về mong muốn làm việc tại các sở, ban ngành trực thuộc thành phố hay ở doanh nghiệp nước ngoài. Tôi mong qua khảo sát này, các cấp chính quyền tạo điều kiện cho các sinh viên thủ khoa chưa có việc làm được làm đúng chuyên ngành của mình.

Lê Thị Thùy Linh (thủ khoa kép Học viện Cảnh sát)

Thủ khoa tốt nghiệp: xin việc cũng rất khó khăn - Ảnh 6.

Thùy Linh đề xuất nhà trường, thầy cô giới thiệu hồ sơ các sinh viên tiêu biểu với các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên tiếp cận cơ hội việc làm - Ảnh: HÀ THANH

Tôi nghĩ ngay từ lúc sinh viên chuẩn bị ra trường, nhà trường, thầy cô nên đề xuất, đề cử những bạn sinh viên có điểm số cao nhất của trường có khả năng tham gia các vị trí việc làm ở cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp phù hợp, giới thiệu hồ sơ của các bạn ấy. Các bạn có điểm xuất phát tốt, như thế tạo điều kiện để sau này các bạn có thể trở thành những vị trí cốt cán nếu được đưa vào môi trường phù hợp.

Hai "bóng hồng" thủ khoa kép đại học năm 2018

TTO - Không chỉ có ngoại hình xinh đẹp, những cô nàng này còn được bạn bè trong trường ngưỡng mộ với danh hiệu "thủ khoa kép", sở hữu thành tích "khủng" trong học tập, tích cực tham gia hoạt động xã hội, rèn luyện bản thân.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên