Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong giờ học - Ảnh: NHƯ HÙNG
Ngoài ra, nhiều người còn cho rằng môi trường làm việc cũng quan trọng không kém trong việc giữ chân giáo viên.
Ưu đãi 55 lần lương cơ sở
Sở GD-ĐT Tuyên Quang vừa có thư mời sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc từ các trường đại học sư phạm trên cả nước về làm việc với chế độ ưu đãi.
Theo đó, ứng viên sẽ được tuyển dụng thông qua xét tuyển và hưởng chính sách hỗ trợ bằng tiền sau khi được tuyển dụng với mức hỗ trợ như sau: tốt nghiệp thủ khoa, loại giỏi trở lên được hỗ trợ 55 lần mức lương cơ sở; tốt nghiệp loại xuất sắc được hỗ trợ 50 lần mức lương cơ sở và tốt nghiệp loại giỏi được hỗ trợ 45 lần mức lương cơ sở.
Đây là mức hỗ trợ một lần sau khi tiếp nhận người vào làm việc.
Trước đây, Hà Nội cũng từng có quy định "trải thảm đỏ" tuyển dụng thẳng vào biên chế những người tốt nghiệp thủ khoa các trường đại học, trong số này có những người tốt nghiệp sư phạm. Không qua kỳ thi tuyển, những thủ khoa này được tuyển thẳng và được lựa chọn nơi công tác trong số những cơ sở đang còn biên chế.
Tại Quảng Nam, ông Hà Thanh Quốc, giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết sở này đang tổ chức nhiều chính sách thu hút nhân tài và được tỉnh ủng hộ để tạo ra một lớp nhà giáo giỏi, đào tạo ra lứa học trò giỏi phục vụ xây dựng tỉnh.
Cụ thể, từ năm 2017, thầy cô ở các trường THPT có nhiệm vụ theo dõi, phát hiện và sàng lọc những học sinh có thành tích vượt trội, tìm hiểu nguyện vọng lựa chọn ngành nghề ngay khi ngồi trên ghế trường phổ thông.
Nếu em nào muốn theo sư phạm, trường sẽ lập một bộ hồ sơ riêng và gửi về cho Sở GD-ĐT để theo dõi cả quá trình. Các học sinh này khi chọn theo trường sư phạm cũng sẽ được các thầy cô ở tỉnh tiếp tục liên hệ cho tới ngày tốt nghiệp. Nếu đủ tiêu chuẩn về học lực sẽ được sở xin cơ chế riêng để đưa vào diện đặc cách để chính thức giảng dạy trong các trường phổ thông, đặc biệt là trường chuyên.
Không chỉ vậy, từ hai năm nay tỉnh Quảng Nam thông báo rộng rãi chính sách thu hút nhân tài. Sở GD-ĐT Quảng Nam gửi hồ sơ, công văn tới trực tiếp các trường đào tạo sư phạm để xin danh sách sinh viên có học lực tốt. Từ đây, người của sở sẽ liên hệ với các sinh viên này để tìm hiểu nguyện vọng, tổ chức tới trực tiếp trường đại học để mời chào về tỉnh này dạy học.
Từ 2019 tới nay có 28 cử nhân sư phạm diện ưu tú này đã được nhận vào Quảng Nam dạy học, hưởng các ưu đãi đặc biệt để thầy cô yên tâm công tác. Mới đây nhất, ngày 31-5 có 8 sinh viên các tỉnh được trao quyết định tuyển dụng, phân công công việc trong diện thu hút nhân tài...
"Môi trường làm việc trong sáng, công tâm, hỗ trợ hết mình cho việc đổi mới giảng dạy của giáo viên là điều mà bản thân tôi và nhiều giáo viên trẻ mong ước.
Cô Ng.T.T.H. (giáo viên môn văn tại một trường THPT tư thục ở TP.HCM)
Học sinh Trường THPT Trần Quang Khải (Q.11, TP.HCM) chúc mừng giáo viên nhân Ngày nhà giáo Việt Nam - Ảnh: NHƯ HÙNG
Lưu tâm hơn đến môi trường làm việc
Câu chuyện tuyển dụng người giỏi với các ưu đãi như hỗ trợ một lần tiền, cấp nhà, cho phép lựa chọn nơi làm là tín hiệu đáng mừng. Nhưng ở góc độ của những người quản lý trong lĩnh vực giáo dục, việc giữ chân giáo viên giỏi trong ngành cũng là vấn đề cần lưu tâm.
Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) đang thu hút nhiều người từng là thủ khoa trường sư phạm và cả những người bỏ biên chế để được làm việc theo hình thức hợp đồng.
Cô Nguyễn Thị Thu Anh - hiệu trưởng - chia sẻ: "Nơi nào khiến người lao động có năng lượng tích cực để làm việc, khiến họ cảm thấy vui, hạnh phúc thì nhiều người muốn làm việc. Tôi đã cố gắng để có điều đó ở ngôi trường của mình - nơi mà không chỉ giáo viên mà cả những người làm công việc đơn giản như lao công, bảo vệ đều cảm nhận được.
Cũng là một công việc cụ thể phải hoàn thành nhưng người có trách nhiệm, tâm huyết sẽ mang lại thành quả khác với người chỉ làm cho xong hoặc làm để đối phó".
Cô Nguyễn Thị Nhiếp - hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), người từng làm quản lý trường công và trường tự chủ tài chính - cho biết: Quy định thu hút người giỏi vào học trường sư phạm, cách miễn giảm học phí chỉ có thể thu hút được những sinh viên nghèo mà chưa thu hút được những sinh viên có năng lực, có tố chất phù hợp với nghề giáo.
"Điều thu hút thực sự là phải để cho người trẻ nhìn thấy được ý nghĩa của nghề, sự coi trọng của các cơ quan quản lý và xã hội với nghề, nơi họ có thể được thỏa sức thể hiện giá trị bản thân và phát triển được năng lực của mình..." - cô Nhiếp nhấn mạnh.
TRẦN THỊ XUÂN QUỲNH (sinh viên năm 2 khoa vật lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):
Ước ao làm việc trong môi trường cởi mở, công bằng
Tôi chọn con đường trở thành nhà giáo với ước mong hỗ trợ cho học sinh được trải nghiệm, được nghiên cứu…chứ không chỉ học lý thuyết trong bốn bức tường của lớp học.
Tôi không quá kỳ vọng rằng sẽ có một sự thay đổi đột phá về lương, thưởng cho giáo viên khi tôi tốt nghiệp sư phạm và đi dạy. Tuy nhiên, điều quan trọng đối với tôi chính là môi trường làm việc.
Tôi mong muốn mình sẽ được giảng dạy tại một ngôi trường có lãnh đạo luôn luôn tạo điều kiện tốt nhất để cho giáo viên thể hiện sự sáng tạo của mình; luôn hỗ trợ giáo viên thực hiện những ý tưởng mới nhằm phát huy được năng lực của học sinh.
Tôi cũng hy vọng khi trở thành giáo viên mình sẽ có nhiều cơ hội để học thêm, nghiên cứu thêm, không chỉ nâng cao tay nghề mà còn mở rộng sự hiểu biết, giúp bản thân làm tốt hơn công việc của một nhà giáo.
Điều tôi sợ nhất chính là sự bảo thủ của lãnh đạo, giáo viên… ở một số trường. Vì vậy, tôi vẫn ước ao sau này khi đi dạy mình sẽ được làm việc trong một môi trường cởi mở, công bằng và có sự lắng nghe, thấu hiểu.
Sinh viên tốt nghiệp sư phạm xuất sắc được tuyển dụng đặc cách về dạy học tại tỉnh Quảng Nam vào hôm 31-5 - Ảnh: B.D
ThS LÊ NGỌC ĐIỆP (nguyên trưởng Phòng giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM):
Trước hết là chính sách dành cho giáo viên
Có lần, khi làm việc với Bộ Giáo dục Singapore, tôi hỏi họ cách thu hút người giỏi vào làm việc trong ngành giáo dục. Họ cho biết Singapore cũng từng có thời gian khủng hoảng vì học sinh giỏi không chọn học sư phạm. Nhận thấy tình trạng này là nguy cơ xấu ảnh hưởng đến sự phát triển của giáo viên, họ đã cải tiến.
Trước hết là chính sách dành cho giáo viên. Các trường sẽ tạo mọi điều kiện để giáo viên hoàn thành công việc của mình ở trường mà không phải mang về nhà làm.
Tôi đã từng đến thăm các trường phổ thông và thấy mỗi giáo viên có một ô làm việc riêng với đầy đủ máy tính, kệ, tủ... Khi bước ra khỏi trường thì họ để lại tất cả ở trường, không phải lo lắng, vương vấn về công việc mà toàn tâm toàn ý lo việc gia đình.
Thứ hai, mỗi nhà trường của họ đều có phòng thư giãn dành cho giáo viên. Người ở Bộ Giáo dục Singapore nói rằng khi giáo viên nóng giận thì dễ sinh ra những hành vi phản sư phạm. Vì vậy, khi bực bội thì giáo viên không nên tiếp tục đứng lớp mà nên đến phòng thư giãn để "hạ hỏa".
Thứ ba, sau mỗi chu kỳ dạy học vài năm, các giáo viên của họ sẽ được đi tham quan trường phổ thông ở các nước tiên tiến trên thế giới để học hỏi, nâng cao tay nghề, đồng thời đi tham quan, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ... những trường ở các nước khó khăn.
Tôi cho rằng đây cũng là kinh nghiệm có thể tham khảo để thu hút người giỏi vào sư phạm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận