05/11/2024 17:18 GMT+7

Thu hút khách quốc tế, 'lên đời' dịch vụ hàng không ở Việt Nam

Ngày 5-11, Trinity Forum 2024 - diễn đàn thương mại bán lẻ hàng không hàng đầu thế giới - đã chính thức khai mạc. Nhiều cơ hội đã mở ra khi doanh nghiệp quốc tế tìm đến Việt Nam, đổ vốn vào đầu tư dịch vụ hàng không, bán lẻ tại các sân bay.

Thu hút khách quốc tế, 'lên đời' dịch vụ hàng không ở Việt Nam - Ảnh 1.

Trinity Forum 2024 - diễn đàn thương mại bán lẻ hàng không hàng đầu thế giới - lần đầu tổ chức tại TP.HCM - Ảnh: IP

Trinity Forum lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, dưới sự đồng tổ chức của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG).

Với sự góp mặt của hơn 400 khách mời từ các tập đoàn danh tiếng như L'Oréal, Qatar Airways, Diageo và China Duty Free Group, The Trinity Forum 2024 mang đến một không gian đối thoại quan trọng về các xu hướng đổi mới và chiến lược phát triển bền vững trong ngành hàng không và bán lẻ toàn cầu.

Theo ông Martin Moodie - nhà sáng lập The Moodie Davitt Report, tổ chức sáng lập The Trinity Forum, sự kiện này hướng đến việc tận dụng tối đa tiềm năng thương mại tại sân bay, gia tăng trải nghiệm của hành khách và tạo giá trị lâu dài cho ngành hàng không.

Với chủ đề "Thúc đẩy đổi mới để duy trì sự tương thích trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng thay đổi", diễn đàn năm nay bao gồm các phiên thảo luận chuyên sâu như "Tầm nhìn 2034" và "Sự phát triển của thị trường bán lẻ du lịch Trung Quốc", nơi các chuyên gia hàng đầu chia sẻ tầm nhìn và ý tưởng đột phá để nâng tầm trải nghiệm sân bay và dự báo xu hướng tiêu dùng thông minh.

Tăng cường dịch vụ bán lẻ các sân bay Việt Nam

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Đức Hùng, phó tổng giám đốc ACV, chia sẻ hệ thống cảng hàng không của ACV đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, phục vụ hơn 113 triệu lượt hành khách trong năm nay, với doanh thu phi hàng không đạt 3.686 tỉ đồng, chiếm gần 19% tổng doanh thu.

ACV sẽ đầu tư mạnh mẽ với tổng ngân sách 400.000 tỉ đồng (16 tỉ USD) vào các dự án quan trọng như cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất và mở rộng nhà ga T2 Nội Bài.

ACV đặt mục tiêu đến năm 2030, các cảng hàng không Việt Nam sẽ đạt công suất 284 triệu hành khách mỗi năm, nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng, đồng thời đa dạng hóa các loại hình dịch vụ phi hàng không như bán lẻ, giải trí, và ẩm thực để đóng góp 30-40% vào tổng doanh thu.

Đây là bước đi chiến lược nhằm tăng sức cạnh tranh cho ngành hàng không Việt Nam và biến các sân bay trở thành điểm đến hấp dẫn cả về thương mại và văn hóa.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, chủ tịch Tập đoàn IPPG, nhấn mạnh rằng việc đăng cai The Trinity Forum lần này là cơ hội vàng để Việt Nam khẳng định vị thế và vai trò của mình trong lĩnh vực hàng không và dịch vụ bán lẻ quốc tế.

Là đối tác của hơn 138 thương hiệu toàn cầu với hệ thống hơn 1.000 cửa hàng bán lẻ và cửa hàng miễn thuế tại các sân bay lớn, IPPG tiếp cận các xu hướng sáng tạo và chất lượng dịch vụ đẳng cấp, biến sân bay Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn cho cả hành khách và đối tác quốc tế.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết sẽ thu hút đối tác bán lẻ Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam, từ đó thu hút số lượng khách quốc tế đến mua sắm, chi tiêu mua hàng miễn thuế.

Đầu tư dịch vụ ở sân bay, theo ông Hạnh Nguyễn, cần phải "lên đời" theo tiêu chuẩn quốc tế 5 sao.

"Làm sao có những gian hàng, bán chai rượu 700 - 800 triệu đồng vẫn có người mua. Sân bay thế giới có gì, Việt Nam đều có dịch vụ tương tự. Chẳng hạn khu này bán hàng châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... khách tới sân bay mua sắm đều đáp ứng được hết" - ông Hạnh Nguyễn nói.

Trong thời gian diễn ra diễn đàn, nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã có cuộc gặp gỡ, thảo luận và ký kết hợp tác về dịch vụ hàng không, bán lẻ sân bay. Trong đó có nhiều dịch vụ mới, thương hiệu quốc tế hiện diện tại nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Theo báo cáo của Hội đồng Sân bay quốc tế (ACI), doanh thu phi hàng không đã chiếm 30-40% tổng doanh thu của các sân bay trên thế giới, cho thấy sức hút lớn của lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ tại sân bay.

Với vị trí chiến lược và tốc độ tăng trưởng du lịch, cộng với sự cải thiện hạ tầng sân bay, Việt Nam được đánh giá là điểm đến tiềm năng cho ngành thương mại hàng không khu vực châu Á.

Thu hút khách quốc tế, 'lên đời' dịch vụ hàng không ở Việt Nam - Ảnh 2.Trinity Forum 2024 đem cơ hội hút vốn quốc tế vào hàng không, bán lẻ du lịch

Diễn đàn Trinity Forum 2024, sự kiện quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực hàng không và bán lẻ du lịch, diễn ra tại TP.HCM từ ngày 5 đến 6-11, quy tụ hàng loạt thương hiệu lớn L'Oréal, Qatar Airways, Mondelēz, Diageo, Dubai Duty Free, China Duty Free...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên