Đường Mỹ Phước - Tân Vạn sẽ là tuyến đường có các giải pháp thông minh, trong tương lai các tuyến xe buýt nhanh, metro kết nối Bình Daương với TP.HCM sẽ được xây dựng trên tuyến đường này - Ảnh: Q.ĐỊNH
Kế hoạch xây dựng TP thông minh không chỉ giúp tỉnh này tiếp tục phát triển mà còn hứa hẹn mang tới những giải pháp đột phá góp phần phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tăng cường tương tác
Ông Mai Hùng Dũng - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh, trưởng Ban điều hành đề án TP thông minh Bình Dương - cho biết Bình Dương tiếp cận xây dựng "" không phải bỏ tiền ngân sách ra mua công nghệ, mà làm sao phát huy được nguồn lực xã hội, mối tương tác giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp để giải các bài toán khó cho vấn đề phát triển.
Ông Dũng nêu câu chuyện VN nói chung và Bình Dương nói riêng tới nay đã có gần 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), bên cạnh những thành tựu, việc thu hút đầu tư phải tính đến những yếu tố mới: thu hút được những doanh nghiệp công nghệ cao, mang lại giá trị gia tăng nhiều hơn; phát huy được mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước; có những giải pháp thông minh được áp dụng trong giao thông, sản xuất... để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Một giải pháp khá táo bạo mà Bình Dương đề xuất triển khai để giải quyết bài toán vận chuyển thông minh là xây tuyến đường sắt chuyên dùng vận chuyển hàng hóa bằng container từ các khu công nghiệp tới các cảng biển, cảng hàng không tại TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Một chuyên gia cho hay vùng kinh tế Đông Nam Bộ hiện đóng vai trò như một "công xưởng" lớn của cả nước với rất nhiều khu công nghiệp, thế nhưng việc vận chuyển hàng hóa hiện phụ thuộc hầu hết vào đường bộ (chiếm tới 70%) đang quá tải.
Việc xây tuyến đường sắt chuyên vận chuyển container, trong đó có những khu tập kết hàng hóa, sẽ góp phần rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm kẹt xe và giảm nguy cơ tai nạn giao thông.
Theo tính toán của chuyên gia, hiện nay để vận chuyển một container từ Bình Dương về TP.HCM bằng đường bộ có thể phải mất tới 8-10 giờ, nhưng nếu có tuyến đường sắt với tốc độ thiết kế khoảng 120 km/h thì chỉ cần 2 giờ là hàng hóa đã tới cảng.
Ông Mai Hùng Dũng cho biết trước mắt, Bình Dương đã chủ động xây dựng tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, hiện đã thông xe với quốc lộ 1, 1K, có một phần trùng với quy hoạch đường Vành đai 3 TP.HCM.
Tỉnh Bình Dương dự kiến sẽ xây dựng đường Mỹ Phước - Tân Vạn trở thành tuyến đường có các giải pháp thông minh, trong tương lai các tuyến xe buýt nhanh, metro kết nối Bình Dương với TP.HCM sẽ được xây dựng trên tuyến đường này.
Phát huy chất xám
Về định hướng thu hút đầu tư, Bình Dương giờ đây chào đón những doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN) với hàm lượng chất xám cao. Tỉnh đã quy hoạch một khu công nghiệp KHCN với quy mô lên tới 600ha tại Bàu Bàng.
Thế nhưng, để thu hút được doanh nghiệp KHCN thì vấn đề then chốt là phải có người lao động có chất xám, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp trong giai đoạn mới.
TS Nguyễn Việt Long - giám đốc Văn phòng TP thông minh tỉnh Bình Dương - cho biết vấn đề đầu tư và con người đã được tỉnh này quan tâm từ những ngày đầu phát triển khi xây dựng những khu công nghiệp đầu tiên.
Trước đây, khi hợp tác với Singapore để xây dựng Khu công nghiệp VSIP 1, từ gợi ý của ông Lý Quang Diệu, tỉnh Bình Dương đã xây dựng các trường cao đẳng, trung cấp nghề để đáp ứng lao động qua đào tạo cho các nhà máy.
Ngày nay, đòi hỏi của giai đoạn mới cần phải có nhiều giải pháp đột phá hơn nữa, nên trong đề án TP thông minh của Bình Dương đã nhấn mạnh đến vai trò của "nhà trường", bao gồm các trường đại học, viện nghiên cứu là một trong ba trụ cột "Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp".
Xét về góc độ thu hút đầu tư, ông Nguyễn Văn Hùng, chủ tịch HĐQT Tổng công ty Becamex IDC, cho biết đề án TP thông minh có đóng góp rất tốt cho thu hút đầu tư.
"Hiện nhiều nơi, không chỉ trong nước mà các địa phương khác trên thế giới đều có những chính sách ưu đãi về thuế, về đất đai để thu hút nhà đầu tư khiến nhà đầu tư phải lựa chọn. Nhưng khi chúng tôi có đề án TP thông minh, nhà đầu tư thấy được sự đồng hành, quyết tâm của cả xã hội thì họ sẽ yên tâm bỏ vốn làm ăn lâu dài" - ông Hùng nói.
Thu hút đầu tư tại chỗ
Các giải pháp để phát triển TP thông minh sẽ được các chuyên gia, nhà đầu tư đến từ nhiều trường đại học, thành phố lớn trên thế giới bàn thảo tại hội nghị quy mô lớn về chủ đề này, do Bình Dương phối hợp cùng Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA) và thành phố Daejeon (Hàn Quốc) đồng tổ chức từ ngày 10 đến 12-10.
Sẽ có hàng chục thị trưởng và nhiều nhà đầu tư có mặt tại Bình Dương để tham gia sự kiện.
Cùng với việc Bình Dương chính thức gia nhập WTA vào tháng 8-2018, và tới nay đăng cai hội nghị quốc tế, Bình Dương đang có cơ hội tốt để thu hút đầu tư tại chỗ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận