Xe cũ nát lưu thông trên đường Dương Bá Trạc, Q.8, TP.HCM - Ảnh: H.Khoa |
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hiện nay chưa có quy định pháp luật cụ thể về thời hạn sử dụng đối với môtô, xe máy.
Không biết xe máy chạy bao lâu phải bỏ
Theo ông Nguyễn Đức Chung, trong số 6 triệu xe máy ở Hà Nội có 2,5 triệu xe đăng ký trước năm 2000, nay đã cũ nát.
TP Hà Nội sẽ nghiên cứu bỏ ra khoản tiền hỗ trợ để có biện pháp thu hồi số xe này bởi thực trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội đã đến mức báo động đỏ, trong đó có nguồn ô nhiễm nặng nề từ khí xả thải của xe máy và ôtô.
Ghi nhận của chúng tôi tại Hà Nội có rất nhiều xe máy đăng ký trước năm 2000 đang được người dân dùng chuyên chở hàng hóa buôn bán tại các chợ.
Trước thông tin chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết sẽ nghiên cứu hỗ trợ tài chính để thu hồi xe máy cũ nát, nhiều người tỏ ra bất ngờ vì chưa từng biết xe máy sử dụng bao năm phải loại bỏ.
Bà Nguyễn Thị Hoa, ngụ xã Thọ Xuân, H.Đan Phượng (Hà Nội), đang sử dụng chiếc xe Cub 82 mua từ năm 1995, nhưng bà cho rằng đến nay xe vẫn còn rất tốt.
“Tôi vẫn thay nhớt và bảo quản xe vì đây là phương tiện chính chạy chợ hằng ngày. Tôi không biết loại xe này được dùng bao năm thì phải bỏ” - bà Hoa băn khoăn.
Anh Nguyễn Văn Hùng, ngụ xã Phú Túc, H.Phú Xuyên, cho biết anh sử dụng chiếc xe Dream mua từ năm 1998 để chở thịt heo vào nội thành bán hằng ngày.
“Vì xe chuyên chở nặng, sử dụng lâu ngày nên giá trị xe bây giờ gần như không còn. Tuy nhiên, đây vẫn là phương tiện chính gia đình sử dụng mỗi ngày nên chưa thể bỏ ngay” - anh Hùng nói.
Anh Hùng thừa nhận xe cũ, có niên hạn tới gần 20 năm, xe sử dụng trong môi trường không được giữ gìn, bảo quản, có thể là nguồn gây ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, anh cho biết không hề biết loại xe này được sử dụng bao nhiêu năm.
Là người sử dụng xe máy đăng ký từ trước năm 2000, anh Nguyễn Tuấn Quân, P.Dịch Vọng, Q.Cầu Giấy, cho rằng: “Muốn thu hồi phải rõ ràng về tiêu chí đánh giá, không thể lấy niên hạn sử dụng để thu hồi hàng loạt, bởi lẽ xe của người bảo quản tốt, xe của dân chơi xe khác với chất lượng của loại xe sử dụng thồ hàng”.
CSGT dừng xe để xử lý trường hợp chở hàng cồng kềnh trên đường Trần Nhật Duật (Hà Nội). Phần lớn xe cũ nát được dùng để chở hàng cồng kềnh, gây nguy hiểm cho người đi đường - Ảnh: Nam Trần |
TP.HCM vận dụng quy định để xử lý
Theo một lãnh đạo Cục Đăng kiểm, hiện chưa có văn bản pháp lý quy định niên hạn sử dụng đối với môtô, xe máy.
Về đề xuất quy định niên hạn để thu hồi xe máy cũ nát, kiểm soát khí thải xe máy của Hà Nội, vị lãnh đạo Cục Đăng kiểm cho rằng đây là đề xuất tốt để bảo vệ môi trường và an toàn giao thông. Đề xuất này có thể thực hiện được khi sửa Luật giao thông đường bộ.
Vị này cho biết thêm trong quá trình bàn thảo về sửa đổi Luật giao thông đường bộ, đã có những ý kiến đề xuất cần phân cấp cho địa phương quy định điều kiện hoạt động của môtô, xe máy tùy theo đặc thù của từng địa phương, thay vì quy định chung cho cả nước.
Bởi vì số lượng xe máy ở Hà Nội nhiều hơn hẳn so với các tỉnh miền núi, nguy cơ ô nhiễm do xe máy gây ra tại Hà Nội nhiều hơn thì Hà Nội phải chủ động xây dựng quy định về điều kiện hoạt động của xe máy.
Còn tại những tỉnh ít xe máy và xe máy là phương tiện chính của người dân, nhất là người nghèo, trong khi vận tải công cộng chưa đủ khả năng đáp ứng thì có thể xem xét quy định về điều kiện hoạt động của xe máy khác với Hà Nội.
Theo Phòng cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC67) Công an TP.HCM, thời gian qua phòng xác định những người điều khiển xe máy cũ nát trên đường thường xuyên vi phạm pháp luật, gây mất trật tự an toàn giao thông và tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Do đó lực lượng cảnh sát giao thông đã tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm nên hiện nay tình trạng người chạy xe máy cũ nát ít xuất hiện trên đường.
Do chưa có quy định niên hạn sử dụng đối với xe máy nên cơ sở để xác định thế nào là xe máy cũ, xe máy quá đát nhằm xử phạt còn hạn chế. Tuy nhiên, theo một cán bộ cảnh sát giao thông, kinh nghiệm thực tế cho thấy hầu hết những xe máy cũ, xe máy quá đát đều được người dân tự chế lại, lắp ráp lại mới có thể sử dụng.
Vì vậy lực lượng cảnh sát giao thông tại TP.HCM thường vận dụng khung xử phạt “xe lắp ráp trái quy định” theo nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
Theo đó, người điều khiển loại xe lắp ráp trái quy định tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền 800.000 - 1.000.000 đồng, ngoài ra còn bị tịch thu xe và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.
Chưa có hướng dẫn về niên hạn sử dụng xe máy Quyết định số 16 ngày 22-5-2015 của Thủ tướng Chính phủ về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ quy định môtô, xe máy, ôtô các loại thuộc danh mục sản phẩm thải bỏ, thu hồi, xử lý từ ngày 1-1-2018. Trong quyết định này, Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên - môi trường ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện quyết định, tổ chức hướng dẫn và quản lý việc thực hiện. Đồng thời, bộ này có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trình Thủ tướng sửa đổi, bổ sung danh mục sản phẩm thải bỏ và thời điểm thực hiện thu hồi, xử lý. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về niên hạn sử dụng đối với môtô, xe máy. Nhiều chuyên gia đã đề xuất việc cần làm hiện nay là phải ban hành quy định về kiểm định kỹ thuật môtô, xe máy để có căn cứ ban hành quy định về niên hạn sử dụng môtô, xe máy nhưng vấn đề vẫn chưa ngã ngũ. Trước quyết định 16/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 50/2013 quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ mà theo đó thời điểm thu hồi và xử lý xe môtô, xe gắn máy, ôtô các loại được thải bỏ cũng là 1-1-2018. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận