29/10/2015 09:59 GMT+7

Thu hồi tiền tham nhũng, không để “củng cố đời con”

TT - Chủ đề chống tham nhũng đã làm nóng nghị trường Quốc hội trong phiên thảo luận sáng 28-10, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga - Ảnh: V.D.

Quốc hội đã dành trọn bốn giờ phiên làm việc sáng 28-10 để lần lượt nghe sáu báo cáo về phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, thi hành án, phòng chống tham nhũng và công tác của viện trưởng Viện KSND tối cao, chánh án TAND tối cao.

Phiên làm việc chiều cùng ngày của Quốc hội để thảo luận về các nội dung nêu trên diễn ra sôi động, vào cuối giờ nhiều đại biểu đã đăng ký nhưng không còn thời gian để phát biểu trực tiếp tại hội trường.

Một dân tộc xuống cấp về văn hóa và đạo đức thì sẽ không thể giữ được độc lập, chủ quyền, và bị thế giới coi thường

Đại biểu TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA

Gánh nợ cho mấy ông tham nhũng

Trong phiên thảo luận, chống tham nhũng trở thành chủ đề nóng trên nghị trường. Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) thẳng thắn cho rằng phát hiện và xử lý tham nhũng chưa tương xứng tình hình, chưa đáp ứng đòi hỏi cấp bách của dư luận xã hội.

“Năm 2015, thiệt hại do tham nhũng gây ra trên 950 tỉ đồng và gần 10.000 m2 đất, nhưng thu hồi tài sản tham nhũng chỉ đạt 55,8% về tiền và 29,2% về đất. Như vậy, tài sản tham nhũng thu hồi rất thấp. Đó là vấn đề cử tri quan tâm, cho rằng hi sinh đời bố, củng cố đời con” - ông Nghĩa nói.

Vị đại biểu của Đà Nẵng đề nghị Quốc hội xem xét, ra nghị quyết, quy định đối với tội phạm tham nhũng, tài sản thu hồi là căn cứ để tòa án xem xét khi lượng hình. Không cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ khi tài sản tham nhũng thu hồi chưa đạt 100%.

Tỉ lệ tài sản thu hồi càng ít thì xử mức án càng cao. Chỉ như vậy mới có tác dụng răn đe, buộc tội phạm tham nhũng phải nộp lại tài sản đã chiếm đoạt cho Nhà nước nhằm được hưởng mức án nhẹ.

Đồng thời, cần quy định tội phạm tham nhũng chỉ được xét đặc xá, tha tù trước thời hạn khi nộp lại ít nhất 80% thiệt hại về tài sản đã gây ra cho Nhà nước.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng cho rằng chống tham nhũng phải quan tâm đến việc thu hồi tài sản.

Ông Nghĩa nêu ví dụ: tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng âm vào tiền gửi của dân, Ngân hàng Nhà nước đứng ra mua 0 đồng, đồng thời gánh những khoản nợ đó, nếu vài năm tới không thể xóa lỗ thì Nhà nước phải trả số tiền này.

“Cử tri cho rằng việc gánh nợ cho mấy ông tham nhũng, dù cần thiết nhưng không thể coi đó là chuyện bình thường.

Biết là có Nhà nước gánh nợ nên người gửi tiền yên tâm, nhưng những người không gửi tiền vào các ngân hàng thua lỗ ấy thì họ không chịu, vì ngân sách cũng là tiền thuế của họ” - ông Nghĩa nhấn mạnh.

Đại biểu HUỲNH NGHĨA (Đà Nẵng)
Tài sản tham nhũng thu hồi rất thấp. Đó là vấn đề cử tri quan tâm, cho rằng hi sinh đời bố, củng cố đời con 

Sao cứ cầm cự mãi?

Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Trần Đình Nhã bày tỏ băn khoăn khi kỳ họp kết thúc, đi tiếp xúc cử tri, nếu cử tri chất vấn vì sao tham nhũng chưa được đẩy lùi thì nên trả lời như thế nào?

Nếu nói lâu nay chống tham nhũng đang ở giai đoạn “phòng ngự, cầm cự” thì cử tri sẽ hỏi bao giờ phản công, sao lại cầm cự mãi thế?

Ông Nhã nêu lên các câu hỏi và tự trả lời, phải chăng đến năm 2018 khi đạo luật phòng chống tham nhũng hiện nay được sửa đổi và có hiệu lực thì chúng ta mới phản công?

Hiến kế cho Quốc hội, đại biểu Trần Đình Nhã cho rằng có nhiều giải pháp các nước đã áp dụng mà ta chưa dám làm, ví dụ như hình sự hóa tội làm giàu bất chính.

“Anh giàu lên thì phải chứng minh tài sản do đâu mà có, nếu không chứng minh được thì chúng tôi cho đó là tham nhũng. Singapore, Hong Kong... đã áp dụng những giải pháp này rất hiệu quả” - ông Nhã nói.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền thì khẳng định kiểm soát tài sản, thu nhập là biện pháp quan trọng nhất mà các nước dùng để chống tham nhũng, Việt Nam cần sớm đưa đề án kiểm soát tài sản, thu nhập vào áp dụng trong thực tế.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) phát biểu ý kiến nghe như một lời than: “Bao nhiêu tiền tham nhũng không thu hồi được, hay là những công trình xây dựng để hoang lãng phí những năm qua, để cho đến hôm nay ngân sách trở nên khó khăn không thể nâng lương cho người lao động theo lộ trình, hay là xây thêm những con đường, những trường học”.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh - Ảnh: V.Dũng

Đề cập đến các trường hợp oan sai, đại biểu Huỳnh Nghĩa nói báo cáo của Chính phủ không đề cập số bị can ngành công an đình chỉ điều tra do oan sai, mà chỉ nêu đã xử lý 26 điều tra viên, trong đó truy tố hai điều tra viên để xảy ra oan sai, bức cung, nhục hình.

“Vậy số liệu ngành công an làm oan sai là bao nhiêu? Đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung nội dung rất quan trọng này cho Quốc hội biết để giám sát” - ông Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, chỉ tính hai ngành tòa án, kiểm sát, mặc dù có nhiều cố gắng, đề ra nhiều biện pháp chống oan sai nhưng vẫn còn làm oan 76 người. Nhưng các báo cáo của hai ngành này đều không đề cập việc xử lý trách nhiệm kiểm sát viên và thẩm phán đã gây ra oan sai.

“Đề nghị lãnh đạo hai ngành báo cáo vấn đề này cho Quốc hội và nhân dân biết. Có như vậy mới thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, ai làm sai thì người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, bất kể người đó là ai, giữ cương vị gì trong xã hội” - ông Nghĩa nêu vấn đề.

Ông Nghĩa nhấn mạnh việc bồi thường, bồi hoàn do oan sai là vấn đề cử tri rất bức xúc. Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước đã quy định “người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại phải hoàn trả ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại”.

Nhưng sáu năm qua chưa thấy cơ quan nào gây ra oan sai tổ chức thi hành nghiêm túc quy định này, mặc dù rất nhiều cử tri, đại biểu Quốc hội có ý kiến.

Báo cáo của Chính phủ chỉ đề cập năm nay, các bộ, ngành, địa phương thụ lý, giải quyết xong 42/94 vụ việc với số tiền Nhà nước phải bồi thường gần 16,5 tỉ đồng, hoàn toàn không nói gì đến trách nhiệm bồi hoàn của người thi hành công vụ.

Đây là tình trạng không chấp hành nghiêm pháp luật, diễn ra trong thời gian dài của các cơ quan nhà nước, mà không ai khác chính là người trực tiếp và người đứng đầu các cơ quan nhà nước đã gây ra oan sai cho nhân dân.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng tới đây sau khi có Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi, cần cải cách toàn diện hệ thống tư pháp.

Khi đã phát hiện dấu hiệu oan sai, đề nghị áp dụng nguyên tắc sau đây: việc điều tra, truy tố, xét xử lại nên giao cho người khác, cơ quan khác không chịu ảnh hưởng, tác động của người cũ, cơ quan cũ, hoặc giao cho cấp cao hơn; phải theo quy trình đặc biệt, phải nhanh có kết luận.

Xuống cấp về văn hóa

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu ý kiến về giải pháp phòng chống các vụ giết người đặc biệt nghiêm trọng.

Theo bà Nga, các vụ giết người vừa qua có những đặc điểm không bình thường so với trước đây. Đó là thủ phạm trẻ, nhiều vị thành niên, là những người bình thường, không phải là băng nhóm xã hội đen.

Nhiều vụ bột phát, không có dự mưu nhưng hành động cực kỳ dã man, tàn ác. Thủ phạm thản nhiên, ít ăn năn, lương tâm không cắn rứt.

Phân tích nguyên nhân, bà Nga cho rằng chúng ta chưa thành công trong giáo dục nhân cách đối với một bộ phận thanh thiếu niên dưới cả ba góc độ: giáo dục xã hội, nhà trường và gia đình.

Bà Nga cũng đặc biệt lưu ý đến tình trạng mất kiểm soát việc sử dụng rượu bia, một lượng đáng kể người bị rối loạn sức khỏe tâm thần, người bị bệnh tâm thần, người loạn thần do dùng ma túy đá ở ngoài xã hội không được phát hiện, quản lý, chữa trị kịp thời.

Theo bà Nga, Quốc hội cần coi thực trạng xảy ra liên tiếp các vụ giết người dã man, tàn ác là một vấn đề hết sức nghiêm trọng, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan để có giải pháp chặn đứng và phòng ngừa.

Đây cũng là thông điệp cho người dân biết: Nhà nước sẽ có những giải pháp mạnh mẽ để bảo vệ an toàn cuộc sống của người dân.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên