Đất hai bên đường Nguyễn Hữu Thọ được thu hồi bán đấu giá đem lại kinh phí lớn để xây dựng tuyến đường này - Ảnh: TỰ TRUNG
Theo đề án trên, TP.HCM không thể tự đặt ra các loại thuế để phân bổ giá trị đất đai tăng thêm do đầu tư hạ tầng mang lại. Giải pháp duy nhất để xử lý giá trị tăng thêm tại các dự án phát triển hạ tầng có thể thực hiện được là thu hồi đất rộng hơn kề bên hạ tầng và thực hiện tái định cư tại chỗ cho tất cả những người bị thu hồi đất.
Thêm kinh phí, chỉnh trang đô thị
Người bị thu hồi đất sẽ được nhận lại một diện tích đất nhỏ hơn, tỉ lệ nghịch với giá đất tăng thêm do hạ tầng mang lại. Sau đó chính quyền sẽ quy hoạch lại và lấy phần đất dôi dư bán đấu giá thu tiền phục vụ dự án.
Giải pháp này thực tế không mới. UBND TP.HCM từng quyết định thu hồi thêm đất hai bên đường Nguyễn Hữu Thọ để bán đấu giá và thu hồi được hoàn toàn kinh phí làm đường lẫn chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án.
Sau đó khi mở rộng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, cơ quan chức năng đã thu hồi thêm diện tích đất khoảng 50m dọc hai bên đường để bán đấu giá vừa tạo kinh phí mở rộng đường, vừa chỉnh trang đô thị.
Gần đây nhất, khi bồi thường đất cho dự án tuyến metro số 2 Bến Thành - Suối Tiên cũng có ý kiến đề xuất thu hồi đất hai bên đường Cách Mạng Tháng 8 để bán đấu giá, tạo những điểm dân cư tập trung quanh các nhà ga metro.
Tuy nhiên, hai dự án nằm trong nội thành đã không được cơ quan chức năng chấp thuận phương án mở rộng biên để lấy đất bán đấu giá vì ảnh hưởng đến số lượng rất lớn các hộ dân.
Một lãnh đạo Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM (đơn vị được giao thực hiện đề án) cho biết giải pháp trên được các nước trên thế giới áp dụng từ lâu và họ đã thành công.
Nên có giá bồi thường bằng hoặc cao hơn giá thị trường
Gia đình bà Lê Thị Xuân (P.Tam Bình, TP Thủ Đức) có một phần đất bị thu hồi trong dự án đường vành đai 2 đoạn cầu vượt Gò Dưa - Phạm Văn Đồng. Bà Xuân cho hay giá bồi thường của Nhà nước quá thấp so với giá đất chuyển nhượng trên thị trường, nhưng diện tích đất còn lại của gia đình có lợi thế giáp mặt tiền đường lớn, giá đất sẽ tăng lên nhiều lần.
"Nếu như thu hồi thêm đất mà giá bồi thường bằng giá đất đã thu hồi làm đường thời gian qua thì tôi chắc chắn dân sẽ không đồng thuận" - bà Xuân cho biết.
Một chuyên gia về bồi thường ở TP.HCM cho biết rất ủng hộ chủ trương, cách làm của TP.HCM trong đề án vừa được phê duyệt trên. Nhưng nghi ngại của người dân là có cơ sở bởi giá bồi thường đất để phục vụ những dự án hạ tầng của TP.HCM từ trước đến nay thường thấp hơn so với giá thị trường và thấp hơn giá đất bồi thường ở các dự án kinh doanh.
Thực tế người dân chấp nhận giá bồi thường thấp để ủng hộ Nhà nước làm công trình công cộng, mở rộng hạ tầng. Vì vậy, khi nghe nói Nhà nước thu hồi thêm đất hai bên đường thì người dân lo lắng.
Cần nhất là phương án thu hồi đất, bồi thường, tái định cư tại chỗ cho người dân thật công bằng và rõ ràng ngay từ đầu. Dân nhận thấy có lợi sẽ đồng thuận và ủng hộ. Những dự án đầu tiên làm tốt, dân được lợi thì những dự án sau sẽ suôn sẻ.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng một khi đã thu hồi đất hai bên đường để bán đấu giá thì Nhà nước sẽ có nguồn kinh phí lớn để bồi thường, tái định cư cho người dân với giá cao. Người dân nhận tiền bồi thường với giá ngang bằng, thậm chí cao hơn giá thị trường, đủ để tạo lập cuộc sống mới đàng hoàng, sung túc hơn cuộc sống hiện tại thì dân sẽ ủng hộ.
"Cách làm này đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công. Tôi tin nếu chính quyền TP.HCM quyết tâm làm cũng sẽ thành công" - ông Sơn nói.
Ông Tô Văn Hùng (giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đà Nẵng):
Đà Nẵng đã làm cách đây 20 năm
Một đoạn đường Phạm Văn Đồng, quận Sơn Trà, Đà Nẵng trở nên khang trang, quy hoạch bài bản nhờ chủ trương thu hồi thêm vệt đất 2 bên khi mở đường - Ảnh: HỮU KHÁ
Chủ trương thu hồi thêm vệt đất ở hai bên công trình hạ tầng (chủ yếu là mở rộng đường, xây mới cầu) để tái định cư và bán đấu giá được Đà Nẵng làm cách đây 20 năm. Chủ trương trên rất đúng đắn và được TP triển khai bài bản, đồng bộ khi mở rộng ở nhiều tuyến đường trong quá trình chỉnh trang, tái thiết đô thị.
Tại Đà Nẵng, nhiều con đường lớn như Võ Văn Kiệt, Hàm Nghi, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa, Hoàng Sa, Phạm Văn Đồng, 30-4, Xô Viết Nghệ Tĩnh... hiện nay bộ mặt đô thị rất đẹp là nhờ chủ trương thu hồi thêm vệt đất ở hai bên. Nhờ vậy các công trình nhà cửa, trụ sở ở các tuyến đường này có điều kiện để tổ chức quy hoạch xây dựng bài bản.
Việc thu hồi thêm vệt đất ở hai bên công trình hạ tầng đã đem lại hiệu quả rất cụ thể. Đó là đảm bảo được lợi ích hài hòa giữa Nhà nước và người dân.
Ví dụ khi đầu tư mở rộng một con đường thì Nhà nước bỏ ra một khoản tiền rất lớn để đầu tư, trong khi đó người dân trước đây sống phía bên trong sau khi đường mở rộng thì nhà ra mặt tiền nên giá trị nhà đất tăng lên nhiều lần. Việc giá trị đất tăng lên đó bắt nguồn từ việc Nhà nước bỏ tiền ra làm đường.
Để đảm bảo được hài hòa lợi ích thì Nhà nước nên thu hồi thêm vệt đất ở hai bên con đường đó để đem ra đấu giá, từ đó có tiền để bù đắp một phần đã bỏ ra làm con đường.
H.KHÁ ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận