26/06/2019 09:33 GMT+7

Thu hồi, tái chế rác thải: Chờ nhiều 'ông lớn' điện tử, công nghệ...

HIẾU GIANG
HIẾU GIANG

TTO - Thu gom, tái chế thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội. Điều này còn chờ từ phía nhiều 'ông lớn' sản xuất những sản phẩm lợi nhuận cao hơn, rác khó phân hủy hơn, như hàng điện tử, gia dụng và cả thiết bị công nghệ...

Thu hồi, tái chế rác thải: Chờ nhiều ông lớn điện tử, công nghệ... - Ảnh 1.

Rác điện tử ở một điểm tập kết ve chai trên đường Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Trước đây, gần nhà tôi có một bãi rác tự phát của người dân trong vùng, tập kết rác thải sinh hoạt. Một ngày, bãi rác này xuất hiện một loại rác lạ, đó là hàng chục chiếc tivi màu đời cũ loại 14 inch. 

Sau một đêm, đống rác này lại chất đầy thêm những loại tivi cũ đó. Tất cả đã bị tháo ra để lấy những linh kiện có thể còn dùng được; màn hình, vỏ và linh kiện phế thải nằm chất đống. 

Chắc chắn đó là rác thải được đưa từ nơi khác đến đổ trộm, bởi người dân trong vùng chẳng ai có nhiều tivi đến vậy, và cũng chẳng có cơ sở thu mua phế liệu. 

Ít lâu sau, bãi rác này được san ủi và đống tivi cũ đó được đẩy sâu xuống lòng đất.

Nhân đọc bài về việc thành lập liên minh tái chế rác thải trên Tuổi Trẻ, tôi giật mình ngẫm lại rằng nước ta bao lần thay thế các loại tivi khi người dân ngày càng có điều kiện, để đổi những loại tivi đời cũ cồng kềnh sang những chiếc tivi màn hình phẳng. 

Với sự phát triển công nghệ, càng về sau, người ta thay tivi càng nhanh hơn, vậy thì hàng triệu chiếc tivi đời cũ đó đã đi đâu? Nó đã bị tống xuống biển, quẳng lên rừng hay lại được chôn xuống đất như ở bãi rác gần nhà tôi mà thời gian phân hủy phải tính bằng con số hàng triệu năm?

Người ta làm gì với những chiếc tivi cũ khi mọi thứ trong đó không phân rã, đốt cũng không xong? Thực tế, người ta thường bán ve chai rồi sau đó thì sao? Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào cách ứng xử của mỗi người sử dụng, chẳng có một hướng dẫn, khuyến cáo hoặc một động thái nào từ các nhà sản xuất. 

Tương tự với nhiều sản phẩm điện tử khác, khi chúng hư cũ cũng là loại rác không biết bỏ đi đâu cho ổn. Bao nhiêu loại bao bì được hiểu là có thể tái chế thành sản phẩm khác, nhưng thu gom chúng như thế nào để được sử dụng cũng chưa từng được hướng dẫn. 

Tất cả vẫn đang được vứt lẫn lộn vào một túi cùng với các loại rác hữu cơ dễ phân rã, các loại rác hôi bẩn...

Chính vì thế, việc một liên minh của những nhà sản xuất có thể gom lại bao bì, vỏ chai nhựa, hộp sữa... mang đi tái chế thay vì tống ra môi trường là một câu chuyện đáng chú ý với người tiêu dùng. 

Đây được xem như là viên gạch đầu tiên bởi ở Việt Nam chưa có tiền lệ những công ty thu lại các sản phẩm do doanh nghiệp mình sản xuất để tái chế khi sản phẩm hết vòng đời. Đó là trách nhiệm của doanh nghiệp với môi trường.

Nhưng, chỉ 9 doanh nghiệp trong lĩnh vực bao bì, hàng tiêu dùng thôi thì chưa đủ. Những "ông lớn" sản xuất các sản phẩm khó phân hủy phải điểm mặt đó là hàng điện tử, hàng gia dụng và kể cả các thiết bị về công nghệ. 

Đây vừa là những sản phẩm lợi nhuận cao, số lượng sản phẩm xuất ra thị trường lớn, luôn thay đổi nhưng lại có thời gian phân hủy rất chậm, như những sản phẩm thủy tinh theo các nghiên cứu khoa học phải mất đến hàng triệu năm.

Vậy trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với môi trường của họ đến đâu trong câu chuyện thu gom, tái chế? Những dòng sản phẩm mới liên tục kèm theo nó là lợi nhuận không nhỏ. 

Lý nào để hưởng lợi và chỉ san sẻ một ít lợi nhuận này cho vài hoạt động về môi trường nhưng lại "phủi tay" trước các sản phẩm do mình tạo ra khi vòng đời sử dụng kết thúc?

Câu chuyện liên minh về tái chế hôm nay có thể là bước đi đầu tiên để doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm, và cùng nhau hướng đến lợi ích chung vì môi trường ở quốc gia đang tiêu thụ sản phẩm của họ. Thực tế cũng có những hoạt động thu hồi sản phẩm điện tử của vài thương hiệu lớn, nhưng điều này chưa phổ biến, mấy ai được nghe, được biết về việc này? 

Sản phẩm điện tử cũ sẽ được bán ve chai, và sau đó thành những đống rác khủng trên những nền đất hoang cùng tác hại trăm năm, ngàn năm của nó.

Không có chuyện lén vứt rác điện tử

Rác thải điện tử là cơn ác mộng của những nước phát triển. Kinh nghiệm từ các nước cho thấy giải quyết vấn đề này không chỉ là chuyện của chính quyền - người dân, mà bắt buộc phải có vai trò của nhà sản xuất.

Thụy Điển có luật quản lý rác thải yêu cầu các nhà sản xuất, chủ thương hiệu phải có trách nhiệm đảm bảo những thiết bị điện tử hư, cũ phải được thu hồi và tái chế an toàn. Người dân cũng được khuyến cáo nên mang các sản phẩm điện tử không còn sử dụng đến các địa điểm thu gom, đổi trả tại các trung tâm điện máy.

Ở Nhật Bản, người dân thậm chí phải bỏ tiền để vận chuyển rác điện tử tới các nhà máy xử lý, tái chế. Ai lén vứt các thiết bị điện tử đã hư ra bãi rác, nếu bị phát hiện, tiền phạt rất cao. Nhật có luật quy định các nhà sản xuất phải đảm bảo tỉ lệ có thể tái chế khi sản xuất. Với một chiếc tivi, tỉ lệ các vật liệu chế tạo nó có thể tái chế phải hơn 50%. Tỉ lệ này lên tới 60% hoặc 70% ở tủ lạnh, máy điều hòa không khí và máy giặt.

Ở Hàn Quốc, nhà sản xuất sẽ phải đóng cho nhà nước một số tiền nhất định cho mỗi sản phẩm trước khi chúng rời khỏi nhà máy. Tiền này để bảo đảm rằng nhà sản xuất sẽ thu hồi các sản phẩm hư cũ để tái chế. Nếu họ làm được điều này, chính quyền sẽ trả lại số tiền đã thu ban đầu.

DUY LINH

Thực tế thu hồi còn rất hạn chế

rác điện tử

Chương trình đổi rác thiết bị điện tử lấy cây xanh đã thu hút nhiều người dân tham gia do tổ chức Việt Nam tái chế phối hợp với Thái Hà Book thực hiện tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG

Chiều 25-6, trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Vụ Quản lý chất thải (Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT) cho biết dù đã có đầy đủ quy định, hướng dẫn về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, nhưng thực tế sản phẩm thải bỏ được thu hồi còn rất hạn chế về số lượng.

Chúng ta có quyết định 16/2015 của Thủ tướng và thông tư 34/2017 của Bộ TN-MT về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp về việc thu hồi sản phẩm hư cũ.

Danh mục những sản phẩm doanh nghiệp phải thu hồi đầy đủ các loại pin, ăcquy, đồ điện - điện tử gia dụng, điện thoại... Theo đó, nhà sản xuất phải tổ chức thu hồi sản phẩm hư cũ. Sau thu hồi, nhà sản xuất phải báo cáo về kết quả thu hồi, xử lý sản phẩm về Bộ TN-MT.

Thực tế nhiều tập đoàn, doanh nghiệp có thực hiện thu hồi, lưu giữ sản phẩm thải bỏ. Tuy nhiên kết quả thực hiện còn rất hạn chế, không như mong muốn. Lý do, người sử dụng thường chọn cách bán phế liệu vừa được lợi, vừa không phải mang đến các điểm thu hồi. Chưa có chính sách khuyến khích hay cơ chế bắt buộc người sử dụng đưa sản phẩm thải bỏ đến điểm thu hồi.

XUÂN LONG

Giảm dùng những sản phẩm sẽ thành rác hại

Có một điều đáng lưu tâm là chuyện rác từ các quốc gia phát triển đã xuất sang các nước kém phát triển ở Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam). Và động thái gửi trả lại rác của các nước láng giềng chúng ta đã đánh động đến không chỉ nguyên thủ quốc gia Canada, Nhật, Mỹ... mà còn chính công dân của họ.

Tái chế là giải pháp cuối cùng, tốt hơn là thải bỏ ra biển, chôn lấp xuống đất hay đốt gây ô nhiễm không khí. Và nhà sản xuất buộc phải có trách nhiệm với việc thu gom, tái chế những sản phẩm của mình.

Đầu tháng 6 này, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và môi trường rà soát chính sách nhằm hạn chế rác thải nhựa; đưa các nhà máy tái chế nhựa nhỏ lẻ vào khu công nghiệp; hạn chế tiến tới chấm dứt nhập khẩu, sản xuất các loại túi nilông khó phân hủy; đồng thời yêu cầu các đơn vị nghiên cứu, nhà khoa học nghiên cứu công nghệ mới, phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Nếu điều này có thể thực thi được trong thời gian sớm nhất sẽ mang lại những lợi ích to lớn không chỉ cho môi sinh.

Vấn đề đặt ra ở đây là các doanh nghiệp có sẵn sàng từ bỏ một phần lợi nhuận ngắn hạn, và quan trọng hơn là từ bỏ tham vọng tăng-trưởng-vô-hạn, để tham gia vào nền kinh tế tuần hoàn hay không. Vì rõ ràng việc liên tục bán ra sản phẩm mới sẽ sinh lời hơn nhiều so với việc bán ra một sản phẩm bền, có thể được sửa nhiều lần, phải mua lại vật liệu từ đơn vị tái chế, hoặc tự bỏ chi phí ra thu hồi và tái chế.

ÁI NHI

Liên minh tái chế bao bì và hi vọng giảm rác thải

TTO - Ngày 21-6, liên minh tái chế bao bì (PRO Vietnam) ra đời. Việc 9 'ông lớn' của ngành công nghiệp thực phẩm, đồ uống đã tính đến việc thu gom và tái chế bao bì là việc đáng hoan nghênh, mang lại niềm hi vọng giảm thiểu số lượng rác ở nước ta.

HIẾU GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên