17/10/2018 15:13 GMT+7

Thu hồi ngay văn bản khiến doanh nghiệp nhập khẩu lúa mì lao đao

BẢO NGỌC
BẢO NGỌC

TTO - Thông báo do chi cục trưởng Kiểm dịch thực vật vùng 1 ký đang khiến các doanh nghiệp nhập khẩu lúa mì khốn đốn. Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã yêu cầu thu hồi ngay.

Thu hồi ngay văn bản khiến doanh nghiệp nhập khẩu lúa mì lao đao - Ảnh 1.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Ban hành văn bản phải tham khảo đối tượng bị tác động - Ảnh: TT

Cụ thể là thông báo của Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 1 buộc tái xuất các lô vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị nhiễm cỏ dại Cirsium Arvense - cây kế đồng.

Thông báo này nhằm cụ thể hóa thêm một bước chỉ đạo của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), rằng bắt đầu từ ngày 1-11, các lô vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị nhiễm cỏ dại Cirsium Arvense (cây kế đồng theo tên gọi Việt Nam), sẽ bị xử lý theo hình thức tái xuất.

Khi họp với bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cùng đại diện các bộ Y tế, NN&PTNT, Tư pháp, Khoa học và công nghệ và Ngân hàng Nhà nước sáng 17-10, bà Lý Kim Chi - chủ tịch Hiệp hội lương thực, thực phẩm TP.HCM - đã phản ánh về thông báo trên.

Bà Chi cho biết gần đây hiệp hội nhận được phản ánh của nhiều doanh nghiệp nhập khẩu lo lắng trước thông báo trên của Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng I.

"Các anh nói việc này ảnh hưởng môi trường, trong khi mấy chục năm nay vẫn nhập khẩu. Rất nhiều con tàu đang trên đường chuẩn bị cập cảng phải tái xuất, mà đây là lệnh của Cục chứ không phải của Bộ trưởng. Từ nửa tháng nay, các đàm phán quốc tế về bột mì đều dừng lại", bà Lý Kim Chi phản ánh.

Bà cho biết thêm là sau khi hiệp hội gửi thư kêu cứu, xin lùi thời gian áp dụng, thì ngay hôm sau, bà đã nhận được tin nhắn của bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết đang xử lý.

Chia sẻ quan điểm với bà Chi, ông Lê Văn Vu - phó tổng giám đốc Công ty bột mì Bình Đông, bức xúc cho rằng các quy định quản lý của cơ quan nhà nước phải có cơ sở, lộ trình, khuyến cáo và giải pháp thay thế.

Trong khi đó, bà Phạm Khánh Phong Lan - trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM - nhấn mạnh rằng các cơ quan chuyên ngành chưa có nghiên cứu nào cho thấy cây kế đồng có thể gây hại cho con người.

"Nếu chưa có một cơ sở nghiên cứu khoa học gì và không phải tình trạng khẩn cấp mà đưa ra lệnh cấm như vậy thì hoàn toàn không thuyết phục", bà Lan nêu quan điểm.

Lắng nghe các ý kiến trên, bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng - khẳng định công văn của chi cục buộc tái xuất các lô hàng lúa mì có lẫn cỏ dại là sai thẩm quyền, tác động rất lớn tới doanh nghiệp, phải thu hồi ngay và "không thể chấp nhận chi cục trưởng ký văn bản như vậy".

"Xét về tính pháp lý thì hoàn toàn không đúng thẩm quyền, Cục không đúng, Chi cục càng không đúng", ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh lại tinh thần cán bộ, công chức chỉ được làm những gì luật cho phép.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định Văn phòng Chính phủ sẽ đề nghị Bộ NN&PTNT trước hết thu hồi văn bản nói trên, tiếp tục đánh giá về tác động toàn diện từ việc tạm dừng nhập khẩu lúa mì để có giải pháp phù hợp.

Bà Nguyễn Kim Anh - vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ NN&PTNT có mặt tại phiên họp - cũng cho biết đã gọi điện cho cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật và được biết cục đã họp bàn với doanh nghiệp về tác động của văn bản trên. "Chúng tôi sẽ báo cáo lãnh đạo bộ xử lý ngay vấn đề này", bà Kim Anh nói.

Trước khi ban hành văn bản, các cơ quan phải tham khảo ý kiến các đối tượng tác động, đồng thời hiệu lực văn bản phải có độ trễ, không thể "chặt đứt" như vậy, trong khi tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là không cho phép hồi tố.

Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Mỗi ngày ban hành 3 văn bản trái luật

TTO - Kiểm tra 40.350 văn bản quy phạm pháp luật được các bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương ban hành trong năm 2017, các cơ quan phát hiện có đến 5.630 văn bản trái luật!

BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên