Ngày 16-12, ông Trần Nam Thuần - chủ tịch UBND huyện Đắk Glong (Đắk Nông) - cho biết UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi hơn 1.700ha đất rừng do Ban quản lý Vườn quốc gia Tà Đùng quản lý, dự kiến cấp cho các hộ dân "sống tỉnh này, hộ khẩu tỉnh kia".
Tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường xác định cụ thể mốc giới và bàn giao đất trên thực địa; cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính theo quy định. Còn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cập nhật hồ sơ và bàn giao rừng cho UBND huyện Đắk Glong quản lý.
UBND huyện Đắk Glong có trách nhiệm, quản lý đúng diện tích, ranh giới, hiện trạng và mục đích khu đất, rừng được giao.
Đồng thời lập phương án sử dụng đất, phương án giao đất, giao rừng cho cá nhân, tổ chức, cộng đồng dân cư phù hợp với quy định, tuyệt đối không được hợp thức hóa các sai phạm.
Trong 1.700ha đất, rừng vừa thu hồi, địa phương dự kiến sẽ bố trí, sử dụng hơn 1.500ha cho hơn 600 hộ dân có hộ khẩu ở 2 xã Đạ K'Nàng, Phi Liêng (huyện Đam Rông, Lâm Đồng) đang xâm canh, sinh sống ở xã Đắk Som, huyện Đắk Glong.
"Sau khi tiếp nhận, huyện sẽ lên phương án sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, Luật Đất đai năm 2024.
Trong đó địa phương sẽ trình phương án giao đất cho hơn 600 hộ dân, tương đương với hơn 2.700 người dân do tỉnh Lâm Đồng quản lý, sử dụng theo quy định. Tuy nhiên đó chỉ là dự kiến, địa phương phải họp, rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy định có liên quan mới quyết định" - ông Thuần nói.
Theo UBND huyện Đắk Glong, từ năm 1990 - 1995, hàng loạt hộ gia đình di cư tự do từ các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn... đến sinh sống, canh tác tại các xã Đạ K'Nàng, Phi Liêng thuộc huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng.
Năm 2003, Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng được thành lập trên diện tích hơn 20.000ha thuộc xã Đắk Som, huyện Đắk Glong. Đến tháng 2-2018 được đổi thành Vườn quốc gia Tà Đùng.
Quá trình rà soát, cơ quan chức năng thu hồi toàn bộ diện tích của hơn 600 hộ di dân tự do đang sinh sống, canh tác trên 1.500ha đã giao cho Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng quản lý.
Theo ông Thuần, những hộ dân trên có hộ khẩu thuộc huyện Đam Rông. Trong khi đó, họ sinh sống, sản xuất trên đất của huyện Đắk Glong và chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận