Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Trà - phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương - trả lời cử tri huyện Phú Hòa về dự án mở rộng, nâng cấp một số đoạn xung yếu quốc lộ 25 - Video: DUY THANH
Cùng tiếp xúc cử tri cử tri 2 xã Hòa Hội, Hòa Định Tây và thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa) trước kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV còn có đại tá Phan Anh Khoa - chính ủy Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên, đại biểu Quốc hội của đoàn Phú Yên.
Góp ý kiến với các đại biểu Quốc hội, ông Mai Văn Hoàng, một cựu chiến binh ở xã Hòa Hội, nói quốc lộ 25 nối tỉnh Phú Yên và Gia Lai vừa hẹp, vừa xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ mất an toàn giao thông cao.
"Việc triển khai dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 25 chúng tôi kiến nghị nhiều lần, nghe các cấp nói sẽ thực hiện sớm mà chờ mãi không thấy làm" - ông Hoàng nói.
Ông Mai Văn Hoàng nêu ý kiến về việc quốc lộ 25 chậm nâng cấp, nguy cơ mất an toàn giao thông cao - Ảnh: DUY THANH
Còn ông Vi Quốc Bảo, một cử tri khác, nói rằng việc triển khai một số dự án lớn ở địa phương, trong đó có dự án năng lượng điện mặt trời, trước mắt người dân có việc làm, một số hộ bị thu hồi đất làm dự án được bồi thường tiền tỉ.
"Tuy nhiên nông dân miền núi nắm tiền tỉ chưa chắc ăn đâu. Đất mới là vấn đề. Còn đất là còn cuộc sống, chứ nhận mấy tỉ đồng mà không chuyển đổi được việc làm là sau này đói. Chúng tôi đề nghị tất cả dự án được đưa về địa phương thì phải lấy ý kiến của người dân chứ vừa rồi như là từ trên giáng xuống, có dự án được phê duyệt rồi dân mới biết" - ông Bảo nêu ý kiến.
Về dự án nâng cấp, mở rộng các đoạn xung yếu trên quốc lộ 25, trả lời cử tri, ông Hoàng Văn Trà cho biết dự án này đã được trung ương ghi vốn đầu tư trung hạn nhưng việc triển khai còn chậm, hiện đang làm công tác chuẩn bị để khởi công. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên sẽ có ý kiến với địa phương và ngành chức năng để đẩy nhanh tiến độ.
Ông Hoàng Văn Trà trả lời các ý kiến cử tri huyện Phú Hòa - Ảnh: DUY THANH
Ông Trà cũng cho rằng nhiều dự án khai thác hiệu quả nhưng người dân trăn trở việc mất diện tích đất lớn cho các dự án và lo ảnh hưởng sinh kế về lâu dài là chính đáng.
"Dự án nào triển khai thực hiện cũng phải lấy ý kiến của nhân dân vùng bị ảnh hưởng. Lâu nay việc này đã có rồi nhưng có thể nơi này nơi kia thực hiện chưa đến nơi đến chốn" - ông Trà nói.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng nói rằng hiện nay có những nhà đầu tư thực hiện các dự án, nhất là những dự án đô thị, người ta cố gắng sao xây dựng để người dân và doanh nghiệp, tức nhà đầu tư, cùng hưởng lợi. Dân sống cùng dự án đó, đấy mới là hướng thực hiện dự án bền vững.
Ông nói rằng một dự án đô thị lấy rất nhiều đất của dân thì phải có một phần đất dịch vụ để bán lại cho chính những người bị mất đất ấy.
"Có những nhà đầu tư làm đô thị người ta dành đất đẹp nhất để cho người dân bị mất đất mua lại. Người dân mưu sinh, làm dịch vụ trong dự án đó, họ mới yên tâm. Nếu không cùng hưởng thì dự án lấy đất của dân, trả một khoản tiền đền bù, dân đi chỗ khác sống sao mặc kệ thì không phải là phát triển bền vững" - ông Trà nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận