20/10/2018 13:42 GMT+7

Thử hỏi con chuyện học hành: nỗi niềm phụ huynh

LÊ PHATHẢO TÂM
LÊ PHATHẢO TÂM

TTO - Vì sao cha mẹ ít hỏi con chuyện học hành? Nhiều phụ huynh thú nhận: Cứ nghĩ mình đã hiểu con, và nghĩ học nhiều là tốt cho con.

Thử hỏi con chuyện học hành: nỗi niềm phụ huynh - Ảnh 1.

kiểm tra bài vở, điểm số của con ngay khi ra khỏi cổng trường - Ảnh: NHƯ HÙNG

Bài báo Thử hỏi con chuyện chạm tới tâm tư lâu nay của nhiều học sinh, đồng thời đánh thức suy nghĩ của nhiều phụ huynh về chuyện học hành của con cái.

"Ước gì ba mẹ hiểu"

Ngày 19-10, tiếp xúc với phóng viên, các em học sinh Trường THCS Colette (Q.3, TP.HCM) hầu hết kêu than về việc phải học như "cái máy".

Em Nguyễn Tr. (lớp 7) nói: "Em không thể học nổi môn toán, chỉ thích hoạt động thể thao, các môn xã hội nhưng ba mẹ cứ nói xu thế là các môn tự nhiên. Nhiều lúc vô lớp học thêm toán, em không biết mình ngồi đây để làm gì".

Em Phạm Hồng Vân (lớp 9) tâm sự: "Mẹ con nhất nhất nghĩ chỉ có đi làm kiếm tiền nuôi chị em con ăn học là khó nhất, còn học hành để giỏi giang như mẹ muốn thì dễ nên yêu cầu con học phải thật xuất sắc.

Con buồn vì chắc gì mẹ đã hiểu con nhưng mẹ cứ hay khẳng định, cứ nói trải qua hết rồi nên cho rằng mẹ luôn đúng. Ước gì ba mẹ hiểu suy nghĩ của con dù chỉ một lần thôi".

Tại Trường THCS Cửu Long (Q.Bình Thạnh), em T.T.H. (lớp 6A1) khi được hỏi có gặp khó khăn gì trong học tập hay không đã thốt lên ngay: "Khi em còn học cấp I rất ít áp lực, nhưng từ ngày vào lớp 6 môn nào gia đình cũng bắt phải đi học thêm để giỏi.

Rồi thầy cô cũng tạo áp lực cho em. Có thầy cô còn ra điều kiện phát biểu trả lời sai sẽ bị trừ điểm làm em không dám phát biểu. Sức học em có hạn, em không giỏi như các bạn khác được".

Có một khao khát chung của nhiều em là được học thoải mái, học cho chính bản thân mình, như em Phạm Trung Thành (lớp 6A2) thổ lộ: "Ba mẹ cứ bắt em học phải hạng 1, 2, 3. Em muốn học vừa sức mình là đủ, là vui.

Nhưng mẹ tự đi đăng ký thầy cô trường trong trường ngoài mà em không hề hay biết, rồi dán cho em một lịch dày đặc ngay góc học tập, em thấy mà hoảng".

"Cứ nghĩ đẻ ra con thì hiểu con"

Đứng đợi đón con đang học ở Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai tại đường Bà Huyện Thanh Quan, Q.3, ông L.M.G. kể lại một lần vô tình đọc được dòng nhật ký của con mới biết mình quá sai.

"Tôi từng là người chưa lắng nghe con chia sẻ. Năm cấp II con không nói, cứ im im mà mỗi ngày "phản kháng" bằng một trang nhật ký. Cứ nghĩ đẻ ra con thì mình hiểu con hơn ai hết, thực ra chỉ hiểu cái vỏ mà thôi.

May mà tôi phát hiện kịp rồi nhìn nhận lại. Vì thế năm cấp III ngoài học chính ở trường, con cứ đăng ký học gì nếu con muốn và thấy phù hợp. Con đang học lớp 11, tâm lý thoải mái và vui vẻ hơn rất nhiều", ông kể.

Gia đình có người thân ở Mỹ nên bà P.T.D.T. (Q.1) cũng ép con phải học thật giỏi tiếng Anh để chuẩn bị cho tương lai. Bà T. kể lại: "Khi đó, tôi cho con học 2 trung tâm Anh ngữ bên ngoài, học một cô bên trường và thuê cả gia sư đến nhà.

Càng học nhiều con càng ít nói, đi học về khóa chốt cửa phòng. Sau này may mà cô giáo nói lại, tôi bình tĩnh suy nghĩ thấu đáo và hỏi con: con lắc đầu và nói học tiếng Anh là... cực hình.

Bây giờ con đã học cuối cấp tại Trường THCS Lê Quý Đôn, sau này thi vào trường nào, có học song ngữ hay không tôi để con tự chọn".

Tôi đã thoáng hơn

Chị Nguyễn Ánh Tuyết, Q.3, TP.HCM) chia sẻ: "Có một thời gian dài tôi cực đoan đến nỗi nghĩ rằng mình cực khổ mưu sinh, lại còn căng đầu lên theo sát việc học hành của con thì con cái không có lý do gì mà kêu than.

Không ít lần con cảm thấy ấm ức vì phải tuân thủ một chiều những sự áp đặt, nhưng tôi mặc kệ. Thấy gần đây nhiều sự vụ đau lòng do cha mẹ áp lực con học tập, tôi thoáng hơn và đã để theo ý muốn của con.

LÊ PHATHẢO TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên