Tổng số tiền tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2022 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 53.887 tỉ đồng, trong đó tiết kiệm chi thường xuyên được khoảng 716,9 tỉ đồng. Thực hiện cơ chế khoán chi, giao quyền tự chủ tài chính, năm 2022 các bộ, ngành, địa phương tiết kiệm được 3.494 tỉ đồng, trong đó một số đơn vị có kết quả cao như Hà Nội là 1.173 tỉ đồng, TP.HCM là 1.220 tỉ đồng...
Tuy nhiên, theo Chính phủ, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước một số dự án chưa sát với khả năng thực hiện, dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch vốn được giao. Cạnh đó còn tình trạng "vốn chờ dự án đủ thủ tục", dự kiến vốn trước rồi mới tiến hành làm thủ tục đầu tư dẫn tới kéo dài thời gian bố trí vốn, nhất là các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài.
Theo báo cáo của Chính phủ, qua thanh tra, kiểm tra, các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm, gây lãng phí đất đai. Trong đó, Bắc Ninh thu hồi hơn 807.000m2, Quảng Nam phát hiện sai phạm 148.000m2, Vĩnh Phúc thu hồi 187.700m2...
Khiếu kiện liên quan đến đất đai có xu hướng giảm so với trước đây nhưng vẫn chiếm tỉ lệ lớn. 11 tháng đầu năm 2022, cơ quan chức năng tiếp nhận hơn 3.000 lượt đơn khiếu nại, tố cáo, tranh chấp thuộc lĩnh vực đất đai, chiếm gần 97%.
Về quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, đã có 18/19 tập đoàn, tổng công ty đã xây dựng đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021 - 2025 và đang tiếp tục hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền ban hành. Song tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Công tác xử lý một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả vẫn còn hạn chế.
Bên cạnh đó tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn triệt để và việc phối hợp giữa các bộ, cơ quan có lúc, có nơi còn rời rạc, thiếu gắn kết, chưa kịp thời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận