28/03/2019 20:22 GMT+7

Thu hồi 75% cổ phần cảng Quy Nhơn

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã thống nhất về nguyên tắc với nhà đầu tư để thu hồi 75,01% cổ phần cảng Quy Nhơn về sở hữu nhà nước.

Thu hồi 75% cổ phần cảng Quy Nhơn - Ảnh 1.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chủ trì cuộc họp - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Giao thông vận tải chiều 28-3 về tiến độ thực hiện thu hồi cổ phần cảng Quy Nhơn, thứ trưởng Đông cho biết thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ, cuối tháng 2-2019, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản hủy bỏ 2 văn bản do bộ này ban hành liên quan đến chuyển nhượng cổ phần cảng Quy Nhơn.

Cụ thể đã giao Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) làm việc với Công ty Hợp Thành thống nhất nguyên tắc thu lại 75,01% cổ phần đã bán (tương đương 30.312.262 cổ phiếu).

"Hiện Vinalines đang tiếp tục làm việc với Công ty Hợp Thành. Hợp Thành đề nghị thành lập tổ giữa hai bên để phối hợp trong đảm bảo khai thác cảng trong thời gian này. Đồng thời thống nhất thanh toán chi phí trên cơ sở lợi ích giữa 2 bên", ông Đông trả lời câu hỏi liệu có phải bồi thường cho nhà đầu tư khi Vinalines rút lại cổ phần hay không.

Trả lời Tuổi Trẻ Online về việc đầu tư nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, ông Nguyễn Minh Phương, phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch và đầu tư Bộ Giao thông vận tải, cho biết bộ đã báo cáo Chính phủ về mở rộng Tân Sơn Nhất, trong đó đưa ra  4 phương án đầu tư.

Trên cơ sở so sánh các phương án và năng lực đầu tư, khai thác, đặc thù của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV (đang có 95,4% cổ phần thuộc Nhà nước) nên bộ đề xuất Chính phủ giao cho ACV đầu tư nhà ga T3 là phù hợp. 

Sau khi Chính phủ chấp thuận báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, Bộ Kế hoạch và đầu tư sẽ thẩm định và Thủ tướng sẽ quyết định chọn ACV thực hiện đầu tư hay phương án khác.

Lý giải vì sao không đấu thầu chọn nhà đầu tư nhà ga T3 khi có nhiều doanh nghiệp tư nhân muốn đầu tư nhà ga T3, thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết hành lang pháp lý trong đầu tư xã hội hóa vào hàng không chưa có. 

Chính phủ đang giao ACV quản lý, khai thác 21 cảng hàng không trong khi theo quy định của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO mỗi cảng hàng không chỉ có một nhà đầu tư chịu trách nhiệm khai thác nên không tách ra một cảng hàng không có nhiều nhà khai thác. 

Đây là một cơ sở để trình Chính phủ kiến nghị ACV đầu tư T3. Còn với cảng hàng không mới như Vân Đồn thì có thể mời nhà đầu tư khác đầu tư toàn bộ.

"Nếu chưa có hành lang pháp lý rõ ràng thì việc đưa các nhà đầu tư khác vào nhà ga cảng hàng không sẽ khó khăn. Vừa qua thực hiện đầu tư một số dự án nhà ga hàng không đã giao ACV chủ trì phối hợp với các nhà đầu tư khác thực hiện" - ông Đông cho biết thêm.

Liên quan đến việc kết nối dữ liệu bằng lái xe với Cục Cảnh sát giao thông, ông Nguyễn Văn Huyện - tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ - cho biết ngày 27-3 cơ quan này đã lập tổ công tác liên ngành thực hiện rà soát các vấn đề cần phối hợp, xử lý. Đồng thời  phối hợp Viettel kết nối dữ liệu của 63 Sở Giao thông vận tải để xử lý, cập nhật dữ liệu giữa ngành giao thông và công an.

Cục Cảnh sát giao thông cũng khẳng định ngày 1-6 sẽ hoàn thành kết nối việc cập nhật vi phạm của tài xế với Tổng cục Đường bộ. "Sau khi có kết nối, chúng tôi sẽ rà soát lại việc xử lý số lượng bằng lái bị tài xế bỏ lại ở cơ quan công an để có phương án xử lý cụ thể" - ông Huyện cho biết.

Về vụ việc máy bay của Vietjet lăn quá vạch dừng trên đường lăn khiến một máy bay của Vietnam Airlines phải hoãn cất cánh tại sân bay Vinh tối 26-3, ông Đinh Việt Thắng - cục trưởng Cục Hàng không - cho biết tổ bay của Vietjet đã nhận lỗi không thực hiện đúng huấn lệnh của không lưu.

Liên quan đến đề xuất cấm xe máy ở Hà Nội và TP.HCM, ông Trần Bảo Ngọc, vụ trưởng Vụ Vận tải Bộ Giao thông vận tải, cho rằng hạn chế xe máy, thậm chí là cấm, thực tế đã triển khai ở một số đô thị trên thế giới. Việc này là một trong những giải pháp để đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Nhưng giải pháp này phải đi kèm việc đáp ứng khả năng của vận tải công cộng, kết nối tốt các loại hình vận tải trong đô thị, có không gian giao thông tĩnh để đi bộ, bãi đỗ xe để gửi xe cá nhân đi phương tiện công cộng. Những cái này phải đồng bộ, phối hợp với tuyên truyền để người dân đồng thuận.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhận định thêm việc Chính phủ giao Hà Nội và TP.HCM xây dựng đề án hạn chế phương tiện cá nhân là cần thiết. Nhưng việc thực hiện cần xem xét tới việc tổ chức giao thông, khả năng đáp ứng của vận tải công cộng, đảm bảo nguyên tắc đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên