27/03/2021 14:39 GMT+7

Thư Hiên dịch trường: Không gian dịch thuật tâm đắc của dịch giả Bùi Văn Nam Sơn

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Một không gian dịch thuật kiêm thư viện mang tên Thư Hiên dịch trường vừa ra mắt sáng 27-3 tại TP Thủ Đức (The Sun Avenue, tháp S5, 28 Mai Chí Thọ), được kỳ vọng sẽ góp sức cho nền dịch thuật của nước nhà.

Thư Hiên dịch trường: Không gian dịch thuật tâm đắc của dịch giả Bùi Văn Nam Sơn - Ảnh 1.

Dịch giả Bùi Văn Nam Sơn (bìa trái) trò chuyện tại buổi ra mắt Thư Hiện dịch trường - Ảnh: L.ĐIỀN

Ý tưởng "Thư Hiên dịch trường" (không gian dịch thuật Thư Hiên) khởi phát từ dịch giả Bùi Văn Nam Sơn cách đây hơn chục năm. Thư Hiên nghĩa là nơi để sách, là chốn lui tới của những người làm việc cùng sách vở.

Còn thuật ngữ "Dịch trường" vốn là cơ sở dịch thuật của ngài Huyền Trang thiết lập sau khi từ Ấn Độ trở về Trung Quốc hồi thế kỷ VII, đóng góp rất lớn cho việc chuyển ngữ kinh điển cập nhật tri thức cho người Trung Quốc.

Vậy mà 13 thế kỷ sau, vào năm 2009, chính dịch giả Bùi Văn Nam Sơn phải cảm thán: "Nói gần, nói xa, chẳng qua nói thật: bao giờ ở ta mới có dịch trường đúng nghĩa? Mười ba thế kỷ sau Huyền Trang!".

Hơn 6.000 đầu sách, tài liệu tiếng Việt và ngoại ngữ

Nay, ý tưởng này được một học trò của dịch giả Bùi Văn Nam Sơn nhiệt tình thực hiện. Ông Huỳnh Duy Thanh trong buổi ra mắt Thư Hiên dịch trường tự nhận mình là thủ thư, nhưng việc ông đã dành tâm huyết để xây dựng một không gian thư viện tại nơi làm việc, lại cổ xúy hết mình cho việc xây dựng một dịch trường theo đúng nghĩa kỳ vọng của thầy Bùi Văn Nam Sơn, điều này thật quý hóa biết bao.

Hiện tại không gian Thư Hiên đang có hơn 6.000 đầu sách, tài liệu tiếng Việt và ngoại ngữ. Đặc biệt là sưu tập các bộ báo chí Việt Nam qua nhiều thời kỳ, những tác phẩm triết học, tư tưởng kinh điển nguyên tác nhiều thứ tiếng...

Tất cả đang được chuẩn bị để dịch trường đi vào hoạt động, với các sách công cụ đáp ứng được phần lớn công việc chuyển ngữ vốn cần nhiều tài liệu tham khảo, đối chiếu.

Thư Hiên dịch trường: Không gian dịch thuật tâm đắc của dịch giả Bùi Văn Nam Sơn - Ảnh 2.

Thư Hiên dịch trường nhận được bức thư pháp "Xuân phong tác vũ" từ dịch giả Bùi Văn Nam Sơn, với ngụ ý muốn cho công việc dịch thuật dù có nhẹ nhàng như gió xuân nhưng sẽ đủ sức tạo ra những cơn mưa đầy ích lợi cho học phong nước nhà - Ảnh: L.ĐIỀN

Tại buổi ra mắt Thư Hiên dịch trường, ông Huỳnh Duy Thanh tâm sự xuất phát từ niềm yêu thích đọc sách và tìm hiểu kiến thức, do điều kiện công việc nên đã đi qua nhiều nước, ông nhận thấy ở các quốc gia tiên tiến, thư viện là một phần không thể thiếu trong đời sống người dân.

Ông Thanh cũng nhắc đến các thư viện lớn trên thế giới hiện đang phát huy tác dụng rất lớn cho học giới xuyên quốc gia, đặc biệt câu chuyện Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới II, các bà nội trợ Nhật gây một phong trào xây dựng thư viện gia đình, thành lập hàng nghìn thư viện lớn nhỏ trên khắp cả nước là gợi ý để ông xây dựng thư hiên này.

Cần tinh thần dịch thuật và hỗ trợ dịch thuật

Tình hình Việt Nam hiện nay đang rất cần tinh thần dịch thuật và hỗ trợ dịch thuật. Ông Huỳnh Duy Thanh hình dung nếu nỗ lực dịch thuật và đào luyện dịch thuật, cũng phải vài thế hệ nữa người Việt mới có được sự tự tin về tư tưởng với các cộng đồng quốc gia khác trên thế giới.

Đồng cảm với tinh thần của những người thành lập Thư Hiên dịch trường, dịch giả Bùi Văn Nam Sơn tại buổi ra mắt đã nhắc lại sự tối cần thiết của công việc dịch thuật trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia.

"Chính các nước ở châu Âu cũng từng có kinh nghiệm vui mừng và cả đau xót khi dịch kịp hay không kịp những tư tưởng mới, kiến thức mới khi vừa xuất hiện trên thế giới. Còn Việt Nam thì chính vì không hiểu người Pháp nghĩ gì mà triều đình ta để cho mất nước" - ông Bùi Văn Nam Sơn chia sẻ.

Mặt khác, dịch thuật giúp phổ biến kiến thức cho đông đảo học giới, công chúng trong nước trong điều kiện một quốc gia đang đi chậm hơn so với thế giới.

"Cái này ở nước Nhật, Hàn làm rất tốt, sinh viên của họ có đầy đủ các bản dịch những tác phẩm kinh điển quan trọng để học tập, tham khảo, nghiên cứu. Trong khi sinh viên Việt Nam đến nay vẫn thiệt thòi vì sách cần đọc vẫn chưa được dịch".

"Một người nghiên cứu phải học 20 năm mới dịch được một quyển sách nguyên tác của Hegel, do vậy một sinh viên 20 tuổi không thể tự mình bỏ ra 20 năm để đến 40 tuổi đọc được tác phẩm triết Tây ấy, cho nên phải cần có đội ngũ dịch thuật. Và một sinh viên chỉ cần bỏ ra 2 tháng để đọc Hegel".

Dịch giả Bùi Văn Nam Sơn

Nói về công việc của "dịch trường" mới mẻ này, ông Huỳnh Duy Thanh cho biết trước mắt thư viện sẽ phục vụ các đối tượng có nhu cầu đọc và nghiên cứu.

Bên cạnh đó, ông cũng xây dựng các chương trình dịch, bắt đầu từ những phần việc mà dịch giả Bùi Văn Nam Sơn đang làm bấy lâu nay: dịch các từ điển triết học đang rất cần nhưng chưa hề có ở Việt Nam (Descrates, Spinoza, Locke, Hume, Russell, Wittgenstein, Husserl, Nietzsche...); sau đó là dịch các công trình lịch sử triết học: triết học phân tích, lục địa, Hi Lạp, cận đại thế kỷ 17-18... và các tác phẩm kinh điển triết học.

Trong hình dung về tương lai, ông Thanh thừa nhận đây chỉ mới là bước đầu của việc thực hiện ước mơ có tên "Thư Hiên dịch trường".

Bùi Văn Nam Sơn: Đừng để mình lạc hậu về tư tưởng Bùi Văn Nam Sơn: Đừng để mình lạc hậu về tư tưởng

TTO - Thật bất ngờ, hội trường NXB Trẻ sáng 11-5 chật kín các bạn sinh viên và cả học sinh phổ thông đến dự buổi trò chuyện của nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn về đề tài triết học.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên