TTCT- Một quốc gia đa sắc tộc, đa văn hóa, với nền cai trị hiệu quả vượt bậc, nền kinh tế lớn nhất thế giới, và tự hào là người bảo vệ của các giá trị tự do dân chủ, vẫn không thoát khỏi những chia rẽ đang có vẻ ngày càng sâu sắc. Heather Heyer đã trở thành biểu tượng xả thân cho tranh đấu vì bình đẳng và hòa hợp.- Ảnh: economist.com Hai tuần trước, những người theo thuyết ưu sinh da trắng đã tràn ngập thành phố đại học đẹp như tranh vẽ Charlottesville, Virginia để biểu tình chống lại kế hoạch tháo dỡ bức tượng Rober E. Lee, viên tướng huyền thoại của phe miền Nam đòi duy trì chế độ nô lệ trong cuộc Nội chiến Mỹ (1861-1865).Xuất phát là yêu cầu đòi “tôn trọng quá khứ”, nhưng cuộc biểu tình nhanh chóng biến thành một sự kiện tập hợp của những phần tử cực hữu phân biệt chủng tộc.Họ tuần hành tới Đại học Virginia vào tối 11-8, hét vang “Máu và đất!” (một slogan của phong trào cực hữu Đức thế kỷ 19 đòi sự thống nhất của thực thể dân tộc, tức “máu”, với một vùng lãnh thổ cụ thể, tức “đất”) và “Đám Do Thái sẽ không thể thay chúng ta!”.Sáng thứ bảy (19-8), mang theo cờ Đức Quốc xã và Liên hiệp các bang miền Nam, họ bắt đầu xung đột với những người phản - biểu tình.Khi cảnh sát buộc phải can thiệp để ngăn chặn bạo lực, một chiếc xe hơi lao vào nhóm những người phản - biểu tình, húc chết Heather Heyer, một trợ lý hãng luật 32 tuổi, và khiến 19 người khác bị thương.James Alex Fields Junior - một thanh niên 20 tuổi người Ohio “có cảm tình với chế độ Quốc xã... thần tượng Hitler, và tin ở thuyết ưu sinh da trắng”, theo lời một cựu giáo viên - bị bắt giữ và cáo buộc tội giết người.Một lịch sử nhức nhốiNhững chia rẽ như thế này thực ra chưa bao giờ xa đời sống của nước Mỹ, quốc gia có thể nói là khai sinh lần thứ hai với cuộc nội chiến giữ hay không giữ chế độ nô lệ.Giáng sinh năm 1865, không đầy tám tháng sau khi tướng Lee đầu hàng quân miền bắc của Ulysses S. Grant, tổ chức phân biệt chủng tộc khét tiếng Ku Klux Klan ra đời.Viết tắt là KKK và xuất phát từ tiếng Hi Lạp “kuklos”, nghĩa là “vòng tròn”, nhóm này có tổ chức chặt chẽ, các nghi thức và cả đồng phục riêng, với mục tiêu khủng bố người Mỹ gốc Phi và phá hoại các chính sách “đoàn kết dân tộc” sau nội chiến.Sau đó trong những cuộc thế chiến, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, thuyết ưu sinh da trắng, và chủ nghĩa cực hữu gắn với nỗi sợ hãi chủ nghĩa cộng sản cũng như cảm tình với chính sách tàn sát người Do Thái của Đức Quốc xã.Tháng 2-1939, các nhóm thân Quốc xã tổ chức những cuộc tuần hành lớn ngay ở sân Madison Square Garden, giữa thành phố New York, thu hút đám đông 20.000 người đồng thanh hét vang “Heil Hitler”.Ngay cả sau sự kiện Trân Châu cảng và việc Hitler tuyên chiến với Mỹ tháng 12-1941, vẫn còn những người Mỹ tin ở chủ nghĩa bài Do Thái, chống cộng và phân biệt chủng tộc.Như một hệ quả, những nỗi lo lắng của nước Mỹ thời Chiến tranh lạnh là oxy cho đám lửa tân Quốc xã.Giống như KKK đã hưởng lợi vào những năm 1920 vì nỗi sợ ở Mỹ với Cách mạng Tháng 10 Nga, chủ nghĩa ưu sinh da trắng hậu thế chiến là sự kết hợp giữa tinh thần chống cộng và chính trị cực hữu.Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở các bang miền Nam, nơi những kẻ phân biệt chủng tộc sử dụng sự khủng bố và cả các mánh khóe chính trị để đạt được nguyên tắc mà họ gọi là “tách biệt nhưng công bằng”, trong đó người da màu bị đàn áp và từ chối một cách có hệ thống quyền tiếp cận giáo dục bình đẳng và các hòm phiếu.Tới tận năm 1968, cựu thống đốc bang Alabama George Wallace, người từng tuyên bố “sự chia tách (chủng tộc) là vĩnh viễn”, còn có cơ hội bước lên ghế tổng thống Mỹ sau khi giành chiến thắng ở 5 bang miền Nam.Hiện tại bất trắcNhưng sức hút của Wallace rõ ràng là giới hạn. Kể từ đó tới thời Donald Trump, hầu hết các chính trị gia chủ lưu ở Mỹ đã có thể dễ dàng đánh bại những đối thủ cực hữu, những kẻ kêu gọi sự tin tưởng mù quáng vào chia rẽ và phân biệt đối xử dựa trên sắc tộc.Thật ra, “không có điều gì dễ dàng với các chính trị gia như lên án những kẻ theo Quốc xã - tờ Economist ngày 19-8 bình luận - ... Vậy mà Tổng thống Donald Trump lại thấy chuyện đó thật khó khăn”.Sau thảm kịch ở Charlottesville, tối 12-8, tổng thống Mỹ xuất hiện trong một cuộc họp báo lúng búng lên án “sự thù hận, mù quáng và bạo lực - từ nhiều phía, từ nhiều phía”, dù với Economist, “chỉ có một phía đã tuần hành với vũ trang hạng nặng và sát hại một người trong các đối thủ của họ”.Phải tới chiều 14-8, ông Trump mới chịu nói rằng “phân biệt chủng tộc là xấu xa”, và rằng “những kẻ gây ra bạo lực dựa trên điều đó là tội phạm và côn đồ, bao gồm KKK, những kẻ tân Quốc xã, những kẻ theo thuyết ưu sinh da trắng và các nhóm kích động thù hận khác”.Không sai, không ít những người “tự do” ở Charlottesville cũng là cực tả, có vũ trang và tìm kiếm bạo lực, nhưng đã rất lâu rồi mới có một chính trị gia chủ lưu ở Mỹ, ở tầm cỡ cao nhất như ông Trump, tạo ra sự phấn khích như thế từ những người cực hữu.Daily Stormer, một trang phân biệt chủng tộc, hồ hởi sau những nhận xét của ông Trump về bạo lực tại Charlottesville: “Không hề có lên án... Rất, rất hay. Chúa ban phước lành cho ông ấy (Trump)”.David Duke, một cựu lãnh đạo KKK, tuyên bố ông tới Charlottesville để “hoàn thành những lời hứa của Donald Trump”, và sau đó, ngày 15-8, viết trên Twitter của ông: “Cảm ơn Tổng thống Trump vì sự trung thực và can đảm của ông”.Trong khi ông Trump bị chỉ trích vì những phát biểu và lập trường thiếu nhất quán của ông trong nhiều vấn đề, riêng với nhóm người cực hữu, ông đã tỏ ra trước sau như một.Những phát biểu mang tính xúc phạm với người Mỹ gốc Mexico khi tranh cử, lệnh cấm đoán người nhập cư sau khi đắc cử, và giờ là sự miễn cưỡng khi lên án các phần tử cực hữu, tất cả đều đi theo một lộ trình đồng quy.Đã rất lâu rồi người ta mới lại thấy một tổng thống Mỹ bỏ lỡ cơ hội kêu gọi sự đoàn kết và vượt qua thù hận sau một thảm kịch ở tầm mức quốc gia như thế.Năm 1995, sau vụ đánh bom tòa nhà liên bang ở thành phố Oklahoma, tổng thống Bill Clinton nói ở lễ tưởng niệm: “Khi hận thù xuất hiện, chúng ta hãy đứng lên và lên tiếng chống lại nó. Khi bạo lực xuất hiện, chúng ta hãy đứng lên và lên tiếng chống lại nó. Khi đối mặt với cái chết, hãy vinh danh sự sống”.Sáu năm sau đó, khi phát động cuộc chiến chống khủng bố sau thảm kịch 11-9, tổng thống George W. Bush cũng khẳng định đó không phải là cuộc chiến chống lại Hồi giáo.“Những kẻ khủng bố - ông Bush nói - là những kẻ phản bội lại chính đức tin của mình, những kẻ đã bắt cóc chính đạo Hồi”.Chính ở các khoảnh khắc của bi kịch như thế, cương vị tổng thống cho thấy tầm quan trọng tuyệt đối của mình với nước Mỹ.“Chúng ta thường chọn được con đường đúng khi chúng ta nhận được sự khích lệ như thế từ người lãnh đạo tối cao của mình - báo Mỹ Time viết - Franklin D. Roosevelt từng nhận xét rằng định chế tổng thống “trước hết là một vị thế đòi hỏi sự lãnh đạo về mặt đạo đức”, và đất nước đã nhìn vào Nhà Trắng tìm kiếm một bàn tay vững chãi vào những thời khắc sóng gió. Nhưng lúc này, chúng ta đang chờ đợi trong vô vọng”.Đó có thể không hẳn là bởi quan điểm hay năng lực điều hành của ông Trump. Rất có thể ông đã quá tin ở những chiến thuật giúp ông chiến thắng để tiếp tục như thế, tức thuần túy là những tính toán của một chính trị gia.Trong cả đời làm kinh doanh, ông đã không ít lần sử dụng sự chia rẽ chủng tộc và sắc tộc làm bàn đạp. Ông coi tiêu chuẩn văn hóa thông thường - tối thiểu hóa sự chia rẽ sắc tộc - là “chính trị mực thước” cứng nhắc và giả tạo, ngăn cản người ta nói thẳng nói thật.“Chính trị không phải là đoàn kết người dân - một cố vấn thân cận của ông từng nói với báo New Yorker năm 2008 - Chính trị là chia rẽ người dân, và giành lấy 51% sự ủng hộ”.Điều đó không khác là bao so với những phương pháp và mục tiêu của phong trào dân tộc chủ nghĩa, dân túy, và cực hữu đang lên ở Mỹ lúc này.Trong một giả thuyết khác, Economist bình luận: “Ở gốc rễ của vấn đề là tính khí của ông Trump. Trong những thời khắc khó khăn, một tổng thống có nghĩa vụ đoàn kết quốc gia. Ông Trump đã cố làm như thế hôm thứ hai (14-8), nhưng không thể giữ được dù chỉ 24 tiếng bởi ông không vượt qua được chính mình.Một tổng thống cần phải vượt qua chuyện ghi điểm và hành xử vì lợi ích quốc gia. Thay vì nhận thức rằng công việc của ông là để vinh danh cho định chế mà ông nắm giữ, ông Trump chỉ quan tâm tới việc vinh danh chính ông và nhận lấy công trạng cho những thành tựu ông tự nhận”.Vào những năm 1950 và 1960, giai đoạn phong trào đấu tranh cho quyền dân sự bùng lên mạnh mẽ ở Mỹ, nhà hoạt động da đen James Baldwin từng nói một câu nổi tiếng về việc người da đen không được phép đi chung xe buýt với người da trắng: “Bước lên chiếc xe đó không chỉ là quyền, mà phải là nghĩa vụ của các bạn”.Nước Mỹ của ý tưởng “mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng” đã đi được một chặng đường dài kể từ đó, đã có tổng thống da đen đầu tiên trong lịch sử, nhưng với những gì diễn ra ở Charlottesville, hành trình phía trước lại đang mở ra những khúc quanh mới, đòi hỏi những nhà lãnh đạo mới, mà lúc này nước Mỹ có vẻ vẫn chưa tìm thấy.■Heather Heyer, cô gái đã thiệt mạng trong vụ Charlottesville, là một thanh niên thế hệ thiên niên kỷ điển hình.Trên mạng xã hội của mình, cô đặt câu hỏi tại sao thế giới lại bất công như thế? Tại sao một đứa trẻ lại bị bắt nạt trên xe buýt tới trường? Tại sao bạn bè đồng tính của cô không thể kết hôn? Tại sao một người bạn da đen của cô bị theo dõi khi tới cửa hàng?Tại sao một số bạn bè của cô khốn khổ tới mức phải tới tá túc ở chỗ cô hàng tháng trời vì không có chỗ nào để đi? Cô cưu mang họ, nhưng thấy khó hiểu và than phiền.Nếu bạn không nổi giận vì những điều như thế, cô viết trên tài khoản Facebook, thì bạn đã không để ý đủ tới cuộc đời. Cô cũng khóc cho những điều đó nữa.Cô khóc vì sự tàn bạo và bất công và xúc phạm mang tính phân biệt chủng tộc, và đăng trên tài khoản của mình một đoạn video với nhan đề: “Nếu bạn sợ Hồi giáo, hãy gặp một người theo đạo Hồi”.Cô cũng đăng ảnh Bernie Sanders trên trang của mình vào ngày bầu cử. Công việc của cô càng khiến cô hiểu rõ cuộc đời: cô là trợ lý ở bộ phận chuyên các vụ phá sản của văn phòng luật Miller Law.Nhưng bản thân Heather không phải là một nhà hoạt động. Vậy mà, vì những lý tưởng của mình, cô đã phải làm nhiều hơn là chỉ tranh luận trên mạng xã hội, hay khóc than cho bạn bè. Tags: Phân biệt chủng tộcThù hận sắc tộcThù hận kiểu MỹHeather Heyer
Tin tức sáng 26-11: Quốc hội xem xét thông qua Luật Thuế VAT; Ngành nào đang cần nhiều lao động? TUỔI TRẺ ONLINE 26/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Quốc hội xem xét sửa Luật Thuế VAT; Số người thất nghiệp cả nước đang giảm nhưng ngành nghề nào cần nhiều lao động nhất?
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Ông Trump muốn 'kinh tế hóa' Ukraine LỤC MINH TUẤN 26/11/2024 Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang lần lượt tung ra nhiều phương án nhằm thăm dò phản ứng của tất cả các bên cho kế hoạch hòa bình Ukraine sắp tới.
Dự thảo thông tư quy chế tuyển sinh đại học: Nhiều trường kêu khó TRẦN HUỲNH 26/11/2024 Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non với nhiều điểm mới.