Số lượng khẩu trang và dung dịch nước rửa tay không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ vừa bị phát hiện, thu giữ - Ảnh: Bộ CA
Tối 4-2, thông tin từ Bộ Công an cho biết chỉ trong 4 ngày (từ ngày 1 đến 4-2), Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế (C03) đã tiến hành kiểm tra, đấu tranh, xử lý 26 vụ việc liên quan đến các hành vi nêu trên.
Qua đó, đã phát hiện, thu giữ hơn 422.000 khẩu trang y tế các loại và gần 4.000 chai dung dịch rửa tay không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ...
Theo Bộ Công an, trước nguy cơ của dịch bệnh và sự gia tăng đột biến nhu cầu của người dân về một số mặt hàng, vật tư y tế như khẩu trang, dung dịch sát khuẩn và các loại thuốc tăng cường miễn dịch... một số cá nhân đã gia tăng đầu cơ, nâng giá, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là mặt hàng khẩu trang y tế và dung dịch sát khuẩn.
Đáng chú ý, để trục lợi, một số cá nhân đã gia tăng sản xuất khẩu trang kém chất lượng hoặc đầu cơ hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nâng giá bán khẩu trang y tế cho người dân lên gấp 4 đến 5 lần; mặt hàng thuốc Tamiflu tăng giá từ 1,5 đến 2 lần.
Đặc biệt, lợi dụng việc giá khẩu trang và các thiết bị y tế phục vụ cho việc phòng, chống dịch bệnh tăng cao tại Trung Quốc, một số người còn thu gom khẩu trang y tế, dung dịch rửa tay... vận chuyển, buôn lậu qua biên giới để kiếm lời.
"Hành vi này của các đối tượng đã trực tiếp tác động đến mục tiêu ổn định giá cả thị trường và đời sống của nhân dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội", Bộ Công an đánh giá.
Trong số những vụ việc bị phát hiện, điển hình, ngày 3-2, tại khu vực Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, tổ công tác của C03 phối hợp với Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra 1 xe tải do Vũ Văn Khoa là chủ xe, phát hiện 25.000 khẩu trang y tế không có hóa đơn, chứng từ, xuất xứ nguồn gốc.
Kết quả đấu tranh bước đầu xác định ông Liêu Văn Hải đã đặt mua 50.000 khẩu trang y tế của một số người qua mạng xã hội Facebook, Zalo với giá 125.000 đồng/hộp và bán lại cho một người quen với giá 145.000 đồng/hộp.
Ông Hải và Khoa đã chở hàng, giao dịch trót lọt 1 lần (25.000 chiếc), lần thứ 2 đang vận chuyển đến địa bàn quận Nam Từ Liêm để tiếp tục giao dịch thì bị phát hiện, bắt giữ.
Trước đó, ngày 1-2, Phòng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Trạm kiểm soát liên ngành Dốc Quýt phát hiện một ôtô chở 300.000 chiếc khẩu trang y tế 4 lớp, không có giấy tờ hợp lệ, có dấu hiệu xuất lậu đi Trung Quốc.
Bộ Công an cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng xử lý cương quyết đối với các cơ sở, cá nhân có biểu hiện buôn bán, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đầu cơ, găm hàng, nâng giá các mặt hàng y tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận