26/06/2024 16:30 GMT+7

Thủ Đức rà soát, cấp giấy tờ tùy thân cho các nhân khẩu đặc biệt

Việc tăng cường rà soát, cấp giấy tờ tùy thân cho nhân khẩu đặc biệt được đánh giá là hoạt động thiết thực, tránh “neo đậu” các thủ tục pháp lý liên quan.

Ông Cao Thanh Bình (trưởng Ban Văn hóa Xã hội, Hội đồng nhân dân TP.HCM) đến khảo sát tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em trên địa bàn TP Thủ Đức - Ảnh: KHẮC HIẾU

Ông Cao Thanh Bình (trưởng Ban Văn hóa Xã hội, Hội đồng nhân dân TP.HCM) đến khảo sát tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em trên địa bàn TP Thủ Đức - Ảnh: KHẮC HIẾU

Ngày 26-6, Ban Văn hóa Xã hội, Hội đồng nhân dân TP.HCM đã có buổi khảo sát về việc cấp giấy khai sinh, mã số định danh, đăng ký thường trú và căn cước công dân đối với nhóm trẻ em, thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ trong các cơ sở trợ giúp trẻ em, lớp học tình thương trên địa bàn thành phố Thủ Đức.

Theo đánh giá của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Thủ Đức, trên địa bàn có 10 trung tâm bảo trợ và trung tâm tâm thần với 2.096 nhân khẩu.

Qua công tác rà soát, triển khai chương trình, đơn vị đã thu thập thông tin, cập nhật vào hệ thống cho 1.334 nhân khẩu.

Khảo sát tại nhà nuôi dạy trẻ mồ côi Diệu Giác (phường An Khánh, thành phố Thủ Đức), đại diện đơn vị bảo trợ này cho hay quá trình hoàn thiện giấy tờ tùy thân, căn cước công dân cho các cháu vẫn còn nhiều khúc mắc về mục dân tộc, đăng ký người giám hộ.

Theo đó, có 43 trẻ (từ 7 tháng - 18 tuổi) chưa được đăng ký thường trú và làm căn cước công dân.

"Khi làm các thủ tục, các bé thường vướng vào phần điền dân tộc. Chúng tôi được hướng dẫn để trống, khi nào có người nhận nuôi thì để theo dân tộc của cha mẹ nuôi. Tuy nhiên, điều này dẫn đến bất cập khi làm các giấy tờ khác có liên quan vì không đủ dữ liệu", đại diện nhà nuôi dạy trẻ mồ côi nói.

Đại diện nhà nuôi dạy trẻ mồ côi Diệu Giác đề nghị có thể điền mục dân tộc theo chính dân tộc của người đại diện hợp pháp của các bé.

Trả lời vấn đề này, ông Cao Thanh Bình (trưởng Ban Văn hóa Xã hội, Hội đồng nhân dân TP.HCM) cho biết đoàn khảo sát đã ghi nhận ý kiến phản hồi từ đơn vị bảo trợ trẻ em. Theo đó, ông Bình trao đổi cùng các đơn vị nghiệp vụ trên địa bàn thành phố Thủ Đức, đề nghị xem xét ý kiến của phía nhà nuôi dạy trẻ mồ côi.

"Vấn đề này cần được tháo gỡ ngay để tránh 'neo đậu' các giấy tờ liên quan, tạo nên vòng lặp khiến người dân phải đi lại nhiều lần. Việc tháo gỡ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển của các cháu. Bên cạnh đó, các cơ quan cũng thuận lợi trong việc quản lý, giải quyết các thủ tục hành chính", ông Bình nói.

Khó khăn chồng chất về cơ sở dữ liệu trẻ em

Theo báo cáo của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Thủ Đức, dữ liệu trẻ em dưới 6 tuổi chưa được xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nguyên nhân do dữ liệu đang quản lý thiếu thông tin mã số định danh cá nhân, chỉ có thông tin căn cước cha, mẹ, người giám hộ.

Trong trường hợp có định danh cá nhân, khó khăn lại rơi vào trường hợp chưa được nhập hộ khẩu, chưa liên thông với giấy khai sinh hộ tịch. Ngoài ra, cập nhật định danh cá nhân với trẻ dưới 6 tuổi đa số đều bị lỗi "số định danh không tồn tại trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư".

Theo đó, trên địa bàn thành phố Thủ Đức còn 924 trường hợp trẻ dưới 6 tuổi chưa được đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tôi chưa đăng ký kết hôn, làm khai sinh cho con ở nơi tạm trú  không được?Tôi chưa đăng ký kết hôn, làm khai sinh cho con ở nơi tạm trú không được?

Tôi và bạn trai chưa đăng ký kết hôn mà không ở quê, hiện tạm trú ở nơi khác. Giờ chúng tôi sinh con, làm giấy đăng ký khai sinh không được.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên