Theo phương án thi tốt nghiệp THPT, giáo viên tại địa phương vẫn chấm bài thi tự luận. Trong ảnh là giám thị chấm thi tại Hội đồng chấm thi THPT quốc gia năm 2019 tại Lai Châu - Ảnh: VĨNH HÀ
Trong thư, thầy Tùng bày tỏ nỗi lo lắng nếu kỳ thi THPT chỉ để xét tốt nghiệp thì thí sinh có thể phải thi thêm nhiều kỳ thi khác
Trong thư viết: "Dịch COVID-19 đã đẩy đất nước ta vào giai đoạn khó khăn, trong đó có ngành giáo dục. Thời gian qua, giáo viên và học sinh đã rất cố gắng, khắc phục khó khăn để việc học và ôn thi được tiếp tục.
Chúng tôi mong muốn các kỳ thi sẽ được tổ chức tinh gọn, đơn giản và tiết kiệm, trong đó có kỳ thi THPT, cũng phù hợp với thực tế và mong muốn của phụ huynh, học sinh khối 12".
Theo thầy Trần Mạnh Tùng thì phương án Bộ GD-ĐT đang dự kiến tổ chức một kỳ thi để xét tốt nghiệp, các trường đại học tự chủ phương án tuyển sinh - nếu thực hiện trong năm nay sẽ rất khó khăn, căng thẳng và tốn kém.
Thầy Tùng phân tích: Hầu hết các thí sinh có nguyện vọng thi đại học. Như thế, các em sẽ có thể phải thi thêm nhiều đợt khác. Với các trường đại học khác nhau, có thể có các phương án thi, tuyển sinh khác nhau. Thời gian còn lại quá ít để các em thích ứng với các thay đổi đó.
Trong khi các nhà trường, thầy trò cả nước từ đầu năm học đã chuẩn bị để đáp ứng kỳ thi theo phương án cũ. Việc thay đổi này sẽ làm các nhà trường và học sinh bị động, nhiều bất lợi. Mặt khác, thời điểm này các trường đại học cũng chưa có phương án tuyển sinh cụ thể để thông tin cho thí sinh.
"Tôi ủng hộ việc giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học. Tuy nhiên, đây là một năm học rất "đặc biệt". Tôi mong muốn Thủ tướng góp ý để Bộ GD-ĐT vẫn sẽ tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích: Xét tốt nghiệp và làm căn cứ xét tuyển đại học, cao đẳng. Cách thức tổ chức tương tự năm 2019.
Như thế sẽ đơn giản, tiết kiệm; một công, hai việc, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo học sinh, phụ huynh và giáo viên" - thầy Tùng đề đạt.
Ngay trong chiều 21-4, khi thông tin về phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT được thông tin trên báo chí, nhiều phụ huynh, thầy, cô giáo cũng bày tỏ lo ngại tương tự. Họ cho rằng đây là năm học đặc biệt, học sinh phải nghỉ học dài ngày, việc bù đắp kiến thức bằng các hình thức học từ xa không hiệu quả và không đồng đều giữa học sinh các vùng miền khác nhau. Vì thế việc thay đổi phương thức thi đột ngột ở thời điểm này, theo đó học sinh có thể phải tham dự nhiều kỳ thi sẽ tăng áp lực, căng thẳng, tốn kém.
Theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ GD-ĐT sẽ phải hoàn thiện phương án thi đã thống nhất để trình Thủ tướng trong thời gian sớm nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận