15/02/2025 12:48 GMT+7

Thu 500 triệu USD từ điện ảnh, TP.HCM quyết tâm vào Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO

Nếu hồ sơ đăng ký gửi lên UNESCO thành công, TP.HCM sẽ là thành phố điện ảnh thuộc mạng lưới sáng tạo đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á.

Thu 500 triệu USD từ điện ảnh, TP.HCM quyết tâm vào Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO - Ảnh 1.

Ông Đỗ Quốc Việt, phó cục trưởng Cục Điện ảnh và bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM - Ảnh: MI LY

Sáng 15-2, Tọa đàm tham vấn quốc tế góp ý hồ sơ của TP.HCM đăng ký tham gia Mạng lưới thành phố sáng tạo (UCCN) của UNESCO diễn ra tại TP.HCM. Sự kiện do UBND TP.HCM chủ trì.

Sau khi góp ý và sửa đổi, ngày 3-3 tới hồ sơ chính thức sẽ được nộp đến UNESCO. Nếu được phê duyệt, TP.HCM sẽ là thành phố điện ảnh thuộc UCCN đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á.

TP.HCM thu 500 triệu USD từ điện ảnh, chiếm 40% toàn quốc

Theo báo cáo đề dẫn, tính đến năm 2024 ngành điện ảnh TP.HCM có 935 cơ sở, hơn 100 nhà sản xuất phim thường xuyên hoạt động, 9.294 lao động và đạt doanh thu 500 triệu USD (năm 2024), chiếm khoảng 40% thị trường chiếu phim của Việt Nam.

"Một thành phố thôi đã chiếm 40% thị trường cho thấy dung lượng thị trường điện ảnh Việt Nam không quá lớn. Như vậy chúng ta cần quảng bá, mở rộng ra thị trường khu vực quốc tế bằng các sự kiện và hình thức kết nối" - theo ông Phạm Bình An, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM.

Thu 500 triệu USD từ điện ảnh, TP.HCM quyết tâm vào Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO - Ảnh 2.

Hoa hậu, diễn viên Thùy Tiên tại Liên hoan phim quốc tế TP.HCM (HIFF) năm 2024, sự kiện điện ảnh quốc tế đầu tiên của thành phố sau nhiều năm mong đợi - Ảnh: HIFF

TP.HCM hiện nay có 10 hệ thống rạp, 52 cụm rạp, và 295 phòng chiếu và 184 không gian thực hành nghệ thuật chuyên nghiệp; 22 trung tâm văn hóa quận/huyện, 18 nhà văn hóa lao động, 9 thiết chế văn hóa thể thao tại các khu công nghiệp, 68 trung tâm văn hóa thể thao phường/xã.

Mở rộng hơn ra toàn lĩnh vực văn hóa, TP.HCM có 29.861 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực văn hóa, chiếm khoảng 12,6% doanh nghiệp của toàn thành phố. 

Tổng vốn điều lệ của doanh nghiệp là 20 tỉ USD và thu hút 105.000 lao động, đóng góp 4,3 tỉ USD, chiếm 6,2 GRDP của thành phố.

Tọa đàm cũng chỉ ra rằng TP.HCM có 10 triệu người sinh sống, doanh nghiệp chiếm gần 1/3, GRDP chiếm 1/6, ngân sách 1/4 cả nước. TP.HCM lâu nay vẫn là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục và đổi mới sáng tạo.

Bà Nguyễn Phương Hòa, cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), nói việc đưa TP.HCM vào Mạng lưới thành phố sáng tạo có nhiều mục đích. 

Đầu tiên là đẩy mạnh sáng tạo, tạo ra giá trị gia tăng và doanh thu, tạo ra nhiều việc làm. 

Thứ hai là tăng cường đời sống văn hóa, tăng sự kết nối xã hội, phát huy tài sản văn hóa, sáng tạo của thành phố.

Thứ ba là bảo vệ, duy trì sự độc đáo về văn hóa. 

Thứ tư là thúc đẩy hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành phố thành viên; tham gia các sáng kiến văn hóa liên quốc gia. 

Thứ năm là tăng cường đầu tư du lịch và xây dựng thương hiệu của thành phố.

6 sáng kiến để phát triển điện ảnh TP.HCM

Trong bản hồ sơ, nhóm nghiên cứu đưa ra 6 sáng kiến để TP.HCM tham gia UCCN trong lĩnh vực điện ảnh. Trong đó có 3 sáng kiến địa phương và 3 sáng kiến quốc tế.

3 sáng kiến địa phương bao gồm: Kiến tạo điện ảnh trong học đường; Dự án "Sắc màu cuộc sống qua điện ảnh"; Xây dựng không gian sáng tạo điện ảnh.

3 sáng kiến quốc tế bao gồm: Diễn đàn mạng lưới các thành phố điện ảnh châu Á; Tổ chức liên hoan phim quốc tế thường niên; Hình thành đầu mối hỗ trợ phát triển điện ảnh.

Thu 500 triệu USD từ điện ảnh, TP.HCM quyết tâm vào Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO - Ảnh 3.

Ngoài 6 sáng kiến trong hồ sơ, các đại biểu góp thêm những sáng kiến mới. Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn nêu ý kiến cần có phim trường lớn, cho thuê với nhiều ưu đãi ở TP.HCM giống như ở Busan - Ảnh: MI LY

Dự kiến ngân sách dành cho sáng kiến là 16,72 triệu USD trong 4 năm. Trong đó kiến tạo điện ảnh trong học đường chiếm 3,18 triệu USD; dự án "Sắc màu cuộc sống qua điện ảnh" chiếm 2,86 triệu USD; 

Xây dựng không gian sáng tạo điện ảnh chiếm 5,97 triệu USD; diễn đàn mạng lưới các thành phố điện ảnh châu Á chiếm 397.710 USD; tổ chức liên hoan phim quốc tế thường niên chiếm 3,18 triệu USD; hình thành đầu mối hỗ trợ phát triển điện ảnh chiếm 795.420 USD...

Diễn viên Hồng Ánh bày tỏ sự đồng tình với các sáng kiến điện ảnh. 

Chị phát biểu thêm: "Tôi mong muốn nhiều hơn nữa là chúng ta sẽ có những hoạt động không chỉ liên kết với những người yêu điện ảnh mà nên mở rộng hơn cho cư dân thành phố.

Những không gian sáng tạo, những khu vui chơi có kết nối điện ảnh phải làm sao để thu hút nhiều người dân thành phố hơn. 

Khi người dân thành phố yêu thích điện ảnh và có nhiều sở thích đa dạng trong lĩnh vực điện ảnh thì thị trường điện ảnh mới phát triển. Họ sẽ nâng tầm sự cảm thụ điện ảnh, thay vì chúng ta làm phim chỉ đưa ra thị trường những bộ phim phục vụ thị hiếu của một nhóm khán giả thôi".

Nghệ sĩ Hồng Ánh: Hoạt động điện ảnh phải đến với cư dân thành phố

Tọa đàm cũng nhận được video phát biểu ủng hộ TP.HCM vào UCCN từ bà Maud Boissac (Sở Văn hóa thành phố Cannes, Pháp) và ông Johnathan Baker, trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam.

Bà Lê Thị Hồng Vân - tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO Việt Nam (Bộ Ngoại giao) - cho biết sắp tới, chúng ta đang hy vọng mời tổng giám đốc UNESCO đến Việt Nam vào tháng 6 để vận động mạnh mẽ hơn về hồ sơ này.

Thu 500 triệu USD từ điện ảnh, TP.HCM quyết tâm vào Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO - Ảnh 4.Để là thành phố điện ảnh, TP.HCM cần những gì?

TP.HCM đang xây dựng đề án đưa TP.HCM thành TP điện ảnh đầu tiên của Việt Nam, nằm trong mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên