Thứ 5 là kẻ thù, thứ 6 là bạn

THANH TUẤN 10/01/2017 22:01 GMT+7

TTCT - Trong bối cảnh ông Donald Trump sắp trở thành ông chủ Nhà Trắng, chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Barack Obama vừa có một quyết định gây sốc: trục xuất nhân viên ngoại giao Nga về nước...

Ông Vladimir Putin trò chuyện với ông Barack Obama bên lề hội nghị G20 tại Trung Quốc -tháng 9-2016  -Sputnik/Kremlin/EPA
Ông Vladimir Putin trò chuyện với ông Barack Obama bên lề hội nghị G20 tại Trung Quốc -tháng 9-2016 -Sputnik/Kremlin/EPA


Với ông Trump, chính sách của Washington với Nga sẽ hẳn còn nhiều điều chỉnh khó đoán định.

Thái độ của Tổng thống Nga Vladimir Putin với Washington đã được thể hiện rất rõ: thông điệp chúc mừng năm mới của ông được gửi cho ông Trump thay vì dành cho người tại nhiệm Obama.

Trong lời nhắn được Kremlin công bố, ông Putin hi vọng hai nước sẽ “hành động mang tính xây dựng và thực tế, có những bước đi thật sự để tái lập cơ chế hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau”.

Vẫn là kình địch?

Một tuần trước đó, màn quan chức Bộ Ngoại giao Nga lên truyền hình vào giờ vàng để chỉ trích Tổng thống Obama lại tiếp diễn. Theo New York Times, đây không phải chuyện hiếm thấy trong lịch sử đầy sóng gió giữa Mỹ và Nga.

Người phát ngôn Maria Zakharova, trong ngày Giáng sinh, đã nói chính quyền Obama “thể hiện rằng kẻ mạnh nhất là kẻ có quyền gây tội ác”.

Từ góc nhìn của Washington, chính Kremlin mới đang gây chuyện. Tổng thống Obama hôm 29-12 đã công bố việc trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga để trừng phạt Matxcơva liên quan tới cáo buộc tấn công tin tặc trong cuộc bầu cử 2016.

“Mỹ và bạn bè cùng đồng minh trên khắp thế giới cần hợp tác để chống lại các nỗ lực của Nga nhằm phá hoại các thông lệ hành động của quốc tế” - ông Obama nói. Cả hai thông điệp dường như thể hiện mọi việc vẫn vậy: hai bên chính là đối thủ số 1 của nhau.

Nhưng chỉ một ngày sau, hôm 30-12, mọi thứ lại thay đổi hoàn toàn. Tổng thống Putin thông báo rằng Nga sẽ không làm gì để đáp trả các biện pháp trừng phạt của Mỹ mà sẽ chờ đợi chính quyền mới. Tổng thống đắc cử Mỹ Trump ngay lập tức phản ứng bằng cách ca ngợi ông Putin là “thông minh” trên Twitter.

Với việc tổng thống đương nhiệm gọi Nga là mối đe dọa an ninh quốc gia trong khi tổng thống sắp nhậm chức thì ca ngợi Putin, rất nhiều cử tri Mỹ, vốn quen tư duy là nghi ngờ nước Nga, sẽ thấy rất bối rối và không thoải mái.

Mới sáng 30-12 Nga còn là kẻ thù, đến hôm sau đã trở thành bạn. “Chúng ta đang trong khoảnh khắc mà mọi thứ đều hỗn loạn, và điều này thật sự là chưa có tiền lệ - Cliff Kupchan, chủ tịch Eurasia Group, hãng chuyên về đánh giá rủi ro chính trị và là cựu quan chức trong chính quyền Clinton, nhận xét - Điều quan trọng là chính quyền sắp được chuyển giao từ một chỗ có quan điểm rất cứng rắn với Nga sang rất đồng cảm với Matxcơva”.

Từ học thuyết “kiềm chế” của George F. Kennan

Dẫu Trump tỏ ra hòa hoãn với Putin, thật ra Nga và Mỹ vẫn chưa có thỏa thuận rõ ràng hay đề nghị cụ thể nào trong việc xuống thang căng thẳng. Điều này tạo ra những bất định phía trước.

“Quan hệ Nga - Mỹ hiện như đang trên trời - cả hai đều không có chiến lược cụ thể nào về cách tiến lên phía trước” - Aleksandr Morozov, một nhà phân tích chính trị độc lập người Nga, nói.

Cho đến khi Liên Xô sụp đổ năm 1991 và thậm chí nhiều năm sau đó, chính sách với Nga của Mỹ thường rất rõ ràng.

Năm 1947, George F. Kennan, nhà ngoại giao trẻ người Mỹ ở Matxcơva, đã đưa ra những quy chuẩn rất rõ cho mối quan hệ bằng bài viết chính sách nổi tiếng trên Foreign Affairs (bài viết của Kennan được nhiều nhà quan sát coi là một trong những cột mốc khởi điểm của Chiến tranh lạnh). Liên Xô khi đó đang mở rộng, Kennan viết, nên yếu tố chính trong chính sách của Mỹ lúc đó là kiềm chế và ngăn chặn.

Từ đó bắt đầu hành trình lên xuống cho quan hệ hai nước với đầy đủ các cao trào và nút thắt - lúc thì hòa hoãn, lúc thì xuống đáy như kẻ thù khiến cả thế giới rùng mình vì nguy cơ tận thế bởi chiến tranh hạt nhân. Các giai đoạn căng thẳng giảm bớt thỉnh thoảng xuất hiện nhưng không bao giờ kéo dài được lâu.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Liên bang Nga bước vào giai đoạn suy thoái kéo dài và trong mối quan hệ với Mỹ, Nga trở thành đối tác yếu hơn.

Yếu tố “đối tác nhỏ” đó gây ra nhiều đau đớn, đặc biệt sau khi ông Obama tìm cách tái khởi động quan hệ với tuyên bố Nga chỉ là “cường quốc khu vực” - sự hạ cấp rất lớn so với vị thế “siêu cường” của Liên Xô trong Chiến tranh lạnh. Putin, người luôn mong muốn phục hồi vị thế nước Nga, rõ ràng bị tổn thương.

Cuộc khủng hoảng hiện nay bắt đầu từ năm 2014, với cuộc cách mạng ở Ukraine mà ông Putin cáo buộc là âm mưu của Mỹ.

Như một hành động đáp trả, ông Putin sáp nhập Crimea và cung cấp vũ khí cho các phần tử nổi dậy ở đông Ukraine. Điều này khiến phương Tây áp đặt lệnh cấm vận kinh tế nhắm vào Nga, vấn đề mà ông Trump luôn chỉ trích và đang định thay đổi.

Căng thẳng lại leo thang vào mùa thu 2016 sau khi các cơ quan tình báo Mỹ kết luận Nga đứng đằng sau những vụ tấn công tin tặc đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ, cụ thể là thâm nhập vào hệ thống máy tính của Ủy ban toàn quốc Đảng Dân chủ và tiết lộ những email gây bất lợi cho chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton.

Ông Trump, phá vỡ mọi tiền lệ như ông vẫn làm từ trước tới giờ, tỏ ra thân thiện hơn hẳn với Nga, đi ngược lại chính sách truyền thống của phe Cộng hòa vốn luôn tô vẽ nước Nga là một đế quốc đầy tham vọng.

Quyết định giờ thứ 25 của Obama

Thời điểm ra quyết định trục xuất các nhà ngoại giao Nga của tổng thống sắp mãn nhiệm Obama không khỏi gây ra những đồn đoán. Không phải vô cớ mà ông Obama đợi tới tận khi chỉ còn hai tuần nữa là lễ nhậm chức của ông Trump diễn ra mới hành động.

Rất có thể ông muốn để lại cho người kế nhiệm một trận bão tố ngoại giao. Nhưng cho tới giờ ông Putin - rất lão luyện với những ngón đòn bất ngờ - đã tỏ ra rất kiềm chế, một kiểu phản ứng rất nhu thuật, môn võ sở trường của ông, có thể là để tránh gây phật lòng tổng thống sắp lên.

Theo Slate, thông điệp từ quyết định của Obama không chỉ nhắm tới Matxcơva mà còn tới cả ông Trump, người được cho là sẽ thay đổi một loạt chính sách truyền thống của Washington với Nga. Ông Trump từng tuyên bố ông không quan tâm lắm tới các vụ tấn công tin tặc và ám chỉ rằng cộng đồng tình báo Mỹ có thể sai trong các nhận định của họ.

“Tinh thần của ông Trump giờ đã rõ, và điều đó đã đang thay đổi chính sách của nước Nga - Igor M. Bunin, giám đốc Trung tâm Công nghệ chính trị, một viện nghiên cứu ở Matxcơva, nói - Đây sẽ là lợi thế lớn cho quan hệ tương lai”.

Tuy vậy, sẽ vẫn còn những nguy cơ cho quan hệ này, khi mà Quốc hội Mỹ chưa chắc chia sẻ quan điểm thân thiện với ông Putin như ông Trump.

Thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch Ủy ban quân lực thượng viện, có cuộc điều trần ngày 5-1 liên quan tới việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Hầu hết các thành viên Cộng hòa kỳ cựu trong Quốc hội Mỹ ủng hộ các chính sách cấm vận mới với Nga, điều sẽ đặt họ vào vị trí đối đầu với ông Trump.

Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar của phe Dân chủ, tuần trước vừa đi cùng ông McCain và thượng nghị sĩ Lindsey Graham tới thăm các nước Baltic, nói: “Tấn công tin tặc từ Nga, các chiến dịch thông tin giả và tuyên truyền, họ (các nước Baltic) đã quen với điều đó nhiều thập kỷ”.

Giới chuyên gia nhận định Nga không còn đủ sức mạnh để tái lập vị thế siêu cường như trước. Nhưng các đợt tấn công tin tặc một lần nữa cho thấy các nước giờ có thể không cần tới vũ khí hạt nhân hay một nền kinh tế mạnh để có thể tạo ra những ảnh hưởng toàn cầu.

Một số nhà phân tích Nga đang đặt dấu hỏi liệu ông Putin có thể mang lại gì cho ông Trump. Là cựu điệp viên KGB, ông thường nhìn trật tự thế giới như một chuỗi các điệp vụ kết nối nhau, cách nhìn rất khác so với ông Trump, người đến từ thế giới của những thương vụ mua bán.

“Tôi không nghĩ rằng Putin có kế hoạch - Gleb Pavlovsky, nhà phân tích chính trị và từng là cố vấn truyền thông cho ông Putin, bình luận - Tôi nghĩ bản thân ông ta cũng ngạc nhiên về số điểm thưởng ông ta bất ngờ có được (từ ông Trump)”.

Ở Syria, Tổng thống Bashar al-Assad sắp tái lập quyền kiểm soát phần lớn đất nước nhờ vào sự can thiệp quân sự của Nga. Ukraine vẫn tiếp tục là vấn đề với Matxcơva, nhưng về cơ bản đã biến thành một cuộc “xung đột lạnh”, rơi vào bế tắc và chưa thể có giải pháp ngày một ngày hai, đủ để Matxcơva dùng làm con bài tác động hoặc gây bất ổn khi cần.

Và vị thế ông Putin tỏ ra rất mạnh với một loạt vụ tấn công mạng vừa rồi. Giới phân tích thậm chí nhìn thấy khả năng ông Putin có thể giúp ông Trump giành được một số thành tựu ngoại giao nhất định, để ghi điểm với các cử tri trong lĩnh vực ông vốn còn non kinh nghiệm.

Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã loại Washington ra khỏi cuộc đàm phán về Syria. Ông Putin có thể đưa Mỹ trở lại và thúc đẩy một thỏa thuận về cuộc chiến với lực lượng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Ông Trump cũng từng tuyên bố muốn hợp tác với Nga chiến đấu chống các phần tử Hồi giáo cực đoan. Hoặc Kremlin có thể đề nghị một số thỏa thuận về không gian mạng.

“Tôi nghĩ Putin đang có vị thế mạnh - Nicolai Petrov, một nhà phân tích chính trị Nga, nói - Ông có thế mạnh trong mối quan hệ với Mỹ và ông có thể dễ dàng hành động, ông có thể chứng tỏ rằng Mỹ nên nhận thấy Nga không chỉ là cường quốc khu vực mà là một cường quốc lớn thật sự và cần được nể trọng”.

Trong lúc này, ông Putin có vẻ là một người bạn với ông Trump. Nhưng không nhiều người cho rằng mối quan hệ này sẽ kéo dài.

Một phần vì ông Trump là nhân vật khó đoán định, nhưng phần quan trọng hơn là về bản chất, hai nước Nga và Mỹ vẫn còn quá nhiều lý do để đối đầu, đặc biệt khi họ nhìn thế giới qua các lăng kính rất khác nhau.

Chính sách của Nga trong những năm gần đây cũng có những chuyển hướng, thường nhắm vào việc giảm uy tín của các chính quyền phương Tây. Kremlin có một loạt đòn bẩy - từ các chiến dịch thông tin, mua ảnh hưởng hay tấn công mạng - mà nhiều nhà phân tích dự đoán sẽ tiếp tục được dùng trong cuộc bầu cử ở Pháp và Đức tới đây.

“Họ đang cố gắng tạo sân chơi bình đẳng không phải bằng cách nâng nước Nga lên mà bằng cách tạo ra một phương Tây đang đi xuống - ông Kupchan nói - Tôi không nghĩ Putin muốn một nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Mà đó lại chính là khẩu hiệu của tổng thống đắc cử Donald Trump.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận