Lực lượng CSGT kiểm tra chiếc ôtô để 2 em học sinh rơi xuống đường khi đang chạy - Ảnh: A LỘC
Chiều 29-11, một xe 16 chỗ chở học sinh từ Trường tiểu học Diên Hồng (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) về nhà thì bất ngờ 2 em học sinh lớp 4 rơi xuống đường, bị sây sát nhẹ. Xe này đã hết hạn kiểm định từ ngày 16-11.
Trước đó vào sáng 26-11, xe 16 chỗ chở học sinh Trường tiểu học Phan Bội Châu (P.Long Bình, TP Biên Hòa) chạy đến đoạn cua thì cửa sau xe bật mở khiến 3 em học sinh lớp 1 rơi xuống đường. May mắn cả 3 em đều không bị thương tích.
Bà Lưu Thị Ngọc Quế - trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trảng Bom - cho biết xe đưa rước đa phần ở cấp tiểu học, các em học sinh chủ yếu là con em công nhân lao động, nhu cầu bán trú 2 buổi là rất lớn. Ngoài giờ chính khóa, cô giáo có thể giữ trẻ ở nhà hoặc phụ huynh có thỏa thuận với các chủ xe để đưa đón các em.
Không chỉ Trảng Bom, ở nhiều địa phương có đông công nhân lao động như TP Biên Hòa và các huyện Long Thành, Nhơn Trạch..., nhu cầu thuê xe đưa rước học sinh cũng rất lớn. Một tài xế xe đưa rước học sinh tên Long cho biết có tình trạng thuê phụ tùng, "làm mới" xe trước khi đưa đi đăng kiểm, sau đó về tháo ra, thay đổi kết cấu để chở được nhiều học sinh hơn.
Chiều 30-11, ông Trần Văn Vĩnh - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - cho biết đã yêu cầu giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý những sai phạm liên quan việc xe đưa rước làm rơi 2 học sinh xuống đường khi đang lưu thông.
Đồng thời tiến hành rà soát, kiểm tra loại hình xe đưa đón học sinh trên địa bàn, đặc biệt các khu tập trung đông khu công nghiệp, có nhiều công nhân lao động sinh sống. Khi phát hiện sai phạm phải xử lý nghiêm để đảm bảo an toàn cho học sinh.
Từ đầu năm 2019 đến nay, thanh tra giao thông đã xử phạt vi phạm hành chính 319 trường hợp xe đưa đón học sinh vi phạm, phạt tiền 320 triệu đồng, tước giấy phép 18 trường hợp, tịch thu một phương tiện. Các lỗi vi phạm chủ yếu gồm: dừng, đỗ xe sai quy định, chở quá số người quy định, không có phù hiệu.
Vũng Tàu: phát hiện xe quá niên hạn
Theo đội CSGT Công an TP Vũng Tàu, hiện ở TP này có khoảng 80 xe đưa đón học sinh. Kiểm tra vào đầu năm 2019, CSGT đã phát hiện các lỗi như xe đã hết niên hạn sử dụng, hết hạn đăng kiểm, không có hợp đồng đưa đón. Tháng 11-2019 cũng phát hiện 2 xe hết niên hạn sử dụng đưa đón học sinh một trường THPT. Theo ghi nhận, xe đưa đón học sinh ở Vũng Tàu chủ yếu là dòng xe tải nhẹ Daihatsu có hai hàng ghế.
Ông Dương Viết Tri - trưởng Phòng quản lý phương tiện và người lái, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - cho biết hiện nay chưa có các quy định cụ thể, quy chuẩn riêng, đặc thù của xe đưa đón học sinh, chủ xe chỉ đăng ký với cơ quan quản lý và gắn phù hiệu "xe hợp đồng", "còn xe đó chở ai thì không đăng ký".
Đ.HÀ
TP.HCM siết chặt quản lý xe đưa rước học sinh
Ông Trần Chí Trung - giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM - cho biết TP có hơn 200 xe đưa rước học sinh của 100 trường học. Thời gian qua, trung tâm phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM siết chặt quản lý hệ thống xe đưa rước học sinh nhằm đảm bảo an toàn. Đặc biệt, sau vụ việc ở Trường Gateway (Hà Nội), toàn bộ công tác đưa rước học sinh được rà soát về niên hạn, kiểm định, các lái xe được thẩm định lại các kỹ năng...
Vì sao ở TP vẫn tồn tại nhiều xe đưa rước học sinh đã cũ kỹ như dòng xe Daihatsu? Ông Trung khẳng định hầu hết xe đưa rước đang hoạt động đưa đón học sinh mỗi ngày tại TP.HCM đều đã được đăng kiểm, kiểm định về kỹ thuật, khí thải... mới được hoạt động. Về lâu dài, trung tâm đang xây dựng đề xuất UBND TP phê duyệt bộ tiêu chuẩn xe đưa rước học sinh. Theo đó, các doanh nghiệp muốn tham gia hoạt động đưa rước học sinh phải bắt buộc đáp ứng các tiêu chuẩn này.
Theo ông Trần Quốc Khánh - chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM, từ đầu tháng 10 đến nay, nơi này đã kiểm tra đối với các ôtô đưa đón học sinh. Tính đến ngày 12-11, lực lượng liên ngành đã kiểm tra tại 24 trường học, 56 phương tiện nhưng mới phát hiện hai trường hợp vi phạm về bình chữa cháy hết hạn.
Các trường học ở TP.HCM cũng không đứng ngoài cuộc. Ông Trịnh Văn Quyên - hiệu trưởng Trường tiểu học Bình Phước ở Cần Giờ - cho biết dù nhà trường tổ chức các chuyến xe miễn phí nhưng trên xe đưa đón luôn có người phụ xe kiêm quản lý học sinh, vì trường không có bảo mẫu hay giáo viên đi kèm.
"Xe đến trường, các em lên xuống xe sẽ có bảo vệ hỗ trợ thêm. Nếu trên đường xe chở học sinh vượt đèn đỏ, vượt ẩu, phóng nhanh... báo ngay nhà trường để làm việc với nhà xe, đảm bảo cho các em được đưa đi đến nơi về đến chốn" - ông Quyên nói.
TH.DUNG - TH THƯƠNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận