Leo núi bằng tay chân trần
Ngày 11-5, tài khoản Facebook H.N.B. đăng trên fanpage Bình Định Thông Tin video và nhiều hình ảnh về một nhóm người tự phát chinh phục đỉnh núi Hòn Chuông.
Theo đó, nhóm người mặc đồ bình thường, không có dụng cụ và đồ bảo hộ leo núi chuyên nghiệp nhưng đã leo lên đỉnh núi Hòn Chuông (cao hàng chục mét) chỉ với tay không và một sợi dây thừng.
Đặc biệt, trong video, có nhiều người mặc áo 3 lỗ, chân trần đu trên sợi dây thừng treo từ các hốc đá và đỉnh Hòn Chuông thả xuống rồi từng bước leo lên vách núi cao dựng đứng.
Sau khi leo lên đỉnh núi Hòn Chuông, cả nhóm đã chụp hình và đăng lên mạng xã hội.
Những hình ảnh và video này lập tức lan rộng và thu hút sự quan tâm cũng như e ngại rất lớn của cộng đồng mạng.
"Vừa xem video vừa thót tim"
Theo ông Nguyễn Bá Quang - chủ tịch UBND xã Cát Tài, để đến được núi Hòn Chuông phải đi xe máy từ ngoài vào hàng giờ đồng hồ, sau đó đi bộ khoảng 2 tiếng mới tới nơi. Nơi này hoang vắng, không có người dân sinh sống.
"Tôi đã xem video trên mạng xã hội và tôi biết trưởng nhóm leo núi này là người địa phương tên H.. Họ tự thành lập một nhóm cùng leo núi. Đây là một việc làm rất nguy hiểm. Xã sẽ tổ chức làm việc với ông H. để chấn chỉnh, không để xảy ra việc như vậy nữa", ông Quang nói.
Theo ông Quang, người dân và du khách có thể đến tham quan núi Hòn Chuông với sự hướng dẫn của người dân địa phương. Tuy nhiên, không được tự ý tổ chức leo núi, chinh phục đỉnh núi, đến tháp Chăm cổ trên đỉnh núi để lấy gạch di tích về nhà...
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hưng - chủ tịch UBND huyện Phù Cát - cho hay trước nay chỉ có những người làm công tác khảo sát, nghiên cứu mới vào khu vực núi Hòn Chuông. Còn việc leo núi như nhóm người vừa đăng trên Facebook là chưa có. Huyện sẽ làm việc với xã và những người liên quan trong việc này.
"Nhìn quá trình leo núi của nhóm người này quá nguy hiểm. Tôi xem mà thót tim. Chúng tôi không khuyến khích việc leo trèo mạo hiểm như thế này tại núi Hòn Chuông", ông Hưng cho hay.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 12-5, ông Phạm Anh Tuấn - chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - cho biết tỉnh sẽ chỉ đạo địa phương và cơ quan liên quan lập tức xác minh, chấn chỉnh ngay vụ việc trên.
"Không thể để những việc như thế diễn ra vì có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến an toàn, tính mạng con người và hình ảnh của Bình Định", ông Tuấn nói.
Tháp Chăm cổ trên núi Hòn Chuông
Theo sách khảo cứu "Hoài Nhơn, Qui Nhơn, Qui Ninh, Bình Định - đất và người" của nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang, tháp Chăm Hòn Chuông được xây trên đỉnh ngọn núi Bà (núi Hòn Chuông) ở độ cao 727m, cách TP Quy Nhơn khoảng 50km về hướng bắc.
Tháp Hòn Chuông được xây trên một khối đá khổng lồ hình quả chuông úp trơ trụi, cao khoảng 49m. Chân tháp có cạnh dài 4m, cửa tháp mở ra hướng đông, ba mặt còn lại được xây kín, không có cửa giả như những ngôi tháp Chăm khác.
Hiện tháp bị đổ phần ngọn, phần thân chỉ còn cao khoảng 5m, không có gờ, không trang trí, chạm trổ hoa văn… Các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết được ngày xưa người Chăm đã vận chuyển nguyên vật liệu lên xây tháp Hòn Chuông bằng cách nào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận