Sau sự việc ngữ liệu đọc hiểu trong đề kiểm tra học kỳ I môn ngữ văn lớp 8 của Trường THCS Colette (TP.HCM) bị dư luận "ném đá" vì cho rằng đề thi có ý bôi xấu người thầy hồi cuối tháng 12-2023, mới đây xã hội lại râm ran câu chuyện ngữ liệu đọc hiểu trong một đề kiểm tra ngữ văn lớp 8 của huyện Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp) quá phản cảm.
Không biết khi nào tới lượt mình
Tâm sự với Tuổi Trẻ, cô Đ., giáo viên ngữ văn bậc THCS tại TP.HCM, chia sẻ: "Sau sự cố của đồng nghiệp ở Trường Colette, nhiều đồng nghiệp của tôi nói rằng họ bất an, không biết bao giờ thì tới lượt mình. Vì với yêu cầu về ngữ liệu trong các đề thi hiện nay thì không một giáo viên nào có thể nói "hay" được".
Cô Đ. tâm sự mỗi kỳ kiểm tra định kỳ, một giáo viên phải chuẩn bị ba đề thi. Như vậy, từ đầu năm đến nay cô đã ra sáu đề thi định kỳ, chưa kể những đề thi thường xuyên tự ra cho học sinh làm trên lớp. Theo yêu cầu của đổi mới hiện nay, ngữ liệu đọc hiểu trong đề ngữ văn không được nằm trong sách giáo khoa (SGK). Vì thế, cô và nhiều giáo viên ngữ văn phải vất vả để chọn ngữ liệu không trùng lặp, đạt được ý đồ chuyên môn và... không bị "ném đá".
Với các giáo viên dạy trực tiếp, ra đề trực tiếp, họ đã rất áp lực. Nhưng với tổ trưởng chuyên môn ngữ văn của một trường phổ thông, áp lực này còn lớn hơn.
"Tôi phải chịu trách nhiệm khi duyệt 12 đề thi mỗi lần kiểm tra định kỳ. Từ đầu năm đến nay là 24 đề thi rồi. Các đề thi này không được trùng ngữ liệu, không sử dụng ngữ liệu trong SGK. Tôi chỉ dạy một khối thôi nên để duyệt đề thi tôi phải... mở hết ba bộ SGK ra để dò. Rồi tôi lại phải coi, dò lại hàng chục văn bản đọc hiểu mà giáo viên ra đề đã chọn để... phản biện. Nhiều khi làm việc đến kiệt sức nhưng vẫn chưa hết lo lắng" - thầy tổ trưởng tổ ngữ văn một trường THCS tại TP.HCM tâm sự.
Công văn 3175 cứng nhắc, thiếu hợp lý?
Theo một số giáo viên, công văn 3175 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá môn ngữ văn ở trường phổ thông yêu cầu việc chọn ngữ liệu trong ra đề kiểm tra, đánh giá phải tránh dùng lại các văn bản đã học trong SGK. Điều này rất bất hợp lý trong việc ra đề kiểm tra ngữ văn.
"Việc ra đề với nguồn ngữ liệu mở không phải là vấn đề xa lạ với giáo viên. Riêng ở TP.HCM, việc đó đã được thực hiện gần 10 năm nay. Nhưng với chương trình 2006, việc chọn ngữ liệu có phần "dễ thở" hơn vì không có nhiều yêu cầu về thể loại văn bản như hiện nay. Vì đã có nhiều năm làm quen với cách ra đề như vậy, nên ở chương trình cũ, chúng ta đã có được rất nhiều đề thi chất lượng, sáng tạo" - một giáo viên tâm tư.
Một giáo viên khác nói thẳng: "Tôi thấy rất không hợp lý khi không cho giáo viên ra đề lấy ngữ liệu từ SGK vì ngữ liệu trong SGK là một kho tàng về những tác phẩm đã chọn lọc, những tác phẩm kinh điển, việc bỏ qua những tác phẩm này thật đáng tiếc cho các tác phẩm được đưa vào SGK.
Chưa hết, nó rất cứng nhắc, một chiều khi khăng khăng bắt giáo viên thoát ngữ liệu SGK. Vấn đề không phải nằm ở ngữ liệu mới hay cũ mà vấn đề ra đề thi nằm ở hệ thống câu hỏi và mục tiêu kiểm tra. Tôi đề nghị bộ xem lại quy định này".
Trả lời Tuổi Trẻ, một cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cũng nhận định rằng việc "hành chính" hóa cách ra đề theo hướng đồng loạt, rập khuôn, máy móc theo văn bản 3175 nói trên khiến giáo viên bị hạn chế không gian trong sáng tạo đề thi.
"Tưởng là đổi mới nhưng lại vẫn cũ, giáo viên bị đóng khung về nguồn ngữ liệu. Chưa nói đến việc không thúc đẩy sáng tạo, với tinh thần công văn đó, giáo viên sẽ hiểu phiến diện về cách ra đề thi" - vị này nhận định.
Áp lực dư luận
Khi chọn ngữ liệu mới để đưa vào đề, giáo viên ngữ văn phải thường xuyên nghĩ đến rất nhiều tình huống. Trước nhất là việc chọn ngữ liệu, đặt các câu hỏi xoay quanh ngữ liệu: học sinh có thể hiểu không, có hiểu sai ý nào không, có những cách trả lời nào bất ổn không?... Sau đó là nghĩ đến dư luận.
Dư luận gần nhất là đồng nghiệp, sau đó mới tới xã hội. Sau khi học sinh làm bài kiểm tra xong, giáo viên vẫn chưa hết lo lắng vì không biết dư luận sẽ đánh giá như thế nào. Người có chuyên môn nhận định thì tốt, nhưng nhiều người không có chuyên môn, có cái nhìn phiến diện, áp đặt lại có những đánh giá, nhìn nhận gây tổn thương. Đây là một trong những điều mà chúng tôi lo lắng nhất.
Ông Võ Kim Bảo
(giáo viên môn ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM)
Để tránh những tai nạn
Theo ông Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên khoa ngữ văn Trường đại học Sư phạm TP.HCM, công văn 3175 pháp lý hóa yêu cầu về nguồn ngữ liệu dùng trong kiểm tra đánh giá. Định hướng này đặt yêu cầu giáo viên môn ngữ văn phải không ngừng mở rộng vốn đọc, trau dồi kỹ năng lựa chọn ngữ liệu ngoài SGK để phục vụ việc dạy học đọc hiểu và sử dụng trong kiểm tra đánh giá.
"Tuy vậy, thời gian gần đây, việc lựa chọn ngữ liệu (nhất là ngữ liệu văn học) chưa chuẩn xác, thiếu sự xem xét tường tận đã trở thành tai nạn nghề nghiệp của nhiều giáo viên. Theo tôi, sai sót chuyên môn này đến từ những nguyên nhân sau.
Thứ nhất là tiêu chí lựa chọn ngữ liệu được nêu trong chương trình ngữ văn (CTNV) 2018 chỉ dừng ở những định hướng chung, rất khái quát, chưa được cụ thể hóa để thành những chỉ dẫn chuyên môn thiết thực cho giáo viên.
Thứ hai, giáo viên thiếu tài liệu hướng dẫn về việc đổi mới kiểm tra đánh giá trong CTNV 2018 nói chung và việc lựa chọn ngữ liệu nói riêng.
Thêm vào đó, các đơn vị xuất bản, tác giả các bộ SGK thường quan tâm đến việc giới thiệu SGK của mình nhưng chưa chú ý hoặc không dành thời gian tập huấn, bồi dưỡng đầy đủ về kỹ năng lựa chọn ngữ liệu cho giáo viên.
Thứ ba, giáo viên đôi khi chưa cân nhắc thấu đáo đến đặc trưng đa nghĩa của ngôn từ nghệ thuật, không lường trước được sự biến đổi nghĩa của văn bản/từ ngữ trong văn bản tương ứng với việc thay đổi ngữ cảnh hoặc góc độ tiếp nhận, chưa xem xét kỹ tương quan giữa ngữ liệu với tâm lý lứa tuổi, với những lĩnh vực tham chiếu khác" - ông Khôi phân tích.
Theo ông Khôi, để tránh các tai nạn nghề nghiệp, giáo viên cần chú ý đáp ứng những yêu cầu sau:
1. Giáo viên cần biết cách phân tích, kết nối các tiêu chí lựa chọn ngữ liệu được nêu trong CTNV 2018 cùng yêu cầu cần đạt theo từng khối lớp để từ đó chi tiết hóa thành hệ thống tiêu chí khoa học, đầy đủ, khả thi trước khi lựa chọn ngữ liệu;
2. Giáo viên cần chú ý đến nguồn trích dẫn. Theo tôi, văn bản được sử dụng làm ngữ liệu phải được trích dẫn từ tài liệu dạng sách in do nhà xuất bản uy tín chịu trách nhiệm biên tập, phát hành;
3. Giáo viên phải đặc biệt chú ý đến yêu cầu "tương đương văn bản trong SGK": Định hướng đánh giá năng lực đặt ra vấn đề nội dung kiểm tra phải tạo ra một hoạt động mô phỏng, xây dựng tình huống mới tương tự như tình huống mà học sinh đã được rèn luyện hay có kinh nghiệm xử lý để xem xét mức độ thành công khi giải quyết tình huống mới nảy sinh.
Do đó, giáo viên phải lựa chọn được ngữ liệu ngoài SGK nhưng tương đương (về loại thể, về đề tài - chủ đề, về độ khó/ độ phức tạp...) với các văn bản trong SGK ngữ văn mà học sinh từng tiếp xúc để các em có thể huy động vốn kiến thức, kỹ năng đã được trau dồi, rèn luyện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận