Nhiều lời hứa được đưa ra về ngày hoàn thành, nhưng chưa ai dám chắc cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ xong năm 2025 như đề xuất điều chỉnh lần gần đây nhất từ chủ đầu tư.
Có thi công 80% hay nhiều hơn vẫn là hoang hóa
Chín năm trước, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành được khởi công với ước vọng trở thành con đường vận chuyển hàng hóa, rút ngắn thời gian đi lại của bà con các tỉnh miền Tây và miền Đông thay vì phải đi lòng vòng xuyên qua một loạt tuyến đường vốn đang quá tải ở TP.HCM.
Công trình ban đầu ước tính chỉ cần bốn năm thi công để hoàn thành nhưng rồi khựng lại... khi được xác định là đã đạt 80%.
Những ngày đầu tháng 3-2023, phóng viên Tuổi Trẻ trở lại công trường và tận mắt thấy các gói thầu đoạn qua huyện Cần Giờ (TP.HCM) vắng lặng. Tại gói thầu J2 đoạn qua địa bàn huyện Cần Giờ, đoạn cầu cạn vắt qua vùng đầm lầy đã cơ bản hoàn thành, mặt đường thảm nhựa phẳng phiu và điểm được nhắc đến tréo ngoe lại là chuyện nơi đây xảy ra tình trạng mất cắp nhiều hạng mục công trình nghiêm trọng nhất.
Hầu như tất cả các trụ đèn chiếu sáng đều bị cạy bung nắp che và cắt mất phần dây điện bên trong. Khu vực này chỉ túc trực vài nhân viên của nhà thầu bám trụ lại để canh số thiết bị máy móc chưa di dời đi.
Tại gầm cầu cạn cao tốc đoạn giao với đường Rừng Sác, rất nhiều máy móc của nhà thầu để tạm được dùng lưới B40 rào lại. Các xe thi công để lâu ngày bị hoen gỉ, tróc sơn, cây cỏ và dây leo xâm lấn. Khu vực cầu vượt sông nối gói thầu J3 và A5 (TP.HCM với Đồng Nai) bỏ không nhiều năm nay chưa được hợp long.
Còn tại gói thầu đi qua huyện Bình Chánh (TP.HCM) một số đoạn tuyến vẫn chưa được thảm nhựa. Mặt đường được rải đá tạm. Các cầu qua kênh được xây dựng chưa hoàn chỉnh trơ các mấu sắt phơi nắng phơi mưa. Thậm chí đoạn qua địa bàn xã Đa Phước còn chưa được rải đá, đất đỏ dọn mặt bằng dồn đống. Tại đây đơn vị thi công gắn bảng khu vực nguy hiểm cấm vào nhưng nhiều người dân vẫn sử dụng tuyến đường này để di chuyển.
Trả lời Tuổi Trẻ về kế hoạch tái khởi động, đại diện Ban quản lý các đường cao tốc phía Nam (đơn vị quản lý dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành) cho biết toàn tuyến có 11 gói thầu, tổng khối lượng đạt tiến độ trên 80%. Đối với những đoạn đã bố trí vốn, chủ đầu tư đã đốc thúc thi công trở lại, tuy nhiên nhà thầu cần thời gian để huy động nhân sự, máy móc, thiết bị tới công trường...
Có bốn gói thầu đã chấm dứt hợp đồng đang phải đấu thầu lại, một nhà thầu khác đang muốn dừng do trượt giá. Căn cứ tiến độ tổng thể, chủ đầu tư đề xuất gia hạn dự án hoàn thành đến tháng 9-2025.
"Chúng tôi đặt mục tiêu đưa vào khai thác trước đoạn hơn 21km ở phía tây vào quý 1-2024 nhưng ở đoạn này đang có nhà thầu chấm dứt hợp đồng. Việc đấu thầu chọn lại nhà thầu mới làm tiếp khối lượng công việc còn lại, hiện đang phải chờ bố trí vốn mới làm được", đại diện Ban quản lý các đường cao tốc phía Nam cho hay.
Thủ tục chưa thông, không vốn, lời hứa thành vô nghĩa
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành chia thành ba đoạn, đầu tư độc lập từng giai đoạn bằng vốn vay ở các hiệp định khác nhau. Trong quá trình thực hiện, có một số thay đổi về cơ chế chính sách, dẫn đến dự án không được bố trí vốn và phải dừng thi công từ năm 2019. Cao tốc chỉ dài 58km nhưng đến nay đã nhiều lần điều chỉnh lùi từ 2018 - 2020, lùi 2023 và nay đề xuất điều chỉnh sang tháng 9-2025.
Tuy nhiên, kế hoạch hoàn thành con đường huyết mạch này vẫn chưa có gì là chắc chắn. Bởi cách đây vài hôm, Bộ Giao thông vận tải đã có công văn gửi Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) nói tình hình thực hiện dự án chưa có chuyển biến tích cực, một số công việc chưa hoàn thành theo ý kiến của bộ này.
Cụ thể là chưa hoàn thành điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, chưa hoàn thành lựa chọn nhà thầu mới cho các gói thầu đã chấm dứt hợp đồng, chậm triển khai thi công... dẫn đến nguy cơ các gói thầu đoạn phía đông không hoàn thành trong năm 2023 và gói thầu J3 (đoạn làm cầu Phước Khánh - PV) không hoàn thành trong quý 3-2025.
Bộ Giao thông vận tải yêu cầu chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện các ý kiến của bộ, khẩn trương giải trình ý kiến của các bộ, địa phương, đồng thời tích cực làm việc với bộ ngành liên quan để điều chỉnh chủ trương đầu tư, hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Chính phủ về bố trí vốn đối ứng cho dự án.
Xem qua văn bản yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải, chuyên gia giao thông Nguyễn Ân nói rằng tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành vỡ tiến độ vì trách nhiệm chạy qua chạy lại, lòng vòng qua nhiều bộ ngành, cơ quan. Bộ Giao thông vận tải là cơ quan quản lý nhà nước, quản lý dự án giao thông trọng điểm nhưng trách nhiệm xử lý VEC lại nằm ở cơ quan chủ quản là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tình trạng chia cắt trách nhiệm đã gây một hệ quả rất lớn là công trình đình trệ nhiều năm, tổn thất về kinh tế - xã hội chưa thể đo đếm được. Và việc này không phải bây giờ mới thấy, mà từ năm 2019 khi dự án đắp chiếu đã xuất hiện.
"Vậy trách nhiệm để gỡ thủ tục cho cao tốc Bến Lức - Long Thành về đích là ở đâu? Đó là ở Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, VEC, thậm chí cần có cả ý kiến của Bộ Tư pháp... Chỉ cần một nơi hoặc một khâu chậm thôi sẽ làm cho ngày hoàn thành dự án chỉ là lời hứa hoặc nằm trên giấy", ông Ân nói.
Là người làm trong ngành giao thông, ông Ân nói khi dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành khởi công, người dân tại huyện Bến Lức (Long An) rất mong ngóng các mũi thi công sẽ xuất hiện và tiến tới kết nối vào cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Đây là sự kết nối "hoàn hảo" giúp dòng xe chở hàng từ Bắc vào Nam không phải xuyên qua TP.HCM, rút ngắn thời gian đi lại đáng kể.
"Nhưng rồi chờ mãi, mỏi mòn cả thập niên, chúng tôi hiểu ra rằng mong ước đó chưa thành hiện thực. Rất mong tâm tư này sẽ được các cấp có trách nhiệm xem xét. Mọi lời hứa về ngày hoàn thành dự án sẽ vô nghĩa nếu thủ tục chưa thông, dự án chưa rót tiền... Đơn giản vậy thôi, nhưng lại hết sức quan trọng và quyết định đến số phận của cao tốc Bến Lức - Long Thành", ông Ân nói.
Một cán bộ từng quản lý dự án thì sốt ruột: "Đến thời điểm này, một số gói thầu bị chấm dứt hợp đồng chưa chọn được nhà thầu mới thì rõ ràng thời gian hoàn thành dự án vào năm 2025 là rất khó khả thi. Bởi kể từ lúc đấu thầu, huy động nhà thầu vào cũng mất mấy tháng, chưa kể nguồn vật liệu cho cao tốc đang thiếu đại trà".
Lãng quên đoạn tuyến quan trọng của cao tốc Bắc - Nam?
Một cán bộ từng quản lý dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành nói rằng phải khẳng định và định nghĩa thật rõ, đó là cao tốc Bến Lức - Long Thành là một đoạn tuyến của cao tốc Bắc - Nam. Ngay từ khi triển khai đầu tư, định nghĩa này đã có rồi. Tuy nhiên, trong các báo cáo gần đây không thấy nhắc tuyến này là đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam nữa.
Như thế, nếu tuyến này không xong, cao tốc Bắc - Nam sẽ ngắt mạch, không thể phát huy hiệu quả toàn tuyến. Đường vành đai 3 TP.HCM dài 76km chuẩn bị khởi công cũng khó phát huy hiệu quả bởi có một đoạn 38km của Bến Lức - Long Thành ráp nối thành vòng tròn hoàn chỉnh.
Quyết liệt rồi... liệt
Cử tri sốt ruột chất vấn Bộ Giao thông vận tải, bộ trả lời quyết liệt, thực tế trên công trường là... liệt. Dưới đây là hai trong nhiều trích dẫn tinh thần "quyết liệt" của Bộ Giao thông vận tải.
Đã dính đến kiện tụng
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, hiện dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đang có nhà thầu chấm dứt hợp đồng, khiếu nại về chi phí phát sinh do dừng chờ dự án quá lâu... Trong đó, có hai nhà thầu thuộc gói J3, A1 đã khởi kiện chủ đầu tư ra Trung tâm Trọng tài quốc tế tại Singapore (SIAC).
Cụ thể, gói thầu J3 do liên danh Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 thực hiện. Phạm vi gói thầu dài 3,2km bao gồm cầu Phước Khánh (bắc qua sông Lòng Tàu). Nhà thầu dừng thi công từ năm 2019, khối lượng dự án đạt trên 80%.
Còn gói A1 thi công đoạn phía tây do liên danh Halla Corporation (Hàn Quốc) - Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và kỹ thuật Vinaconex. Gói thầu có tổng chiều dài khoảng 7,3km, dừng thi công khi khối lượng đạt 81,24%.
KTS Trần Ngọc Chính (chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam):
Hiện trạng ai cũng đau lòng
Cao tốc Bến Lức - Long Thành không chỉ là đoạn tuyến quan trọng trong tuyến Bắc - Nam mà còn đặc biệt quan trọng với liên kết vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và ngay cho TP.HCM.
Cao tốc này ở phía đông TP.HCM, kết nối vào nhiều tuyến đường khác như các tuyến cao tốc hiện hữu về miền Tây, quốc lộ 51, quốc lộ 50, các cao tốc sắp hình thành như Dầy Giây - Phan Thiết, Biên Hòa - Vũng Tàu. Từ đó tạo luồng vận tải vào cảng Cái Mép - Thị Vải, giải tỏa hàng hóa về cảng biển nước sâu, đưa khách đi sân bay Long Thành thuận lợi mà không cần qua TP.HCM.
Không chỉ rút ngắn khoảng cách giao thông trong vùng, tuyến rất quan trọng khi kết nối vào đường vành đai 3. Lâu nay chỉ có cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã giải quyết được nhiều vấn đề, giờ còn thêm tuyến này nữa thì còn gì thuận lợi hơn. Vậy mà, thật xót xa!
Chính phủ phải hết sức quan tâm trong việc bố trí vốn cho dự án này. Tuyến đường hoàn thành không chỉ mang lại lợi ích kép về liên kết vùng, phát triển kinh tế - xã hội. Bây giờ không được hứa nữa, các bộ, ngành cần nỗ lực làm hết trách nhiệm để khởi động lại dự án này.
Ngoài lãng phí kinh tế còn có lòng tin người dân đã chấp nhận rời bỏ nơi sinh sống lâu đời của họ để bàn giao mặt bằng thi công. Họ rất mong công trình sớm hoàn thành và được hưởng lợi. Vậy sao cứ để dự án "đắp chiếu"?
TS Đinh Thế Hiển (chuyên gia kinh tế):
Không đồng bộ là lãng phí
Công trình đình trệ nhiều năm, đến khi tái khởi động phải sửa chữa lại các hư hại từ đó kéo theo hàng loạt thiệt hại chưa thể đong đếm được. Mặt khác, hiện nay để kết nối Đông - Tây tại khu vực có tuyến cao tốc Long Thành - Dầu Giây nhưng đã chật chội, quốc lộ 1 cũng quá tải, đường Nguyễn Văn Linh cũng dẫn tới cao tốc Long Thành - Dầu Giây nên cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ chia lửa rất nhiều. Nếu đúng quy hoạch tiến độ thì giờ đã kết nối xuyên suốt rất nhiều do đó hoàn thành dự án này là rất bức thiết.
Cần lưu ý là mốc thời gian hoàn thành dự án này là 2025, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng vậy. Liệu lời hứa có được thực hiện hay không? Nếu cao tốc Bến Lức - Long Thành làm tốt thì 2024 cố gắng xong để nó kết nối vào tuyến Dầu Giây - Phan Thiết, sau đó thì kế tiếp các tuyến khác cũng xong và khớp vào.
Đ.PHÚ - L.PHAN ghi
Anh Phạm Duy Minh (tài xế chạy xe container):
Sao phải đi "một vòng Trái đất"?
Tôi thường chạy các tuyến miền Đông, miền Tây nên thấy tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành rất quan trọng. Cánh tài xế hay nói đùa cứ tới TP.HCM phải đánh "một vòng Trái đất" qua quốc lộ 1 mà tuyến đường vòng này giờ cũng quá tải rồi. Cao tốc hoàn thành xe đi xuyên suốt đỡ tốn thời gian, nhiên liệu và không phải qua TP.HCM gây kẹt xe, ô nhiễm môi trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận