Chị Nguyễn Yến Nhi (30 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) lấy chồng về Hạ Long (Quảng Ninh) từ cuối năm 2015. Chị kể mỗi lần về nhà ngoại, khi đến cầu Vĩnh Tuy đều gọi điện để thông báo dấu mốc đã gần về tới nhà.
"Với mình, cây cầu như một cột mốc đã tới nội thành Hà Nội. Phần cũng vì 2-3 năm gần đây qua cầu hay tắc đường, các cháu cũng gọi điện thông báo cho ông bà đỡ sốt ruột", chị kể.
Với chiều dài hơn 3,6km, cầu Vĩnh Tuy là một trong những mảnh ghép huyết mạch của tuyến vành đai 2.
Cùng với trục đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở thông xe vào cuối năm ngoái, việc hoàn thiện giai đoạn 2 của cây cầu được đánh giá góp phần hoàn chỉnh khung hạ tầng đôi bờ sông Hồng, kết nối nhiều trục cao tốc quan trọng phía đông và đông bắc với trung tâm thủ đô Hà Nội.
Cây cầu huyết mạch quá tải
Từ những năm 1994-1995, nhiều người vùng Kẻ Mơ (nay là khu vực Minh Khai - Đại La) nhớ như in khi phương án mở rộng trục phố Minh Khai - Đại La - Trường Chinh bắt đầu được chính quyền sở tại đưa vào các cuộc họp để thông tin đến người dân.
Hơn 10 năm sau, ngày 3-2-2005, cầu Vĩnh Tuy được khởi công xây dựng kết nối quận Hai Bà Trưng và Long Biên. Sau nhiều lần lùi tiến độ, cầu được khánh thành dịp 2-9-2009. Do khó khăn về nguồn vốn, dự án được xây hoàn chỉnh về nút giao, nhánh nối nhưng phần cầu chính chỉ được xây rộng bằng một nửa so với quy hoạch.
"Thời điểm đó, như vậy là đủ để người Hà Nội phấn khởi khi có lựa chọn khác ngoài cầu Chương Dương, Long Biên vốn đã quá cũ kỹ, nhỏ bé", anh Lê Anh Hưng (quận Hai Bà Trưng) nhớ lại.
Giao thông đi lại thuận lợi, từ đó dọc trục đường Minh Khai và phía bên kia sông Hồng, nhà cửa bắt đầu mọc lên dày đặc. Khi làn sóng bất động sản quét qua, hàng chục tòa chung cư được mọc lên trên nền những khu ruộng, nhà máy, xí nghiệp năm xưa. Đồng thời, cây cầu cũng đảm nhiệm vai trò kết nối ngắn nhất, thuận tiện nhất từ nội thành với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Hà Nội - Lạng Sơn…
Hệ quả là cây cầu huyết mạch trở thành nỗi ám ảnh về ùn tắc của không chỉ người dân Hà Nội và cả những người ngoại tỉnh khi về thành phố này.
Cầu Vĩnh Tuy thường xuyên quá tải - Ảnh: HỒNG QUANG
Để giải bài toán ùn tắc, đầu năm 2021 Hà Nội quyết định xây dựng hoàn chỉnh giai đoạn 2 của cầu Vĩnh Tuy. Buổi lễ khởi công được diễn ra cùng ngày với lễ khánh thành nút giao đường vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Hai dự án cách nhau chừng 3km, kết nối với nhau qua đường Cổ Linh và có luồng xe cộ liên thông lớn.
Quyết định sống tự lập vào cuối năm 2020, anh Nguyễn Đức Duy (sinh năm 1994) lựa chọn chuyển về một khu đô thị lớn ở huyện Gia Lâm, Hà Nội. Kể lại chuyện 3 năm trước, anh nhớ những lời khuyên can của người thân khi nói về quan niệm "ở bên kia sông", "qua cầu".
Ngay cả khi đã quyết tâm về nhà mới, người đàn ông 29 tuổi thừa nhận bị ám ảnh bởi những hôm kẹt xe qua cầu. "Nhưng chừng ấy thời gian cũng là lúc tôi được chứng kiến cây cầu thứ 2 thành hình. Đó như một niềm hy vọng", anh Duy nói.
Quyết định đầu tư kịp thời
Sau hơn 2 năm thi công, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 sẽ được khánh thành, thông xe vào sáng 30-8. So với giai đoạn 1, giai đoạn 2 của cây cầu thi công với quãng thời gian chỉ bằng một nửa.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện liên danh nhà thầu thi công gói thầu số 3 cho biết điểm thuận lợi khi thi công dự án này là mặt bằng đã được giải phóng hoàn toàn từ giai đoạn 1. Nút giao 2 đầu cầu cũng đã hoàn chỉnh và có các đầu chờ sẵn sàng kết nối. Điều này giúp tiến độ dự án được đẩy nhanh. Nếu để tới nay mới giải phóng mặt bằng, đơn giá có thể đội lên và tốn thêm thời gian.
Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình nhận định cùng với dự án đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở thông xe vào cuối năm ngoái, cầu Vĩnh Tuy 2 trở thành mảnh ghép tiếp theo hoàn chỉnh trục đường tỉ USD - vành đai 2.
Ông Bình giải thích thời điểm Hà Nội khởi công dự án, cầu Vĩnh Tuy chưa thực sự quá tải. Tuy nhiên cùng với sự dịch chuyển dân cư và hình thành các khu đô thị lớn phía đông, lưu lượng xe cộ 2-3 năm qua đã gia tăng nhanh chóng.
"Việc đầu tư và hoàn thành cầu Vĩnh Tuy 2 là đúng thời điểm. Cây cầu chắc chắn sẽ có tác động tích cực trong việc phát triển đô thị, dịch vụ và giao thương đi lại đôi bờ sông Hồng", ông Bình nói.
Băn khoăn nút giao quá tải
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, trước ngày thông xe cầu Vĩnh Tuy 2, chuyên gia Phan Lê Bình bày tỏ băn khoăn nguy cơ nút giao Cổ Linh quá tải.
Hiện khu vực này đã hình thành một cây cầu vượt trực thông hướng Cổ Linh. Tuy nhiên hướng lên, xuống cầu Vĩnh Tuy chưa hình thành các nhánh lưu thông khác mức. Khi cầu Vĩnh Tuy 2 hoàn thành, chuyên gia cho rằng lưu lượng dồn về nút giao sẽ rất cao bởi năng lực đáp ứng của cầu đã tăng lên. Đề ra giải pháp, ông Phan Lê Bình cho rằng có thể nghiên cứu xây dựng hầm chui theo hướng trực thông lên - xuống cầu Vĩnh Tuy.
Đồng quan điểm, TS Khương Kim Tạo - nguyên phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - cho rằng trong khi hầm chui chưa triển khai, đơn vị chức năng cần tập trung ưu tiên cho luồng xe đi thẳng hoặc rẽ phải tại nút giao. Đối với các xe rẽ trái qua gầm cầu vượt - vốn là luồng phương tiện cắt ngang, ông Tạo đề xuất cần hạn chế rồi phân tán ở các nút giao tiếp theo.
Về lâu dài, để trục đường vành đai 2 phát huy đúng năng lực, chuyên gia Phan Lê Bình đánh giá Hà Nội cần lên phương án sớm đầu tư xây dựng đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy.
"Việc đầu tư hàng tỉ USD vào các dự án thành phần trên tuyến vành đai 2 sẽ mất đi ý nghĩa nếu tài xế bị kẹt lại hàng chục phút chỉ vì một nút giao ở giữa tuyến quá tải", ông Bình nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận