25/10/2018 09:40 GMT+7

Thông tin người dùng - món hàng siêu lợi nhuận

ĐỨC THIỆN
ĐỨC THIỆN

TTO - Thông tin cá nhân của người dùng tưởng chừng chỉ đơn giản là những dòng chữ, con số mà mọi người thường “cho không, biếu không” với nhau lại có thể được buôn bán với lợi nhuận không tưởng.

Thông tin người dùng - món hàng siêu lợi nhuận - Ảnh 1.

Thông tin người dùng được rao bán tràn lan trên mạng. - Ảnh: ĐỨC THIỆN

Chỉ cần có được thông tin liên hệ đơn giản (họ và tên, số điện thoại, địa chỉ nhà) của một số danh sách người dân trong cùng một chủ đề nào đó là những kẻ buôn bán đã có thể kiếm được "tiền tươi, thóc thật". Càng ở cấp độ cao hơn, lợi nhuận càng khủng khiếp hơn.


Mua bán như rau!


Chỉ cần vào Google gõ tìm kiếm "danh sách khách hàng", người dùng sẽ lập tức nhận được hàng trăm nghìn kết quả liên quan hiện ra trước mắt. Trong đó, có rất nhiều website rao bán lẫn chia sẻ miễn phí các danh sách khách hàng tiềm năng được thu thập từ mạng xã hội Facebook. 


Tiết lộ với Tuổi Trẻ Online, một chuyên gia marketing cho biết: "Trong vài năm trở lại đây, khi các giao dịch, mua bán, hoạt động của người dùng Việt Nam tập trung rất nhiều trên mạng xã hội Facebook, người ta đã tìm ra nhiều cách để khai thác các thông tin người dùng cung cấp trên Facebook, từ đó tạo ra danh sách các tập khách hàng tiềm năng cho mọi nhu cầu tiếp thị".


Dạo một vòng trên mạng, chúng tôi dễ dàng tìm thấy những chia sẻ miễn phí và có cả rao bán những danh sách khách hàng được thu thập từ Facebook như: nhân viên văn phòng tại TP.HCM, nhân viên văn phòng tại Hà Nội, giám đốc nam tại TP.HCM, sinh viên nữ tại TP.HCM, nữ có nhu cầu về bất động sản tại TP.HCM, khách hàng có quan tâm về điện máy, người dùng quan tâm đến iphone…


Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, các danh sách trên có được là nhờ các phần mềm có thể quét số định danh của người dùng trên Facebook (User ID) và cho ra kết quả là họ tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại, địa chỉ, email, vị trí… của người dùng. Từ đó, người ta có thể tạo ra các loại danh sách khách hàng theo độ tuổi, giới tính, khu vực… thậm chí cả sở thích, nghề nghiệp…


Cuối năm 2011, báo Tuổi Trẻ có bài viết điều tra về hoạt động buôn bán thông tin cá nhân diễn ra công khai và tràn lan qua mạng internet. Kho danh sách thông tin cá nhân được rao bán khá đồ sộ với 30.000 thuê bao di động trả sau của MobiFone tại TP.HCM, 1.200 chủ tịch hội đồng quản trị, 850 thành viên câu lạc bộ doanh nhân 2030, 650 thành viên câu lạc bộ doanh nhân Sài Gòn, 780 khách hàng đầu tư chứng khoán tại Công ty Viễn Đông, 700 khách hàng sàn vàng VGB, 2.230 khách hàng đã mua bất động sản tại Phú Mỹ Hưng, 800 khách hàng đã mua bất động sản Him Lam, 1.200 khách của dự án Sài Gòn Pearl, 1.300 khách hàng đã sở hữu các xe Mercedes, 750 khách hàng sở hữu xe BMW, 1.300 hội viên của Bệnh viện quốc tế cao cấp FV... tại TP.HCM.


Mỗi loại danh sách đều có giới thiệu riêng về mục đích sử dụng, các thông tin chi tiết được phân loại trong danh sách, thời điểm cập nhật danh sách, giá bán gốc và giá khuyến mãi, thậm chí còn có ảnh chụp danh sách cho người mua xem trước. 


Vụ việc sau đó đã được cơ quan công an tiến hành điều tra và phát hiện các đối tượng đã lợi dụng thông tin cá nhân của hàng trăm nghìn người để thu lợi bất chính hơn 250 triệu đồng chỉ trong một thời gian ngắn.


Kiếm tỉ USD từ thông tin người dùng


Trên thế giới, Dark Web (hay thường gọi là web ngầm) là thị trường khổng lồ của dữ liệu bị đánh cắp và thông tin người dùng. Sau những vụ trộm hay truy cập dữ liệu trái phép, thông tin bị rò rỉ trở thành món hàng và được mua bán nhộn nhịp trên những trang này. 


Theo thống kê từ Công ty phân tích dữ liệu có tên Experian, rất nhiều loại thông tin với giá bán dao động từ 1 đến 2000 USD. Giá trị của thông tin rao bán phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời gian, độ tin cậy của cơ sở dữ liệu...


Chẳng hạn những thông tin về số an sinh xã hội (công dân Mỹ) thường có giá 1 USD, thẻ tín dụng hoặc ghi nợ khoảng 5 - 110 USD, hộ chiếu (Mỹ) có giá lên đến 1000 - 2000 USD. Còn với các dữ liệu là tài khoản từ các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, Uber, Twitter thường có giá trong khoản 1 - 7 USD. Giá trị cao nhất thuộc về Paypal khi thông tin tài khoản được tin tặc bán với 247 USD...


Ngoài việc kiếm lời từ hoạt động buôn bán trực tiếp thông tin người dùng, những công ty khai thác các thông tin người dùng còn thu lợi nhiều hơn. Theo ông Robert Trọng Trần, Giám đốc dịch vụ an ninh mạng và bảo mật PwC Việt Nam, ngành quảng cáo kỹ thuật số ở Mỹ kiếm được trung bình 240 USD từ dữ liệu cá nhân của mỗi người dùng trong năm 2016, theo tính toán của sàn giao dịch dữ liệu Wibson. Đó mới chỉ là một người dùng, nếu tính tổng một triệu người dùng thì con số kiếm được từ quảng cáo sẽ là 240 triệu USD, 10 triệu người dùng thì con số có được lên đến 2,4 tỉ USD.


"Mặc dù việc đánh giá chính xác giá trị của dữ liệu người dùng cá nhân là rất khó, nhưng những thông tin của người dùng hiện đang được xem là một trong những dữ liệu quan trọng nhất hiện nay. Ví dụ như tuổi, giới tính, vị trí địa lý, lịch sử mua hàng và hành vi duyệt web của một người sẽ trở thành một yếu tố quan trọng cho ngành quảng cáo, tạo ra hàng chục tỉ USD hàng năm", ông Robert Trọng Trần nhận định.

ĐỨC THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên