
Phiên họp lần thứ nhất của Ban chỉ đạo - Ảnh: VGP
Kết luận tại phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ phòng, chống lãng phí ngày 25-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính, trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu cần tập trung xử lý các dự án tồn đọng, nhằm giải phóng nguồn lực cho phát triển.
Nhiều dự án, vướng mắc về lãng phí đang được tháo gỡ
Theo Thủ tướng, công tác chống lãng phí thời gian vừa qua đã đạt được những kết quả bước đầu, đáng khích lệ. Hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật chung đang tiếp tục được tập trung hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước.
Cùng với đó, kịp thời tháo gỡ nhiều vướng mắc, đưa bổ sung các nguồn lực vào nền kinh tế, nổi bật là việc xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo, nếu đưa vào khai thác, sử dụng thì sẽ giải phóng được một nguồn lực lên tới hàng chục tỉ USD.
Về tháo gỡ các vướng mắc về đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố, vừa qua Chính phủ đã báo cáo Quốc hội ban hành nghị quyết số 170. Từ đó tạo cơ sở pháp lý để giải quyết các dự án tồn đọng, vướng mắc. Riêng Đà Nẵng đã có 1.300 dự án sẽ được tháo gỡ.
Đồng thời, giải quyết tồn tại kéo dài đối với dự án Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 và dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2. Hoàn thành chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng thương mại yếu kém. Xử lý toàn bộ 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả của ngành công thương trước đây.
Thúc đẩy các dự án kéo dài như chuỗi dự án điện khí Lô B - Ô Môn kéo dài 20 năm, cùng một loạt dự án năng lượng, đặc biệt là hoàn thành đường dây 500kV mạch 3 trong vòng 6 tháng…
Thời gian tới với yêu cầu phát triển rất lớn, tăng trưởng rất cao, trong khi tình trạng lãng phí nguồn lực còn nhiều, phức tạp, kéo dài nhiều năm. Vì vậy, ông yêu cầu các thành viên cần thống nhất về nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng, chống lãng phí.
Địa phương rút kinh nghiệm, xử nghiêm khi chậm báo cáo
Trong đó, bộ, ngành, địa phương phải quán triệt rất rõ nội dung này để đưa vào các cam kết, kế hoạch, chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, đảm bảo 5 rõ (rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm, rõ kết quả).
Tất cả các ngành, các cấp, các địa phương, các chủ thể liên quan phải tiếp tục rà soát, khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống lãng phí, chỉ rõ vướng mắc, ách tắc ở đâu, thẩm quyền của ai thì người đó phải giải quyết.
Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí để trình Quốc hội. Đề xuất sửa đổi các luật, quy định về ngân sách, đầu tư công, đấu thầu, hợp tác công tư, quy hoạch…
Xây dựng văn hóa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành "tự giác", "tự nguyện" ở mọi lúc, mọi nơi, "cơm ăn, nước uống hằng ngày". Rà soát các dự án lãng phí, kéo dài và đề xuất cơ chế, chính sách xử lý phù hợp, kịp thời, hiệu quả để giải quyết dứt điểm.
Theo người đứng đầu Chính phủ, việc chậm trễ trong báo cáo của nhiều bộ, ngành, địa phương không chỉ thể hiện sự thiếu trách nhiệm, mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ xử lý các dự án tồn đọng, kéo dài, làm gia tăng tình trạng lãng phí nguồn lực.
Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm và chấn chỉnh ngay việc thực hiện các chỉ đạo. Trường hợp không thực hiện nghiêm túc, không báo cáo đúng hạn sẽ bị xem xét trách nhiệm, xử lý nghiêm theo quy định.
Rà soát, sửa đổi, cắt giảm các thủ tục hành chính mà gây ách tắc, lãng phí nguồn lực; tăng cường phân cấp, phân quyền nhất là trong quản lý các dự án đầu tư công. Thực hiện quản trị thông minh và chuyển đổi số ở tất cả các cấp, các ngành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận