Học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa trong ngày khai giảng năm học mới - Ảnh: T.T.D. |
Phóng viên Tuổi Trẻ đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, về những vấn đề trên.
Khảo sát để đánh giá năng lực tư duy của học sinh
Sau thông tin Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa sẽ tuyển sinh lớp 6 thông qua hình thức khảo sát năng lực bằng tiếng Anh trong thời gian 90 phút, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết:
- Từ khi thành lập, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đã được xác định là trường dạy tăng cường tiếng Anh cho học sinh bậc THCS, THPT. Quan điểm của Sở GD-ĐT TP: Trường Trần Đại Nghĩa sẽ là nơi đào tạo học sinh có năng lực tư duy nhạy bén, khả năng tiếng Anh tốt.
Vì vậy, sở đã đề xuất tuyển sinh lớp 6 dưới hình thức khảo sát năng lực bằng tiếng Anh và được UBND TP phê duyệt.
* Thưa ông, ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng: khảo sát cũng là một hình thức thi tuyển?
- Không, khác nhau hoàn toàn chứ. Một kỳ thi nhằm kiểm tra những kiến thức, kỹ năng mà học sinh đã đạt được trong một giai đoạn nhất định. Đề thi là những câu hỏi thuộc phạm vi kiến thức mà học sinh đã được học. Còn khảo sát không nhằm mục đích ấy.
Kỳ khảo sát để tuyển sinh vào lớp 6 Trường Trần Đại Nghĩa nhằm đánh giá năng lực của học sinh như thế nào từ khối kiến thức các em đã có trong quá trình học tập ở bậc tiểu học. Nội dung đề khảo sát thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, chứ không nằm trong khuôn khổ một môn học nào, nên học sinh không thể luyện thi như trước đây.
Đặc biệt, những nội dung này sẽ được thể hiện bằng tiếng Anh trong đề khảo sát nhằm phát hiện học sinh không chỉ đọc - hiểu tiếng Anh tốt mà còn có tư duy logic, khả năng phán đoán, suy luận, sự nhạy bén...
Khảo sát là để đánh giá năng lực, nhưng để lượng giá bắt buộc chúng tôi phải dùng điểm để làm căn cứ xét tuyển vào lớp 6.
* Cụ thể đề khảo sát sẽ có cấu trúc như thế nào, thưa ông?
- Bài khảo sát bao gồm hai phần: Phần 1 có 30 câu hỏi trắc nghiệm khách quan bốn lựa chọn nhằm khảo sát năng lực đọc - hiểu tiếng Anh, năng lực tư duy, khả năng phán đoán, năng lực vận dụng kiến thức cơ bản vào thực tiễn cuộc sống.
Phần 2 là bài viết bằng tiếng Anh với khoảng 10 câu hỏi nhằm khảo sát năng lực đọc - hiểu, nghe - viết tiếng Anh, năng lực tư duy, phán đoán, suy luận và các chỉ số thông minh. Các câu hỏi trong phần này có thể là hình vẽ, là bài toán... Tóm lại, mỗi câu là một vấn đề mà học sinh cần giải quyết và viết ra bằng tiếng Anh.
Đề khảo sát có phần nghe nhưng đảm bảo số lượng từ chỉ dừng ở bậc A1 (trong khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam).
* Ông có thể cho một vài ví dụ câu hỏi?
- Sở GD-ĐT TP sẽ có hướng dẫn cụ thể về định hướng nội dung khảo sát trong thời gian tới. Có thể tóm gọn là đề khảo sát sẽ có những câu dùng để đánh giá chỉ số thông minh của học sinh, có những câu hỏi thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, có những câu hỏi thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên...
Ví dụ: - Ngày 15-2-2017 là ngày thứ tư. Vậy ngày 15-3-2017 là thứ mấy: thí sinh sẽ chọn một trong bốn phương án: thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu.
- Trong bảng thi đấu bóng đá có bốn đội. Các đội sẽ thi đấu theo thể thức đá vòng tròn một lượt (mỗi đội đá với đội kia một lần). Hỏi số trận đấu trong bảng là bao nhiêu?
- Một người gửi tiết kiệm 1 triệu đồng. Một năm sau người đó lãnh được 1,1 triệu đồng cả gốc và lãi. Hỏi ba năm sau người đó lãnh được bao nhiêu tiền cả gốc và lãi?
Tuyển sinh vào lớp 10: đổi mới đề thi môn văn
* Ông có thể nhận xét khái quát về đề thi lớp 10 năm nay?
- Nội dung đề ba môn thi tuyển sinh vào lớp 10 (toán, văn, ngoại ngữ) nằm trong phạm vi chương trình THCS do Bộ GD-ĐT ban hành, chủ yếu ở lớp 9. Năm nay sở sẽ đổi mới cách ra đề ba môn thi tuyển sinh vào lớp 10 theo hướng tăng cường khả năng vận dụng của thí sinh. Trong đó, việc đổi mới mạnh mẽ nhất là môn văn.
Bắt nguồn từ yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy, Sở GD-ĐT TP nhận thấy nếu không đổi mới phương pháp thi cử thì giáo viên sẽ dạy theo kiểu cũ.
Năm nay, cũng với chủ trương này nhưng đề thi văn sẽ thực hiện quyết liệt hơn. Yêu cầu về nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp từ 20-30%, và yêu cầu vận dụng cao từ 70-80% trên tổng số điểm của bài thi.
* Thưa ông, yêu cầu vận dụng cao chiếm đến 80% có quá sức đối với học sinh vốn đã quen với cách học thuộc lòng, học vẹt?
- Thật ra không phải đến năm nay TP.HCM mới đổi mới cách ra đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn văn, mà đã đổi mới từ nhiều năm nay theo dạng đề “mở”.
Từng bước một, đề văn đã đưa ra những vấn đề thời sự của đất nước, của xã hội và cho thí sinh thể hiện chính kiến của mình. Học sinh và giáo viên THCS đã quen dần với dạng đề theo kiểu mới.
Hiện tại, các trường THCS đã không còn khái niệm dạy theo chương, theo bài. Đề thi “mở” thì đáp án cũng “mở”: tức là nếu thí sinh làm theo hướng khác nhưng nếu có lập luận chặt chẽ, thuyết phục vẫn được điểm.
* Những năm trước, phần đọc - hiểu chỉ chiếm 2 điểm trong đề thi. Năm nay nội dung này chiếm đến 3 điểm?
- Đọc - hiểu thuộc nhóm năng lực công cụ, rất quan trọng đối với con người. Việc tăng số điểm cho đọc - hiểu để học sinh chú trọng hơn đến kỹ năng này. Phải có kỹ năng đọc văn bản và hiểu đúng vấn đề thì học sinh mới có thể học tốt cấp THPT.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận