Chiều 19-10, tại buổi họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, phóng viên đã đặt câu hỏi liên quan việc khi thảo luận dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi tại kỳ họp thứ 5 đã có nhiều ý kiến khác nhau về tên của dự luật này.
Thêm đó, phát biểu bế mạc phiên họp vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề nghị của cơ quan trình và căn cứ vào kết quả của Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng thư ký Quốc hội tên dự án luật có trong chương trình để bảo đảm phù hợp.
Từ đó, phóng viên đề nghị cho biết như vậy có đổi tên dự án luật này thành Luật Căn cước như đề xuất của Chính phủ không?
Trả lời câu hỏi này, đại biểu Trịnh Xuân An, ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, cho biết Luật Căn cước công sửa đổi đã đưa vào chương trình nhưng Chính phủ đề xuất đổi tên thành Luật Căn cước.
"Đây là vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau và trong quá trình tiếp thu ý kiến, chúng tôi đã rất cẩn thận, chặt chẽ xin ý kiến, đặc biệt xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách".
Đến thời điểm này đa phần các ý kiến đồng tình với quan điểm của Chính phủ lấy tên là Luật Căn cước. Dự thảo luật, Ủy ban Quốc phòng - An ninh đang chỉnh sửa và trình Quốc hội cũng là Luật Căn cước.
"Tuy nhiên đây là dự thảo đang tiếp thu, chuẩn bị đưa ra báo cáo Quốc hội quyết định tại kỳ họp này. Nhưng chúng tôi đề xuất là Luật Căn cước", ông An nói.
Liên quan một số ý kiến cho rằng sửa Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước hoặc thay các tên thẻ căn cước có gây ra tốn kém chi phí không, ông An nói trong dự án luật đã thiết kế, tính cách để không tác động đến xã hội, tránh phát sinh chi phí, thủ tục không cần thiết.
Cụ thể, sẽ quy định thẻ căn cước công dân được cấp trước ngày có hiệu lực có thời hạn sử dụng đến ngày ghi trong thẻ và được cấp đổi sang thẻ căn cước khi người dân có nhu cầu.
Tại kỳ họp này, theo Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật như Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)... và xem xét thông qua 1 dự thảo nghị quyết.
Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 8 dự án luật như Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản...
Quốc hội cũng xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội, báo cáo công tác tư pháp và chất vấn, trả lời chất vấn, tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận