Thông tin Israel tấn công Iran rò rỉ: Góc khuất của ngành đối ngoại Mỹ

DU LONG 24/11/2024 09:36 GMT+7

TTCT - Làm thế nào mà một nhân viên CIA lại bị FBI bắt tại Campuchia rồi bị buộc tội chuyển giao bất hợp pháp hai tài liệu mật cực kỳ nhạy cảm cho thế lực nước ngoài? Vụ việc cho thấy một góc khuất trong chính quyền Biden như thế nào?

Thông tin Israel tấn công Iran rò rỉ: Góc khuất của ngành đối ngoại Mỹ - Ảnh 1.

Trong chính quyền Mỹ vẫn có một bộ phận đáng kể có quan điểm phản đối cuộc chiến của Israel ở Trung Đông. Ảnh: Reuters

Hôm thứ năm 14-11, Bộ pháp Hoa Kỳ ra thông cáo cho biết theo cáo trạng được đệ trình tại tòa án Đông Virginia hôm 7-11, nhân viên chính phủ Hoa Kỳ Asif William Rahman, 34 tuổi, đã lưu giữ trái phép hai tài liệu tối mật, chứa đựng thông tin liên quan đến quốc phòng, và chuyển tài liệu cho một người không có quyền nhận chúng.

Làm gián điệp: Đại kỵ

FBI điều tra vụ này với sự hỗ trợ đắc lực của Cục An ninh ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết thêm. Kết quả ban đầu là Rahman bị bắt tại Campuchia. 

Nhật báo Campuchia Khmer Times 14-11 cho biết đây là nhân viên tình báo Hoa Kỳ làm việc cho Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) từng được quyền truy cập tuyệt đối thông tin mật/thông tin nhạy cảm. 

Người này bị các nhân viên FBI bắt giữ tại một địa điểm không xác định ở Campuchia hôm thứ ba 12-11 và bị buộc tội làm gián điệp, do đã tiết lộ thông tin liên quan đến kế hoạch trả đũa của quân đội Israel với Iran sau cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo ngày 1-10, trong đó Tehran đã bắn gần 200 quả đạn vào Israel.

Cũng theo Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, sau khi bị bắt, Rahman đã được di lý qua Guam và ra hầu tòa ngay hai ngày sau, hôm 14-11, tại tòa án liên bang ở Guam. Tòa này ra lệnh tiếp tục giam giữ và trục xuất Rahman khỏi Guam, đưa về bang Virginia tiếp tục xét xử. 

Được biết, cơ quan công tố khu vực Đông Virginia và cơ quan phản gián thuộc Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đồng đứng tên truy tố Rahman. 

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, khi ra thông cáo, thận trọng chú thích cáo trạng mới là cáo buộc và tất cả các bị cáo đều được coi là vô tội đến khi được chứng minh tại tòa án là có tội vượt ra khỏi mọi nghi ngờ hợp lý.

Khmer Times cho biết thêm Rahman bị bắt cùng ngày với việc Jack Teixeira, binh nhất không quân Mỹ thuộc đơn vị tình báo phi đoàn 102, lực lượng vệ binh quốc gia, bị tuyên án 15 năm tù vì đã "chia sẻ" trên mạng xã hội Discord tài liệu mật, thông tin chi tiết về hoạt động di chuyển quân đội Nga và Ukraine, và nỗ lực cung cấp thiết bị cho Ukraine, kể cả cách thức vận chuyển và sử dụng.

Teixeira, 22 tuổi, bị FBI bắt vào tháng 4-2023 sau một cuộc điều tra về việc xóa và tiết lộ hàng trăm tài liệu mật của Lầu Năm Góc và bị buộc 6 tội danh cố ý lưu giữ và lan truyền thông tin quốc phòng vi phạm đạo luật gián điệp năm 1917. Phụ tá chưởng lý Hoa Kỳ Jared Dolan tuyên bố hành vi phạm tội của Teixeira là "chưa từng có về phạm vi, quy mô và chất lượng thông tin".

Có thể thấy sự trùng hợp về mặt thời gian những tin tức về hai vụ án gián điệp, bắt Rahman ngay ngày Teixeira ra tòa, làm đậm thêm câu chuyện làm gián điệp cho nước ngoài trong nội bộ các cơ quan Hoa Kỳ.

Thông tin Israel tấn công Iran rò rỉ: Góc khuất của ngành đối ngoại Mỹ - Ảnh 2.

Asif William Rahman. Ảnh: Arrahmah

Rò rỉ thông tin từ đời nào!

Thiệt ra, tin tức đầu tiên về vụ rò rỉ thông tin của Rahman đã được loan báo từ hôm 19-10. CNN hôm đó loan tin "Hoa Kỳ đang điều tra vụ rò rỉ thông tin tình báo tuyệt mật về kế hoạch trả đũa Iran của Israel". Vụ rò rỉ này "rất đáng lo ngại", một quan chức Hoa Kỳ nói với CNN.

Tới đây, cần nhớ lại nội vụ. Hôm 1-10, Iran bất ngờ tấn công Israel bằng 200 tên lửa đạn đạo. Israel không trả đũa ngay mà đợi đến thứ bảy 26-10 mới tung hàng trăm máy bay, bao gồm máy bay tàng hình thế hệ thứ năm F-35 và máy bay chiến đấu F-16 và F-15, tấn công khoảng 20 mục tiêu bên trong lãnh thổ Iran. Trong quãng thời gian 25 ngày Irael "đắn đo", rõ ràng rò rỉ về kế hoạch trả đũa gây bất lợi lớn cho mục tiêu của họ.

Thông tin rò rỉ này, đề ngày 15 và 16-10, bao gồm mô tả hoạt động chuẩn bị của Israel trước khi tấn công Iran. Một trong những tài liệu, được cho là do Cơ quan Tình báo địa - không gian quốc gia (NGA) biên soạn, cho biết kế hoạch liên quan đến việc Israel di chuyển đạn dược, khí tài quanh khu vực đang giao chiến. 

NGA, thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, là cơ quan chuyên cung cấp thông tin tình báo trên toàn thế giới thu thập từ mạng lưới vệ tinh quốc phòng nhằm giúp quân đội Mỹ sẵn sàng chiến đấu và đảm bảo an toàn cho hoạt động trên không, trên bộ và trên/dưới biển.

Một tài liệu khác có nguồn từ NSA phác thảo các cuộc tập trận của không quân Israel liên quan đến tên lửa không đối đất, cũng được cho là để chuẩn bị cho cuộc tấn công vào Iran. 

Tài liệu rò rỉ đã bắt đầu lưu hành trực tuyến từ hôm thứ sáu 18-10 sau khi được tài khoản "Middle East Spectator" đăng trên Telegram. Chúng được đánh dấu tuyệt mật và chỉ được lưu hành trong giới hữu trách thuộc nhóm "Ngũ nhãn" gồm Hoa Kỳ và các đồng minh cật ruột Úc, Canada, New Zealand và Anh.

Thông tin rò rỉ càng khiến Israel đắn đo hơn nữa việc trả đũa do kế hoạch coi như đã bị lộ. Vụ việc cũng khiến quan hệ giữa Israel và Hoa Kỳ thêm "bức xúc". 

CNN bình luận: "Vụ rò rỉ xảy ra vào thời điểm cực kỳ nhạy cảm trong quan hệ Mỹ - Israel và chắc chắn sẽ khiến người Israel tức giận, họ đã chuẩn bị tấn công Iran để đáp trả loạt tên lửa của Iran hôm 1-10. Một tài liệu rò rỉ còn hô toáng lên điều mà Israel luôn chối: quốc gia này có vũ khí hạt nhân, khi viết rõ: "Hoa Kỳ chưa thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Israel có kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Iran""!

Thông tin Israel tấn công Iran rò rỉ: Góc khuất của ngành đối ngoại Mỹ - Ảnh 3.

Người Mỹ ủng hộ Palestine biểu tình bên ngoài Nhà Trắng, ngày 28-5-2024. Ảnh: Reuters

Những người phản đối Israel lặng lẽ?

Tạp chí chính trị National Review của Mỹ hôm 22-10 đặt vấn đề: Nguồn tin rò rỉ thông tin tình báo của Hoa Kỳ về kế hoạch tấn công Iran của Israel vẫn chưa được biết. Thường thì trong trường hợp này, các chính phủ sẽ giả lơ, tránh khuấy động thêm tình hình. Song, "chính quyền Biden đã bỏ qua quy tắc khá đơn giản này".

Theo tạp chí này, thí dụ rõ ràng nhất về cách xử lý đáng ngờ hồ sơ Iran của chính quyền Biden là việc đặc phái viên Iran của tổng thống Robert Malley tiếp tục được Bộ Ngoại giao tuyển dụng trong bối cảnh ông này vẫn còn bị điều tra về cách xử lý tài liệu mật và khả năng ông đã chia sẻ thông tin với Iran. 

Mặc dù ông Malley sau đó đã bị đình chỉ công tác, chính quyền Biden vẫn giữ lại ông trên danh nghĩa trong vai trò này, nhằm tránh hậu quả chính trị nếu sa thải ông, và thế là "Vụ tai tiếng Iran của ông Biden ngày càng tệ hơn", National Review giựt tít.

Đài NBC thì cho biết giới chức Hoa Kỳ chia rẽ về mức độ nghiêm trọng của vụ rò rỉ. Một số người hạ thấp tác động vì các tài liệu không tiết lộ năng lực tác chiến mới của Hoa Kỳ. 

Tuy nhiên, những người khác lại lo ngại việc tiết lộ các kế hoạch quân sự nhạy cảm của Israel, đặc biệt là vào thời điểm căng thẳng gia tăng ở Trung Đông. 

Cũng theo NBC, "dù nguồn rò rỉ chính xác vẫn chưa được biết, dấu hiệu ban đầu cho thấy tài liệu có thể đã bị một nhân viên chính phủ cấp thấp của Hoa Kỳ lấy cắp. Một cuộc điều tra chung của Lầu Năm Góc, các cơ quan tình báo và FBI đang được tiến hành để xác định thông tin bị rò rỉ như thế nào và liệu có thể có thêm nhiều tài liệu nữa hay không".

Cũng theo National Review, đúng là các vụ rò rỉ tài liệu diễn ra từ NSA và NGA, song cũng có thể là từ bất kỳ cơ quan nào khác. 

Vấn đề ở chỗ, theo một cựu quan chức giấu tên được National Review trích lại, các tài liệu tối mật dường như đã được cung cấp cho "hàng ngàn" quan chức Hoa Kỳ thông qua một hệ thống phân loại.

Nhưng cũng theo National Review, "cũng đúng là kể từ ngày 7-10, những người "theo chủ nghĩa Hamas" (tức nghiêng về giải pháp với Hamas) trong Bộ Ngoại giao Mỹ đã nỗ lực để rò rỉ thông tin có thể giúp ích cho mục đích của họ và gây tổn hại đến nỗ lực chiến tranh của Israel".

National Review cho rằng đã đến lúc phải "thanh lý môn hộ" cả những người được chính quyền Biden bổ nhiệm có mối quan hệ đáng ngờ với chế độ Iran, không nhất thiết phải là người liên quan cụ thể đến vụ rò rỉ này. 

Tạp chí dẫn chứng trường hợp Ariane Tabatabai, học giả chuyển sang làm quan chức Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc. Bà này có tham gia Sáng kiến Chuyên gia Iran (IEI) - chương trình Bộ Ngoại giao Tehran mở từ năm 2013 dưới thời tổng thống Hassan Rouhani, vốn được cho là "ôn hòa", để vun đắp quan hệ với các học giả nước ngoài có thể mang lại lợi ích cho Iran.

National Review dẫn báo cáo từ Semafor nói bà Tabatabai đã chọn bỏ qua một hội nghị ở Israel sau khi một quan chức Iran nói bà không được đến. 

Bà cũng đã tham khảo ý kiến của chính quan chức Iran này về cách trả lời trong các phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ. Vậy mà, cũng theo National Review, công việc của bà này hiện là chánh văn phòng Lầu Năm Góc giám sát các hoạt động đặc biệt! ■

5 giả thuyết về vụ rò rỉ

Trang Responsible Statecraft 20-11 đăng bài nêu ra năm giả thuyết về vụ rò rỉ thông tin.

(1) Iran tấn công các cơ quan tình báo Hoa Kỳ và làm rò rỉ tài liệu trong chiến dịch tâm lý chiến chống Israel.

(2) Một nhân viên trong Chính phủ Hoa Kỳ đã rò rỉ tài liệu.

(3) Chính quyền Biden đã tự dàn dựng vụ rò rỉ để trì hoãn cuộc tấn công của Israel.

(4) Israel tự tiết lộ thông tin với mục đích đánh lạc hướng sự chú ý của Iran.

(5) Một tác nhân bên ngoài. Câu hỏi đặt ra là liệu một đồng minh thân cận của Hoa Kỳ - một quốc gia trong nhóm Ngũ Nhãn, hay một đồng minh NATO có quyền truy cập vào thông tin tình báo - có tiết lộ thông tin này hay không vì thất vọng trước việc ông Biden từ chối ngăn ông Netanyahu bắt đầu cuộc chiến tranh lớn nhất ở Trung Đông kể từ Thế chiến II hay không.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận