Nội dung thư chuyển phát nhanh thông báo trúng thưởng gửi đúng tên và địa chỉ nhà - Ảnh : Đ.L.
Mấy tháng qua, gia đình tôi nhận được khá nhiều cuộc gọi, email thông báo trúng thưởng, nhận cả thông tin nhận hỗ trợ COVID-19 giả mạo..., như thể ngoài kia rất nhiều người đang nắm trong tay thông tin cá nhân từng thành viên gia đình.
Tôi nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là nhân viên lớp học tiếng Anh tài năng cho bé 3 tuổi, họ thông báo con gái tôi sẽ nhận được voucher lớp học miễn phí.
Khi tôi còn chưa hiểu sao họ biết rõ tuổi và giới tính con tôi thì vợ tôi nhận được email từ nơi tự xưng là ví điện tử M. thông báo tặng "quý khách hàng số tiền 1.999.000 đồng". Ngay từ đầu email thông báo, đơn vị này ghi rất rõ thông tin cá nhân từ họ tên, email, số điện thoại, địa chỉ nhà riêng.
Chúng tôi mới chuyển nhà và thông tin địa chỉ nhà, thông tin cá nhân mới vừa được cập nhật (ở một số nơi cần phải cập nhật) đã nhanh chóng bị lộ. Phải chăng các sàn thương mại điện tử đang có lỗ hổng trong việc bảo mật thông tin cá nhân của khách hàng?
Gần đây, gia đình tôi một phen ngỡ ngàng khi bỗng dưng nhận được thư mời nhận thưởng gửi qua đường bưu điện. Cậu tôi vừa nhận được bưu phẩm gửi qua đường bưu điện từ TP.HCM.
Trong bưu phẩm gửi chuyển phát nhanh bao gồm: giấy "chứng nhận người thắng giải thưởng chính", "thẻ cào trúng thưởng ôtô", "mã chiến thắng đã xác nhận". Điều kiện nhận ôtô Toyota rất đơn giản: chỉ cần chuyển khoản 1 triệu đồng trong vòng 48 giờ.
Tất nhiên, nhìn vào những thông tin đó ai cũng biết là lừa đảo. Nhưng thông báo được gửi qua đường bưu điện đến tận nhà chứng tỏ các tổ chức, cá nhân lừa đảo nắm rất rõ thông tin cá nhân của người dân.
Thư mời ghi rất rõ số điện thoại, email, số CMND và được gửi đến đúng địa chỉ mới nhất. Thông tin có thể lộ từ các nguồn như: ngân hàng (nơi cậu gửi tiết kiệm), đại lý bán xe (nơi cậu từng mua) và một số nơi khác luôn yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân.
Dù rất cảnh giác và chưa bị mất tài sản nhưng tôi và người thân đều rất bất an về những chuyện này. Biết bao người đang bị lộ thông tin cá nhân như thế và chưa thể biết được những người có gian ý sẽ dùng thông tin vào việc gì!
Tôi mong rằng các tổ chức khi yêu cầu thông tin cá nhân từ khách hàng thì cần phải có chính sách bảo mật tốt hơn. Và phải chăng trong tương lai nên có luật quy định các tổ chức được giữ thông tin khách hàng (trong thời gian nhất định)?
Bởi hiện tại, người dân như tôi dường như không có quyền quyết định về dữ liệu cá nhân của mình và một ngày nào đó trở thành nạn nhân của các hình thức lừa đảo mới.
Bí mật tài khoản bị "bật mí"?
Một ngày, đồng nghiệp của tôi nhận được cuộc gọi từ nhân viên ngân hàng, nơi có tài khoản chị vẫn nhận lương hằng tháng. Cô nhân viên thông báo các kiểu ưu đãi đặc biệt chị sẽ nhận được trong 3 tháng tới: được vay vốn ưu tiên lãi suất thấp, lãi suất tiền gửi tiết kiệm các kỳ hạn sẽ cao hơn bình thường... và được mua trái phiếu.
Vì sao được ưu đãi nhiều vậy? Chị hỏi và được cô nhân viên trả lời mức ưu đãi này chỉ dành cho khách có giao dịch bình quân hơn 1 tỉ đồng/tháng, rằng do gần đây tài khoản của chị có nhiều giao dịch giá trị lớn, thấy chị có khoản tiền nhàn rỗi, gửi tiết kiệm sắp đến hạn...
Nghe đủ thứ quyền lợi thật hấp dẫn nhưng khi nghe đến đoạn tài khoản của mình có bao nhiêu tiền ra vô "người lạ" cũng biết rõ đến vậy, chị không vui nổi nữa! Cô nhân viên giải thích: chị yên tâm, thông tin tài khoản của chị chỉ mình em biết, người khác không biết đâu! Nhưng lấy gì để tin điều này?
Cô nhân viên cho biết sau 3 tháng ngân hàng lại thống kê giao dịch bình quân bao nhiêu để tính ưu đãi mức nào cho khách hàng. Biết rằng, đây cũng là một dịch vụ đôi bên cùng có lợi nhưng cảm giác mọi thông tin riêng tư của mình đều "không còn gì bí mật" thật là khó chịu.
Các ngân hàng giữ thông tin tài khoản cho khách đến mức nào?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận