27/08/2017 18:23 GMT+7

Thông tin cá nhân bị rò rỉ trên các chuyến bay, cần làm gì?

VÕ HƯƠNG - XUÂN MAI
VÕ HƯƠNG - XUÂN MAI

TTO - Bức xúc, lo lắng, bất an… là tình trạng chung của nhiều hành khách khi bị “tấn công” bởi các tin nhắn, cuộc gọi từ nhiều hãng xe vào trước và sau hành trình bay? Khi biết thông tin cá nhân bị rò rỉ, hành khách cần làm gì?

Trước và sau hành trình bay, hành khách bị
Trước và sau hành trình bay, hành khách bị "tấn công" bởi các tin nhắn, cuộc gọi từ nhiều hãng xe khác nhau và các hãng xe này biết rất rõ lịch trình đi của hành khách

Các hành khách đều chung một cảnh ngộ

Trước bức xúc của bạn đọc Lê Thị Thái Hòa (TP.HCM) cho rằng thông tin cá nhân cung cấp cho hãng bay bị rò rỉ ra ngoài thì rất nhiều bạn đọc cũng bày tỏ họ có chung cảnh ngộ với chị.

“Chị Thái Hòa đã nói hộ rất nhiều người trong đó có tôi và những người trong gia đình tôi. Có lần tôi đã hỏi tài xế thì họ nói công ty họ mua thông tin từ các hãng hàng không với số tiền không ít. Tôi đề nghị cơ quan có trách nhiệm làm rõ vấn đề này” - bạn Như Phong cho biết.

Tương tự, chị Thanh Nguyễn cũng cho hay cách đây khoảng một tháng, chị đã từng bị “khủng bố” như vậy khi bay từ TP.HCM đến Nha Trang. Chị thắc mắc tại sao tài xế lại biết thông tin giờ bay của mình trong khi vé được công ty đặt mua qua đại lý? 

Anh Hiệp nói: “Tôi cũng vừa gặp trường hợp tương tự như chị Thái Hòa. Tôi vừa có chuyến đi Đà Lạt cách đây mấy ngày, cả chiều đi và về đều có người gọi mời sử dụng dịch vụ vận chuyển từ sân bay về trung tâm Đà Lạt. Họ gọi cho tôi và gọi đúng tên, ngày giờ bay của tôi. Cái gì cũng có 2 mặt của vấn đề, một là tiện lợi và giá hợp lý, hai là tại sao họ có thể nắm rõ ngày, giờ bay và cả tên của tôi?”. 

Phải bảo mật thông tin khách hàng

Luật sư Phạm Công Út (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết căn cứ theo quy định tại điểm đ, khoản 2, điều 126 của Luật hàng không dân dụng Việt Nam năm 2001, các hãng hàng không phải bảo mật thông tin cá nhân của khách hàng, trừ trường hợp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Cùng ý kiến, luật sư Trần Ngọc Quý (Đoàn luật sư TP.HCM) cho hay về mặt luật pháp thì những thông tin mà khách hàng cung cấp cho đơn vị nào đó thì đơn vị đó có trách nhiệm quản lý giữ gìn, bảo mật, tránh rò rỉ ra bên ngoài để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

"Khách hàng cung cấp thông tin là để hưởng dịch vụ từ một đơn vị đó. Nếu đơn vị đó cung cấp thông tin cho đơn vị thứ 3 thì phải có sự đồng ý của khách hàng" - luật sư Quý giải thích.

Khiếu nại đơn vị phát hành vé

Luật sư Út cho hay hãng hàng không dân dụng chỉ thực hiện chức năng chuyên chở. Các đại lý phát hành vé có bảo mật thông tin hành khách hay không thì không thể nào kiểm soát được, đó là một bất cập lớn trong ngành hàng không. Hành khách cần xem lại quy trình mua vé rồi làm đơn khiếu nại.

“Khi khách hàng mua vé tại các đại lý (mua trực tiếp và online) đều phải cung cấp các thông tin như: số điện thoại, địa chỉ, thời gian đi, địa điểm đi, địa điểm đến… Bước đầu để tìm ra nguyên nhân tại sao thông tin cá nhân bị rò rỉ thì khách hàng cần truy ngược lại xem nhân viên nào đã bán vé cho mình. Có thể vì nhân viên bán vé không thuộc hãng hàng không dân dụng nên không có làm bản cam kết bảo mật thông tin khách hàng. Chính kẽ hở này nhân viên có thể “bán” thông tin khách hàng cho đơn vị khác” - luật sư Út nói.

Theo luật sư Quý, nếu hành khách cho rằng thông tin cá nhân như số điện thoại, địa chỉ email… của mình bị rò rỉ bên ngoài thì có quyền trình báo, khiếu nại đơn vị phát hành, bán vé máy bay. Còn xử phạt như thế nào thì cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với các hãng xe, hành khách cũng có quyền yêu cầu xác minh, đề nghị trình bày lý do tại sao hãng xe lại có thông tin cá nhân của mình? - luật sư Quý cho biết thêm.

Hãng bay có trách nhiệm rà soát, kiểm tra lại thông tin của khách hàng đã rò rỉ từ bộ phận nào để kiểm tra, xử lý theo đúng quy định trong từng đơn vị, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Đồng thời, hãng hàng không cần xây dựng quy trình quản lý thông tin khách hàng nghiêm ngặt, kiểm soát chặt chẽ quy trình bán vé ngay từ các đại lý, điểm bán vé mới ngăn chặn được tình trạng này. 

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:

>> Luật sư Trần Ngọc Quý

>> Luật sư Phạm Công Út

VÕ HƯƠNG - XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên