11/02/2015 09:22 GMT+7

“Không cần phải tham nhũng mới có tiền”

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TT - Thống đốc Jakarta, Basuki Tjahaja Purnama, khẳng định: “Chúng ta không cần phải tham nhũng mới có tiền. Chúng ta chỉ cần làm việc chăm chỉ”.

Các lãnh đạo ở Jakarta đang nỗ lực tối đa cải thiện bộ mặt của thủ đô. Jakarta vừa bị xếp hạng là thành phố có tình hình giao thông tệ nhất trong 78 thành phố và khu vực trên thế giới do Hãng Castrol của Anh thực hiện. Trong ảnh: xe ngựa và xuồng cao su hỗ trợ giao thông trong thủ đô của Indonesia ngày 10-2 do mưa lớn liên tục gây ngập lụt - Ảnh: Reuters
Lãnh đạo ở Jakarta đang nỗ lực tối đa cải thiện bộ mặt của thủ đô. Trong ảnh: xe ngựa và xuồng cao su hỗ trợ giao thông trong thủ đô của Indonesia ngày 10-2 do mưa lớn liên tục gây ngập lụt - Ảnh: Reuters

Trong nỗ lực cải cách hành chính của Indonesia nói chung và của thủ đô Jakarta nói riêng, thống đốc Basuki Tjahaja Purnama, thường được gọi là Ahok, vừa có những bước đi mới nhằm chấn chỉnh hoạt động của đội ngũ công chức.

Cụ thể, trong cuộc trò chuyện với 279 công chức đang làm việc tại các cơ quan công quyền của thủ đô Jakarta, thống đốc Ahok cho biết từ lâu dư luận trong nước vẫn phàn nàn về sự lười biếng và nạn vòi vĩnh, nhũng nhiễu của các nhân viên công quyền, và ông muốn chấm dứt điều này.

Jakarta vừa bị xếp hạng là thành phố có tình hình giao thông tệ nhất trong 78 thành phố và khu vực trên thế giới do Hãng Castrol của Anh thực hiện

Theo thống đốc, việc đầu tiên cần làm là thay đổi tư duy của cán bộ công chức. Ông khẳng định: “Chúng ta không cần phải tham nhũng mới có tiền. Chúng ta chỉ cần làm việc chăm chỉ”.

Để thực hiện điều này, thủ đô Jakarta vừa triển khai hệ thống phần mềm với tính năng tự báo cáo về các nhiệm vụ đã làm của nhân viên công quyền. Phần mềm được thiết kế với những quy tắc bảo mật để chính công chức phải tự báo cáo công việc, không ai báo cáo thay hay chỉnh sửa, làm giả thông tin giúp họ.

Căn cứ vào các báo cáo hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng và mỗi quý tổng kết một lần, lãnh đạo thành phố Jakarta sẽ thưởng tiền cho những người hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc và phạt những người đi làm muộn hoặc không hoàn thành nhiệm vụ. Lần thưởng tiền quý đầu tiên theo quy chế mới sẽ được thực hiện vào tháng 4 tới.

Phần mềm chỉ cho phép công chức truy cập kê khai nội dung công việc hoàn thành trong thời gian từ 15g-20g các ngày làm việc trong tuần. Công chức có tối đa ba ngày sau khi hoàn thành nhiệm vụ để báo cáo tại đó. Quá thời hạn cho phép, hệ thống sẽ không chấp nhận báo cáo và dĩ nhiên công chức cũng không được xét thưởng.

Các báo cáo được gửi trực tuyến tại địa chỉ website bkd.jakarta.go.id/etkd và sẽ được cấp trên giám sát kiểm tra mỗi ngày. Quan chức và nhân viên dịch vụ công đều có thể xem báo cáo của nhau.

Hồi tháng 1 năm nay, chính quyền Jakarta cũng đã triển khai một chương trình liên quan tới lãnh đạo các cơ quan hành chính công.

Theo đó, quan chức đứng đầu các cơ quan như quản lý tài nguyên nước, giáo dục, giao thông, xây dựng của thành phố sẽ phải gửi báo cáo lên chính quyền thành phố về những đề xuất nhiệm vụ và phương án giải quyết của họ trong ba tháng tiếp theo.

Sau đó, lãnh đạo thành phố sẽ căn cứ vào đó để đánh giá đơn vị nào hoàn thành nhiệm vụ, đơn vị nào chưa để có quyết định tặng thưởng theo quý.

Theo báo Jakarta Post, thống đốc đặc khu thủ đô Jakarta khẳng định những ai không hoàn thành mục tiêu đã đề ra sẽ bị hạ cấp hoặc thuyên chuyển sang cơ quan khác. Ông Ahok tuyên bố: “Tôi muốn các công bộc của dân làm việc nhanh hơn. Chúng ta không có thời gian để cứ trì hoãn mãi”.

Với cách quản lý đó, ông thống đốc khẳng định ông không quan tâm tới việc cán bộ công chức có mặt ở công sở nhiều hay ít, miễn sao nhiệm vụ được hoàn thành. Và nếu phát hiện có tình trạng biển thủ hay tham nhũng, ông sẽ sa thải ngay lập chức công chức liên quan.

Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Mayerfas:

Dân ủng hộ ông thống đốc

Không riêng tôi mà tất cả mọi người ở Indonesia đều ủng hộ tân thống đốc Jakarta Basuki Tjahaja Purnama vì ông ấy làm cho thủ đô Jakarta tốt hơn, trong sạch hơn và an toàn hơn.

Những biện pháp và phát biểu cứng rắn của ông ấy rõ ràng đã làm thay đổi nếp nghĩ của những công chức tại thủ đô, khiến họ nhận ra rằng họ không phải là ông chủ mà là công bộc của dân. Chính quyền tuyệt đối phải phục vụ lợi ích và nhu cầu của người dân.

Những biện pháp cứng rắn của thống đốc còn giúp ngăn chặn nạn nhũng nhiễu trong các công chức. Hiện nay ở Indonesia, các quan chức được trả lương cao, đủ sống thoải mái mà không nghĩ đến việc tham nhũng hay nhận hối lộ để kiếm thêm tiền.

Ngoài ra, hình phạt cho những công chức có hành vi sai trái rất nghiêm khắc. Ai nhận hối lộ, tham nhũng hoặc làm việc không hiệu quả sẽ bị sa thải ngay lập tức. Do vậy những quan chức này không thể và không được phép mắc sai lầm.

QUỲNH TRUNG ghi

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên