Bạn kể rưng rưng: bởi đó là dấu vết thể hiện sự lam lũ, sự cực khổ hi sinh của ba mẹ để bạn có ngày hôm nay. Bạn nói nhà bạn nghèo, bạn sinh ra và lớn lên trên gốc rạ, nhưng sức khỏe bạn không tốt nên bạn được bảo bọc kỹ. Cũng vì thế... ba má bạn cực hơn.
Ý thức điều đó bạn cố gắng học để bù đắp cho ba má nỗi nhọc nhằn, cho những ngày đổ mồ hôi ngoài đồng, những ngày xong mùa vụ lại làm đủ thứ việc có tiền cho con ăn học.
Bạn nói bao tháng năm học ở thành phố là bấy nhiêu thời gian bạn vắt kiệt “ngân khố” gia đình, bạn biết ba má gánh nặng hơn vì chuyện học hành của bạn. Dẫu thế, ba má bạn ai cũng nói “yên tâm đi, lo học cho giỏi, đừng lo chi hết”.
Bạn lại nghẹn ngào, lại nói “nhớ vết chai tay”, là dấu vết không thể chối cãi về sự cực khổ nuôi con của ba má, những người lao động chân tay bình thường ở chốn quê. Nên bạn cố gắng mạnh mẽ hơn, giỏi giang và thành đạt như hôm nay.
Nghe bạn kể, tôi nghĩ về những nỗi nhớ tương tự của bao người con xa xứ, đi học xa, đi làm ở thành phố. Họ lớn lên từ vết chai tay, mọi thứ đều bắt đầu từ bệ phóng của những đôi tay cầm cuốc, cầm cày, lao động nặng nhọc bằng nghề phụ hồ, bốc vác...
Nhờ vết chai ấy, cùng nỗi nhớ hằn sâu về những vết chai mà neo đậu tâm hồn, không để mình lung lạc, vấp ngã trên nẻo đường nhiều chông gai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận