Tên lửa Đông Phong 17 (DF-17) được Trung Quốc công bố lần đầu trong lễ duyệt binh mừng quốc khánh năm 2019. Theo báo SCMP, loại tên lửa này đang thay thế tên lửa DF-11 và DF-15 vốn không đủ sức tấn công các căn cứ phía đông Đài Loan - Ảnh: AFP
Trong vòng một tháng qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đồng thời là tổng tư lệnh Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), đã hai lần tuyên bố Bắc Kinh "không sợ chiến tranh" và căn dặn binh sĩ "sẵn sàng chiến đấu, chiến thắng".
Lời cảnh báo mới nhất được ông Tập Cận Bình đưa ra ngày 23-10, trong lễ kỷ niệm 70 năm chí nguyện quân Trung Quốc giúp Triều Tiên chống lại "cuộc xâm lược và viện trợ của Mỹ cho Hàn Quốc". Có thể nói chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) là cuộc đụng độ quân sự trực tiếp duy nhất giữa PLA và quân đội Mỹ.
Trước đó, trong chuyến thăm tỉnh Quảng Đông ngày 13-10 nhân kỷ niệm 40 năm thành lập đặc khu Thâm Quyến, ông Tập cũng tranh thủ ghé thăm một đơn vị thủy quân lục chiến và căn dặn lực lượng tinh nhuệ này "chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh".
Yếu tố bất ngờ coi như mất khi Trung Quốc khiến người ta suy nghĩ họ chuẩn bị làm gì. Trừ khi Trung Quốc quá tự mãn họ có thể phát động tấn công bằng bất cứ giá nào.
Collin Koh (nhà nghiên cứu người Singapore)
"Rung cây nhát khỉ"
Bài phát biểu của ông Tập tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh ngày 23-10 như liều thuốc tinh thần với người Trung Quốc. Ông Tập nhấn mạnh rằng "bất kỳ quốc gia nào và bất kỳ quân đội nào, cho dù từng hùng mạnh đến đâu" (câu nói được cho là ám chỉ Mỹ) sẽ thấy sự "vùi dập" nếu đi ngược lại cộng đồng quốc tế.
Ông Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, nhận định ông Tập đang gửi một thông điệp tới Mỹ: Trung Quốc không muốn một cuộc chiến với Mỹ nhưng không sợ nó xảy ra. Nếu cộng thêm các cuộc tập trận quân sự liên tục của PLA trong mấy tháng gần đây và động thái điều tên lửa siêu thanh DF-17 tới các tỉnh duyên hải đối diện Đài Loan, không ít nhà quan sát lo sợ Trung Quốc đang từng bước chuẩn bị một cuộc tấn công đổ bộ bất ngờ.
Hồi tháng 9, các oanh tạc cơ và chiến đấu cơ của Trung Quốc vượt đường trung tuyến giả định trên eo biển Đài Loan và tiến vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan gần như mỗi ngày. Một số hình ảnh vệ tinh được công bố cho thấy Trung Quốc đã xây dựng mô hình tòa nhà lãnh đạo Đài Loan theo tỉ lệ 1:1 để phục vụ việc tấn công.
Ông Timothy Heath, một nhà phân tích thuộc Trung tâm RAND (Mỹ), nhận định với báo South China Morning Post rằng các hành động của Trung Quốc giống "rung cây nhát khỉ" và sẽ không dẫn tới một cuộc chiến thực sự. "Các cuộc tập trận có thể tiếp tục với nhiều hành động đe dọa, bắt nạt và nỗ lực phá hoại, gây mất ổn định hòn đảo - tất cả đều nhằm thuyết phục Đài Bắc chấp nhận thống nhất để đổi lấy an ninh và hòa bình".
Viết trên Twitter, nhà nghiên cứu Collin Koh (Singapore) nhận định "trừ khi Trung Quốc quá tự mãn, các thông tin về việc điều chuyển tên lửa DF-17 tới gần Đài Loan chỉ mang tính cảnh cáo. Yếu tố bất ngờ coi như đã mất khi Trung Quốc khiến người ta suy nghĩ họ chuẩn bị làm gì".
Đài Loan dựa vào tên lửa Mỹ
Derek Grossman, một nhà phân tích quốc phòng cấp cao của RAND, nhận định các động thái quân sự leo thang của Trung Quốc một mặt nhằm tăng sức ép lên Đài Loan và tạo ra "trạng thái bình thường mới". "Nhìn từ góc độ của Trung Quốc, tạo ra trạng thái bình thường mới bằng việc xâm nhập không phận Đài Loan mỗi ngày hoàn toàn có lợi. Đài Bắc sẽ không biết động thái nào của Trung Quốc là sự bắt đầu một cuộc chiến thực sự" - Derek Grossman nói.
Hôm 22-10, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt hợp đồng bán 1,8 tỉ USD vũ khí các loại cho Đài Loan. Đây là hợp đồng thứ 8 được phê duyệt dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đợt bán vũ khí lần này gây chú ý khi bao gồm 135 tên lửa AGM-84H SLAM-ER có khả năng tấn công các mục tiêu ven biển Trung Quốc đại lục. Mei Fu-hsing - giám đốc Trung tâm Phân tích an ninh Đài Loan, một tổ chức tư vấn tư nhân ở New York - nhận định đây là lần đầu tiên trong hơn 40 năm qua, Mỹ bán vũ khí tấn công cho Đài Loan.
Điều này khá phù hợp với chủ trương lấy ít địch nhiều của Đài Loan, trong đó sử dụng các loại vũ khí hiện đại để gây ra các thiệt hại đáng kể lên kẻ xâm lược, buộc đối phương phải chùn bước không dám leo thang. Sự xuất hiện của tên lửa AGM-84H SLAM-ER cùng các loại tên lửa tấn công khác do Đài Loan tự phát triển được ví như một sự răn đe chiến lược nhắm vào Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận