Thông điệp ngầm ở Shangri-La

NHẬT ĐĂNG (TỪ SINGAPORE) 07/06/2019 22:06 GMT+7

TTCT - Các diễn đàn quốc tế thường là nơi mọi bên đưa ra thông điệp chính thức và thảo luận công khai các vấn đề họ quan tâm, nhưng Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á, tên chính thức của Diễn đàn Shangri-La, thì không hẳn như vậy, nhất là năm nay.

Ảnh: Foreign Policy
Ảnh: Foreign Policy

Dư luận tập trung rất nhiều vào hai bài phát biểu của quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan và đặc biệt là Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa - quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc dự Shangri-La trong 8 năm qua. Sự có mặt của ông Ngụy giữa lúc căng thẳng Mỹ - Trung leo thang khiến nhiều người tò mò về thông điệp Bắc Kinh sẽ đưa ra ở hội nghị lần này.

Những thông điệp ngầm

Bài phát biểu của ông Shanahan tại phiên họp toàn thể đầu tiên ngày 1-6 không tạo hiệu ứng quá mạnh. Chủ yếu ông quyền bộ trưởng lặp lại những gì đã công bố trên website Bộ Quốc phòng Mỹ trước đó một ngày. Điểm nhấn duy nhất là ông Shanahan vẫn giữ lại các giá trị cốt lõi trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm lập trường của Mỹ đối với Trung Quốc và an ninh khu vực nói chung.

Mỹ gọi thế nào, Trung Quốc đáp thế đấy. Khi ông Shanahan thậm chí né tránh việc đề cập thẳng tên Trung Quốc, ông Ngụy cũng chọn cách tập trung vào việc truyền tải quan điểm của Bắc Kinh, thay vì công kích Mỹ thẳng thừng.

Đi kèm các luận điểm này là nỗ lực giải thích những gì Trung Quốc đang làm để đáp trả các cáo buộc. Điển hình, nói về việc Trung Quốc tăng cường quân sự (bao gồm quân sự hóa ở Biển Đông), ông Ngụy khẳng định Bắc Kinh chỉ muốn “tự vệ” và chi tiêu quân sự như thế là “phù hợp và hợp lý”.

Giới quan sát đánh giá Trung Quốc và Mỹ đã kiềm chế trong các phát biểu tại Shangri-La. Mỹ không nói điều gì mới, Trung Quốc cũng chẳng đi bước nào xa hơn.

Trong tình cảnh hai bên vẫn cần một lối ra cho tranh chấp lan rộng hiện tại, phát biểu của ông Ngụy vừa đủ cứng rắn để giữ thể diện cho Trung Quốc, vừa có vai trò thuyết phục các nước về hình ảnh một Trung Quốc phát triển tự thân và nhất là không làm phương hại lợi ích nước khác.

“Hơn 70 năm kể từ khi thành lập Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Trung Quốc chưa bao giờ kích động một cuộc chiến hay xung đột, cũng như chưa bao giờ xâm lược nước khác hay lấy một tấc đất nào từ các nước khác. Trong tương lai, bất kể trở nên mạnh mẽ thế nào, Trung Quốc cũng chẳng bao giờ đe dọa ai, chưa bao giờ mộng làm bá chủ hay thiết lập phạm vi ảnh hưởng” - ông Ngụy nói.

Chuyện Đài Loan, quân sự hóa phi pháp ở Biển Đông hay những cụm từ như “một tấc đất” của ông Ngụy không hề xa lạ. Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần bên lề Shangri-La, ông François Heisbourg, cố vấn đặc biệt tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, trụ sở ở Anh), cho rằng ông Ngụy đã “tròn vai” khi chuyển tải thông điệp của Bắc Kinh.

“Điều ông Ngụy muốn làm là khẳng định vị thế nước lớn của Trung Quốc hiện nay và hành xử như một nước lớn. Thông điệp ấy có hiệu quả, nhưng thực ra không thuyết phục được người nghe vì chẳng ai tin cả” - ông Heisbourg nói.

Ném chuột vỡ bình

“Chiếc bình” quý giá nhất của an ninh châu Á - Thái Bình Dương không gì khác ngoài hòa bình và ổn định. Trong tình thế căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, các nước chọn cách kiềm chế và chờ đợi. Điều này khiến mọi động thái hay kế hoạch quân sự trong khu vực gần như rơi vào trạng thái “đóng băng”.

Gặp gỡ ông Nick Childs, chuyên gia về quân sự và an ninh hàng hải của IISS, bên lề Shangri-La, Tuổi Trẻ Cuối Tuần đặt câu hỏi quanh tiềm năng về một chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ tới Việt Nam và liệu những hoạt động như vậy của Mỹ có tạo ra lo ngại trong bối cảnh này hay không?

Ông Childs đáp: “Tôi cho rằng mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang trong giai đoạn khó khăn. Rõ ràng ai cũng muốn tìm sự cân bằng cho tình huống này. Mỹ thể hiện ý muốn hợp tác, Trung Quốc thì bằng cách nào đó cũng đang lo ngại về những ma sát có thể xảy ra”.

Bên cạnh lo lắng cho xung đột Mỹ - Trung có thể leo thang, một số trở ngại khách quan cũng buộc các nước khác tạm lắng tại Shangri-La năm nay. Đơn cử, Ấn Độ không nói gì thêm về chính sách “Hành động hướng Đông” mà Thủ tướng Narendra Modi trình bày năm ngoái.

Tiến sĩ Satoru Nagao, nghiên cứu viên khách mời tại Viện Hudson (Mỹ), phân tích rằng Ấn Độ xưa nay đã muốn độc lập chính sách đối ngoại, giữ khoảng cách vừa phải với Trung Quốc, nên khó có thể “đẩy Trung Quốc đi quá xa”. Ngoài ra, Ấn Độ cũng vừa trải qua cuộc bầu cử và bổ nhiệm tân bộ trưởng quốc phòng, nên cũng không thể chuẩn bị tốt nhất cho thông điệp của riêng mình.■

Đối thoại Shangri-La không còn là sàn diễn của những nước lớn, mà là diễn đàn bình đẳng, nơi tiếng nói của những nước nhỏ được chú trọng.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh

(thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam) nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần

 
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận