Một nội dung công bố “trần trụi” như thế ngay trước ngày 9-12, ngày mà Liên Hiệp Quốc chọn làm Ngày quốc tế chống tham nhũng, không thể không khiến tự hỏi: liệu giữa việc Việt Nam là một trong những nước đầu tiên tham gia ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng ngay từ ngày 10-12-2003 và việc chống tham nhũng trong thực tế có khoảng cách hay không, và nếu có, khoảng cách đó là bao nhiêu.
Tất nhiên, không thể nói rằng Việt Nam không có chống tham nhũng. Ở Việt Nam cũng có đầy đủ lệ bộ chống tham nhũng, từ các nghị quyết trong lý thuyết và đạo đức học đến các ban chỉ đạo từ trung ương đến tỉnh thành trong thực tế, bên cạnh vô số định chế giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán... mà nếu so sánh với một số nước khác sẽ thấy thiên hạ thường chỉ có một cơ quan chống tham nhũng mà thôi, bên cạnh các cơ quan bảo vệ luật pháp thường thấy.
Ấy vậy mà rất nhiều nước lại “sạch” hơn ta. Nói có sách mách có chứng: chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm nay Việt Nam đứng thứ 123/176, được 31/100 điểm! Vấn đề không phải là xem thứ hạng đó và điểm số đó có chính xác hay không, mà là để chống tham nhũng hữu hiệu hơn nên dò xét lại xem chống tham nhũng cần như thế nào, từ đâu, bằng cách gì...
Xin đơn cử một thí dụ. Như thường lệ, hôm 6-12 các nhà tài trợ ODA cho Việt Nam trước khi họp cam kết tài trợ vào ngày 10-12, một lần nữa đối thoại với ta về việc làm sao phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn.
Lần này họ xoáy vào trọng tâm là phòng chống tham nhũng tại địa phương, thực trạng và giải pháp - ý nói muốn ta nên để mắt đến tận... các địa phương. Đối thoại xong. Thật trùng hợp với công bố “chạy” 100 triệu đồng của chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội!
Đây là lần thứ 11 các nhà tài trợ quốc tế “đối thoại” với ta về phòng chống tham nhũng, và chắc chắn chưa phải là lần cuối, do lẽ vấn đề đặt ra sau 11 cuộc đối thoại đó vẫn là: nội dung đối thoại đã đến được bao nhiêu cán bộ, nhân viên nhà nước?
Nhất là để cho một bộ phận dân chúng nhận ra được rằng một số điều mà họ vẫn làm hoặc phải làm một cách “thông thường” chính là nuôi dưỡng hoặc cống nạp tham nhũng, tỉ như việc đưa phong bì trong bệnh viện mà mới đây trước Quốc hội, nữ bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết đã vi hành và đích thân chứng kiến...
Trong góc nhìn đó, thông điệp của Ngày quốc tế chống tham nhũng năm nay, theo Tổ chức Minh bạch quốc tế, là “các chính phủ phải nghe thấy sự phản đối kịch liệt chống lại tham nhũng trên khắp thế giới”, để rồi “đưa các hành động chống tham nhũng vào trong việc ban hành mọi quyết định công... Các chính phủ cần phải cứng rắn hơn đối với việc lạm dụng quyền hành...”.
Năm nay các nhà tài trợ quốc tế, tức những chủ nợ cho ta vay tiền, khuyến cáo hãy “đưa các hành động chống tham nhũng vào trong việc ban hành mọi quyết định công”. Nói cách khác, có nghĩa là trước khi quyết định điều gì đó hãy xem có kẽ hở nào cho tham nhũng hay không. Để xem xét các kẽ hở, đã có Quốc hội và các hội đồng nhân dân cùng dò lại xem nếu quyết định như thế này thì “bọn cơ hội” sẽ có thể “ăn” ở chỗ nào, như thế nào...
Song, có lẽ vấn nạn cơ bản vẫn là: quyết tâm chống tham nhũng thật sự cao đến đâu, vì nhiều khi cần phải chữa bệnh lại sợ... đau!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận