Thon thả có còn là khao khát?

YÊN LAM 28/11/2024 07:13 GMT+7

TTCT - Viễn cảnh thuốc giảm cân dễ mua và giá rẻ không chỉ định hình sức khỏe tương lai của con người, mà còn cả văn hóa và diện mạo xã hội.

Thon thả có còn là khao khát? - Ảnh 1.

Ảnh: Verywellminds

Ngân hàng Morgan Stanley ước tính có tới 9% người Mỹ sẽ sử dụng các phiên bản thương hiệu của các loại thuốc giảm cân này vào năm 2035. Về mặt y khoa, Ozempic và các hiệu thuốc cùng loại là một bước đột phá y khoa thực sự. Nhưng câu chuyện văn hóa phức tạp hơn.

Ai cũng thon thì người béo thêm đau khổ?

Khao khát sử dụng ngoại hình để thể hiện sự khác biệt là một trong những bản năng lâu đời nhất của con người. Các xu hướng cứ diễn tiếp như một vòng xoáy luẩn quẩn: thời Phục Hưng, người đẹp và địa vị cao là những phụ nữ đầy đặn như ta thấy trong tranh Rubens. 

Rồi khi cách mạng công nghiệp giúp thực phẩm dễ tiếp cận hơn, vóc dáng mảnh mai dần trở nên đáng mơ ước. Năm 1798, kinh tế gia Thomas Malthus dự đoán thiếu hụt thực phẩm sẽ đe dọa dân số toàn cầu; nếu ông ta đúng thì béo phì có lẽ vẫn là chuẩn mực của cái đẹp. Hiện nay, chuẩn đẹp vẫn là thon thả, và cùng với đó, người to béo nặng cân vẫn phần nhiều bị phân biệt đối xử.

Tại Thụy Điển và Mexico, nơi ảnh chân dung thường được đính kèm trong hồ sơ xin việc, các nhà nghiên cứu đã chỉnh sửa hình ảnh để khiến các ứng viên giả định trông mập hơn hoặc béo phì. Kết quả cho thấy khả năng những người này được mời phỏng vấn thấp hơn đáng kể. 

Trong hai công trình độc lập, Petter Lundborg (Đại học Lund, Thụy Điển) và John Cawley (Đại học Cornell, Mỹ) đã so sánh mức lương của phụ nữ gầy và phụ nữ béo phì lần lượt ở châu Âu và Mỹ. Sau khi điều chỉnh theo trình độ học vấn, kinh nghiệm và các yếu tố khác, họ nhận thấy phụ nữ có chỉ số BMI ở mức béo phì kiếm được ít hơn khoảng 10% so với đồng nghiệp.

Đây là lý do nhiều người cho rằng thuốc giảm cân sẽ cổ xúy các tiêu chuẩn cái đẹp cực đoan trong xã hội, vì sẽ có người tìm tới thuốc này không chỉ vì sức khỏe mà vì lý do thẩm mỹ. "Chúng có thể đẩy mạnh kỳ vọng rằng ai cũng phải tuân theo các chuẩn mực vẻ đẹp hiện đại, một xu hướng có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe tâm thần và rối loạn ăn uống" - tạp chí The Economist viết.

Thon thả có còn là khao khát? - Ảnh 2.

Một góc tranh Venus at the Mirror của Ruben

Viết cho The Guardian hồi tháng 6-2023, nhà văn Rachel Pick khẳng định: "Ozempic đã thắng, phong trào cảm nhận ngoại hình tích cực (body positive) đã thua". Phong trào "yêu bản thân" - phản đối quan điểm ai cũng phải cố gắng đạt đến chuẩn mực cơ thể duy nhất - đã đạt được những bước tiến nhất định. Các nhà bán lẻ quần áo cung cấp nhiều kích cỡ hơn, các chiến dịch quảng cáo cũng dùng người mẫu đủ phom dáng, giúp phụ nữ tự tin vào ngoại hình của mình hơn.

Pick cho rằng khi nhiều người dùng thuốc và thon gọn hơn, thông điệp gửi tới những người béo còn lại là: ngoại hình của các người đúng là không được chấp nhận. Tương tự, cây bút Tressie McMillan của The New York Times cho rằng sẽ tốt hơn nếu thay vì chữa trị béo phì bằng thuốc, xã hội nên ngừng kỳ thị người béo.

Kinh tế thon thả

Đúng là rất dễ cho rằng thuốc giảm cân có thể củng cố định kiến với người béo. Cho đến nay, thuốc giảm cân chủ yếu được giới nhà giàu sử dụng, và như Cawley nói trong nghiên cứu, "nếu khả năng giảm cân liên quan chặt chẽ đến thu nhập của một người thì béo phì có thể bị coi là tín hiệu của người thu nhập thấp".

Nhưng đó chỉ là trong ngắn hạn. Theo The Economist, trong một tương lai xa hơn, các thay đổi mà thuốc giảm cân "ai cũng dùng được" mang lại sẽ dẫn tới nhiều ảnh hưởng tích cực, nếu nhìn dưới góc độ kinh tế học, cụ thể là kinh tế học về tín hiệu (signaling).

Người diễn đạt rõ ràng nhất về kinh tế học tín hiệu là Michael Spence (Nobel kinh tế 2001). Năm 1973, ông phát triển một mô hình đơn giản về cách thị trường lao động chọn người dựa trên bằng cấp. 

Theo đó, ngay cả khi giáo dục không mang lại lợi ích thực sự nào, những ứng viên tốt vẫn sẽ theo đuổi bằng cấp như một công cụ tín hiệu, để thông báo với nhà tuyển dụng rằng họ là ứng viên mạnh. Tín hiệu của bằng cấp tới từ thực tế đó là thứ nói chung người kém không có khả năng đạt được, và giỏi hay kém thì cũng tốn thời gian và tiền bạc.

Trước bài báo của Spence, người ta cho rằng nhà tuyển dụng đánh giá cao giáo dục vì nó cải thiện năng suất. Spence chỉ ra rằng vấn đề không chỉ có vậy. Bạn sẽ chọn gì: dày công học tập và xây dựng mối quan hệ tại Harvard nhưng không cho ai biết, hay chỉ cần một tờ giấy chứng nhận rằng bạn đã học ở đó? Nói cách khác: bạn muốn có kiến thức thực sự hay chỉ cái bằng? Tương tự, với vóc dáng, bạn muốn trông mảnh mai và khỏe mạnh, hay thực sự muốn có sức khỏe tốt?

Thông qua ngoại hình, con người cũng gửi đi tín hiệu để xin việc (như các nghiên cứu trên) hay thậm chí để tìm bạn đời. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu một người không cần phải giàu có hay kỷ luật rèn luyện mà vẫn có vóc dáng đẹp? Một tín hiệu chỉ hữu dụng nếu nó truyền tải đúng thông điệp. 

Trong mô hình của Spence, tín hiệu chỉ hiệu quả khi giáo dục đại học thật sự khó chinh phục và chỉ dành cho những ứng viên mạnh. Mình hạc xương mai là vóc dáng được khao khát vì nó gửi đi tín hiệu: tôi có thời gian để tập luyện, tiền bạc để chi trả cho thực phẩm lành mạnh, và kiến thức để biết chế độ ăn nào là phù hợp. Nhưng nếu giảm cân bằng thuốc thì không cần gì trong số đó cả.

Thon thả có còn là khao khát? - Ảnh 3.

Các influencer quảng bá Ozempic. Ảnh: The Cut

Những tín hiệu giả về vóc dáng thon thả đó đang bị dân mạng dễ dàng bắt thóp. Các thành viên subreddit NYCinfluencersnark, một diễn đàn "bà tám" về gu thẩm mỹ của các TikToker và Instagrammer trên Reddit, liên tục réo tên người đang dùng thuốc giảm cân, dù chỉ là "nghe nói" hay có bằng chứng rõ ràng. 

Chẳng hạn, hồi tháng 8, người dùng Nycundercover đăng ảnh chụp màn hình của Serena Kerrigan, Instagrammer có 217.000 người theo dõi, đứng trước tủ lạnh trong nhà. "Không cần thêm bằng chứng, nhưng giờ cô ấy thậm chí không buồn che giấu việc dùng Ozempic" - Nycundercover viết, kèm theo một mũi tên đỏ chỉ vào nắp bút tiêm GLP-1 đặc trưng.

Vì Ozempic cần được giữ lạnh, những bức ảnh chụp trong bếp hoặc vết bầm ở bụng (vị trí tiêm thuốc thông thường) là manh mối để dân mạng phát hiện ai đang dùng thuốc. Theo thuật ngữ kinh tế học, bằng cách bắt thóp người nổi tiếng dùng Ozempic, dân mạng đang chỉ ra tín hiệu mà người đó truyền tải qua cơ thể là giả. Họ không gầy đi bằng cách khổ luyện.

Trong chừng mực nào đó, điều này lại có thể là tích cực. Khi việc thon thả không còn là điều khó đạt được, xã hội có thể giảm bớt sự ám ảnh với việc phải gầy bằng mọi giá, từ đó giảm áp lực ngoại hình, tránh giảm cân sai cách (ăn kiêng cực đoan, lạm dụng thực phẩm chức năng, hoặc các phương pháp gây hại cho sức khỏe). Và theo quy luật, gầy mới đẹp sẽ bị thay thế bằng một chuẩn khác, có thể là cơ bắp săn chắc, dáng người thể thao, cần nỗ lực thực sự mới đạt được.

"Việc theo đuổi vóc dáng gầy, đặc biệt là với các bé gái, đã gây ra những cái giá rất đắt. Trái với suy nghĩ của nhiều người, bằng cách khiến gần như bất kỳ ai cũng có thể trở nên gầy, Ozempic không chỉ giải quyết vấn đề cân nặng của nước Mỹ mà còn giải quyết vấn đề của nước Mỹ với cân nặng" - The Economist kết luận. Và khi thuốc phổ biến toàn cầu, mỗi nơi nó có mặt cũng có thể mang lại những ảnh hưởng tích cực đó.

Các loại thuốc giảm cân cũng làm giảm nhu cầu với sách ăn kiêng. Từ tháng 6-2021 (khi Wegovy được FDA phê duyệt) đến tháng 9-2024, doanh số sách in về sức khỏe và thể hình tại Mỹ đã giảm 15% (mức giảm sách in nói chung là 4%), theo công ty nghiên cứu thị trường Circana.

Sách về ăn kiêng, tập thể dục và giảm cân là những cuốn bán kém nhất. Giải pháp của các nhà xuất bản là mở rộng các mảng sách về sống lâu sống khỏe và sức khỏe phụ nữ. Doanh số sách về tuổi thọ đã tăng 50% trong năm qua, theo Circana.

Tuy nhiên, các nhà xuất bản không hoàn toàn bi quan về các loại thuốc giảm cân. Chúng có thể tăng nhu cầu cho dòng sách về bệnh tiểu đường và đường huyết, vì người ta sẽ muốn tìm hiểu thêm về khoa học đằng sau các loại thuốc như Ozempic. Đó là trong ngắn hạn; khi thuốc giảm cân thành chuyện bình thường, không ai biết chương tiếp theo của giới xuất bản sách sức khỏe sẽ có gì.

Tương tự, các công ty thực phẩm cũng bắt đầu thích ứng với tình hình mới, khi thuốc giảm cân thay đổi cách mọi người ăn uống. Chẳng hạn, theo CBC, Nestlé đã ra mắt dòng sản phẩm bữa ăn chế biến sẵn nhắm đến bệnh nhân đang sử dụng thuốc GLP-1, trong khi các công ty sữa chua Danone và tập đoàn đồ uống Coca-Cola giới thiệu các sản phẩm giàu protein, ít đường, cũng để thu hút người dùng GLP-1.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận