TTCT - Chúng ta đang sống trong thế giới của mùi hương. Từ các sản phẩm chùi rửa, vệ sinh đến các sản phẩm chăm sóc cơ thể... hầu hết đều có nhiều loại mùi để người tiêu dùng lựa chọn. Nhưng không phải cứ thơm tho là hay ho. Có đến 4.000 hóa chất đang được sử dụng để tạo mùi cho sản phẩm nhưng không có thông tin về chúng trên nhãn mác. Công thức mùi hương được xem là bí mật thương mại và do đó họ được phép không tiết lộ, ngay cả với cơ quan chức năng hoặc nhà sản xuất.Rủi ro sức khỏeTheo báo Anh The Guardian, chỉ riêng một mùi hương có thể chứa từ 50-300 hóa chất khác nhau. Bà Janet Nudelman, giám đốc phụ trách chính sách của Tổ chức Breast Cancer Prevention Partners (BCPP - Đối tác phòng chống ung thư vú) và nhà đồng sáng lập của Chiến dịch vận động mỹ phẩm an toàn, cho biết lỗ hổng pháp lý hiện nay là: “Không có cơ quan chức năng cấp tiểu bang, liên bang hoặc toàn cầu nào quy định ngưỡng an toàn của các hóa chất tạo mùi”. Họ thậm chí cũng không biết các hóa chất tạo mùi xuất hiện trong sản phẩm nào.Theo báo cáo của BCPP năm 2018, kiểm nghiệm 140 sản phẩm chăm sóc cá nhân và tẩy rửa cho thấy 3/4 hóa chất có hại được phát hiện là trong mùi hương. Các hóa chất nói trên liên quan đến các vấn đề sức khỏe mãn tính, gồm cả ung thư.Bà Nudelman cho biết: “Khi phân tích kỹ hơn đối với các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp và cá nhân, chúng tôi nhận thấy nhiều hóa chất đáng lo ngại đang ẩn dưới mỹ từ “nước hoa” hay “hương liệu”. Mặc dù hầu như mọi người đều tiếp xúc với hương liệu hóa học mỗi ngày, phụ nữ có nguy cơ gặp rắc rối vì mùi hương lớn hơn - chủ yếu từ các loại sản phẩm làm đẹp và mỹ phẩm họ sử dụng”.Mùi hương đôi khi tiềm ẩn nhiều quan ngại về sức khỏe. Ảnh: GearpatrolTrung bình một phụ nữ Mỹ sử dụng 12-16 sản phẩm mỗi ngày, nhiều loại trong số này có hương thơm và được bôi trực tiếp lên da. Có khoảng 35% người bị đau nửa đầu hoặc gặp các vấn đề về hô hấp do mùi hương. Tuy nhiên, chưa có đầy đủ thông tin về sự kết hợp của hương liệu hóa chất với các hóa chất khác trong cuộc sống hằng ngày.Bà Alexandra Scranton - giám đốc Tổ chức Khoa học và nghiên cứu vì tiếng nói của phụ nữ với trái đất (WVE), một tổ chức phi lợi nhuận vì sức khỏe phụ nữ - cho biết: “Có một số hóa chất trong hương liệu có khả năng gây ra ung thư và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, chúng tôi biết điều này từ các nghiên cứu trên động vật. Liệu tiếp xúc nhiều với hương liệu có nguy cơ bị ung thư nhiều hơn không? Không ai thực sự biết câu trả lời vì chưa có nghiên cứu vấn đề này”.Theo báo cáo năm 2018 của WVE, hơn 1.200 hương liệu hóa chất đang được sử dụng đã được cảnh báo là những “hóa chất cần lưu tâm”. Chúng gồm 7 chất gây ung thư, 15 chất bị cấm sử dụng trong mỹ phẩm ở EU và các hóa chất có mặt trong các danh sách cảnh báo quốc tế khác nhau. Trong đó, các chất gây rối loạn nội tiết - mô phỏng hormones của con người, được nhiều nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm vì chúng có thể ảnh hưởng đến chúng ta dù là liều nhỏ nhất.Những người ủng hộ ngành công nghiệp hương liệu - dự kiến doanh thu đạt đến 92 tỉ USD trên toàn cầu vào năm 2024, cho rằng ngay cả khi nhiều thành phần trong hương liệu hóa chất có tên trong danh sách hóa chất nguy hiểm, tiếp xúc ít thì không nguy hiểm.Một người phát ngôn của Hiệp hội các nhà sáng tạo nước hoa, tổ chức thương mại chính của ngành công nghiệp này ở Bắc Mỹ, từng khẳng định “sự tiếp xúc riêng lẻ với bất cứ thành phần nào của hương liệu trong một sản phẩm là vô vùng thấp - dưới 1%. Các thành phần của hương liệu không nguy hiểm khi dùng”.Tuy nhiên, bà Scranton cho biết có lỗ hổng trong các thử nghiệm an toàn tiêu chuẩn hiện nay, như thiếu đánh giá riêng lẻ từng hóa chất và sự khác biệt khi tiếp xúc với hóa chất của mỗi cá nhân để làm căn cứ cho một cách tiếp cận thận trọng hơn.Có rất nhiều điều chúng ta chưa biết. Các nghiên cứu về độc tính chỉ kiểm tra ảnh hưởng của một loại hóa chất riêng biệt tại một thời điểm. Trên thực tế, chúng ta không bao giờ tiếp xúc với chỉ một loại hóa chất tại một thời điểm. Có sự kết hợp của rất nhiều hóa chất với nhau và chúng ta tiếp xúc với hương liệu hóa chất suốt cuộc đời mình.Thiếu quy địnhNgành công nghiệp hương liệu, rộng hơn là công nghiệp mỹ phẩm, chủ yếu hoạt động dựa trên sự tự điều chỉnh. Từ năm 1966, bộ phận nghiên cứu của Hiệp hội Nước hoa quốc tế (IFRA), tổ chức thương mại hàng đầu thế giới đặt ra tiêu chuẩn sử dụng an toàn tự nguyện với hóa chất.Từ năm 2014, Viện Nghiên cứu nguyên liệu tạo mùi thơm (RIFM) đã phân tích hơn 1.500 nguyên liệu hóa chất bằng hệ thống đánh giá mới, toàn diện hơn, với mục tiêu đánh giá tất cả 4.000 nguyên liệu đang được sử dụng vào năm 2021.RIFM cho biết ước tính thận trọng của tổ chức dựa trên khảo sát với nhóm 5% người “dùng nhiều” cho thấy sự khác biệt lớn giữa mức độ tiếp xúc với hương liệu trong chính nhóm này. Còn theo một nghiên cứu có từ năm 2007 của các nhà nghiên cứu tại Bỉ, một số hợp chất xạ hương tổng hợp tồn tại với nồng độ gấp 10.000 lần ở người dùng nhiều so với ở người dùng ít. Một số chất xạ hương tổng hợp đã bị IFRA cấm có trong mô người và sữa mẹ.Mùi hương cũng tác động khác nhau lên các chủng tộc khác nhau. Các nhà khoa học phát hiện phụ nữ và trẻ em da màu có lượng hóa chất gây rối loạn nội tiết cao hơn, có thể do tiếp xúc nhiều với các hóa chất có hại từ các sản phẩm tóc.Một nghiên cứu năm 2018 của Viện Nghiên cứu Silent Spring kiểm tra 6 loại sản phẩm tóc của người Mỹ gốc Phi đã phát hiện đến 45 hóa chất gây rối loạn nội tiết hoặc hen suyễn, trong đó chất diethyl phthalate thuộc nhóm có nồng độ cao nhất. Các dẫn xuất phthalate làm rối loạn nội tiết, cụ thể là làm rối loạn hệ thống hormones giới tính, gây dậy thì trước tuổi ở cả bé gái lẫn trai. Ở phụ nữ, nhiều nghiên cứu cho thấy các phthalate làm tăng nguy cơ lạc nội mạc tử cung và ung thư vú.Mùi thơm có khi là thứ không dễ chịu với nhiều người. Ảnh: Chicago TribuneNơi làm việc không mùi hươngTránh các hương liệu hóa học có lẽ là một trong những thách thức khó khăn của thời hiện đại đối với người tiêu dùng. Ngay cả các sản phẩm được dán nhãn là không mùi cũng có thể có một số hương liệu hóa chất để át mùi của các hóa chất khác. Các cơ quan giám sát cũng cảnh báo các sản phẩm tự xưng là tự nhiên hay hữu cơ vẫn có thể chứa mùi hương có hại.Đạo luật Quyền được biết về các hương liệu hóa chất của bang California được sự ủng hộ của nhiều nhóm vận động sức khỏe người tiêu dùng ở Mỹ. Đạo luật được Thượng viện bang thông qua vào ngày 29-5-2019 với 23-10 phiếu và là đạo luật đầu tiên ở Mỹ buộc các nhà sản xuất phải công bố về bất kỳ hóa chất nguy hiểm nào được sử dụng để tạo hương vị hoặc hương thơm cho các sản phẩm chăm sóc cá nhân và mỹ phẩm được bán ở California.Ở cấp liên bang, Đạo luật sản phẩm chăm sóc cá nhân và mỹ phẩm an toàn năm 2018 cũng có điều khoản yêu cầu công bố đầy đủ các hóa chất và cấm các chất gây ung thư. Người dùng có thể chủ động lựa chọn các sản phẩm không có hương nhân tạo để sử dụng.Canada đã ban hành chính sách công sở không mùi. Chính sách này tập trung vào những loại mùi được cho là thơm với số đông có trong nước hoa, mỹ phẩm, dầu gội đầu, khử mùi hoặc từ các sản phẩm khác như xịt phòng, nến thơm, nước lau nhà và các chất tẩy rửa.Các công ty hiểu rằng mỗi cá nhân có những giới hạn và sự nhạy cảm khác nhau, cần phải thông qua những quy định và chính sách để bảo vệ những người mẫn cảm với môi trường. Cụ thể như cấm sử dụng các sản phẩm có mùi trong tòa nhà, văn phòng. Các chất tẩy rửa phải là loại không mùi. Họ lập danh sách các loại chất không mùi an toàn, tốt cho sức khỏe được dùng ở văn phòng. Người lao động và khách được thông báo về chính sách này bằng nhiều tài liệu để tuân thủ.■Dị ứng hương thơmNhiều người trong xã hội bị mẫn cảm với môi trường. Tiếp xúc với mùi hương từ nguyên liệu hoặc hóa chất của các hóa mỹ phẩm có thể gây ra những ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng cho họ. Các triệu chứng được ghi nhận là: đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi, mất ngủ, tê bì mất cảm giác, khó thở, ngứa da, khó chịu, mất tập trung. Tiếp xúc với các thành phần và hóa chất trong các sản phẩm có mùi thơm, ngay cả với lượng nhỏ nhất, cũng có thể gây ra các tình trạng khác, như dị ứng và hen suyễn.Các triệu chứng ở mức độ từ nhẹ đến nghiêm trọng. Có người chỉ mệt mỏi trong khi có người buộc phải ngừng mọi hoạt động để nghỉ ngơi. Mẫn cảm với môi trường là một tình trạng mãn tính, người mẫn cảm với môi trường gặp các triệu chứng sức khỏe khi tiếp xúc với một số hóa chất hoặc các tác nhân môi trường khác dù ở mức độ thấp mà hầu hết mọi người dung nạp. Tags: Sức khỏeHóa chấtMỹ phẩmHương liệuMùi thơm
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Quyền lực của tỉ phú Elon Musk lớn cỡ nào? DUY LINH 23/12/2024 Sự kết hợp giữa tỉ phú Elon Musk và Tổng thống đắc cử Donald Trump đang bắt đầu tạo ra những cơn sóng làm chao đảo chính trường Mỹ.
Xe buýt lao qua đường tông xe máy và xe đạp, hai người nhập viện MINH HÒA 23/12/2024 Sáng 23-12, xe buýt chạy trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh, TP.HCM) bất ngờ lao qua làn đường ngược lại tông xe máy và xe đạp.
Tin tức sáng 23-12: Thưởng Tết ở đâu cao nhất?; Mức sinh ở TP.HCM tăng nhẹ lên 1,4 con/phụ nữ TUỔI TRẺ ONLINE 23/12/2024 Tin tức đáng chú ý: Thưởng Tết ở đâu cao nhất?; Mức sinh ở TP.HCM dự báo tăng nhẹ lên 1,4 con/phụ nữ nhưng vẫn ở mức rất thấp...
Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông khả năng mạnh lên thành bão số 10 CHÍ TUỆ 23/12/2024 Dự báo trong ngày hôm nay (23-12), áp thấp nhiệt đới ở phía nam Biển Đông mạnh lên thành bão, cơn bão số 10 trong năm 2024.