Thời trang là một trong những ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở đại dịch này.
“Đại công xưởng” của thế giới điêu đứng
Đại công xưởng này đương nhiên là Trung Quốc. Không chỉ là “ông lớn” sản xuất bông, vải và lụa, Trung Quốc còn gia công quần áo, giày dép, túi xách và vô số sản phẩm cho gần như tất cả các thương hiệu thời trang lớn nhỏ, danh tiếng trên toàn thế giới.
Ngay sau khi Trung Quốc công bố dịch bệnh, hàng loạt nhà máy phải ngưng sản xuất, gần 300 triệu lao động Trung Quốc “ngồi nhà” và các đường giao thương với Trung Quốc bị chặn.
Hơn thế nữa, phần lớn các thương hiệu thời trang thế giới còn dựa vào thị trường tiêu thụ Trung Quốc (riêng năm 2019 chiếm đến 40% tổng số giao dịch hàng xa xỉ trên toàn cầu), đặc biệt là giới nhà giàu mới nổi! Trung Quốc không mua hàng, thế giới cũng trở nên ế ẩm!
Tương lai xám cho thị trường lẫn sàn diễn
Các thương hiệu thời trang đã phải đóng cửa hàng loạt cửa hàng trên khắp Trung Quốc trước diễn biến ngày càng tăng của đại dịch. Ngay sau đó, Mỹ, châu Âu và các thị trường còn lại cũng đồng loạt đóng cửa các cửa hàng thời trang.
Thương hiệu Burberry tuyên bố: Thiệt hại gây ra bởi đại dịch còn lớn hơn thiệt hại gây ra bởi các cuộc biểu tình ở Hong Kong vừa qua! Còn Phòng Thời trang Quốc gia Ý ước tính xuất khẩu Ý giảm ít nhất 100 triệu euro trong quý đầu tiên của năm 2020!
Một số thương hiệu có bộ sưu tập trình diễn tại tuần lễ thời trang Milan và Paris phải chấp nhận hủy show. Tiếp đến là hàng loạt tuần lễ thời trang tại châu Á như: Shanghai Fashion Week, China Fashion Week, Tokyo Fashion Week và Seoul Fashion Week cũng phải hủy.
Ralph Lauren đã phải hủy BST Thu-Đông 2020 dự kiến tổ chức vào tháng 4; còn Giorgio Armani thay vì tổ chức show diễn như thường lệ, đã phải tổ chức một livestream chóng vánh BST của mình vào ngày cuối cùng của Milan Fashion Week vì... không ai đến dự!
Lối thoát: Bán hàng trực tuyến!
Giữa đại dịch, một số thương hiệu hay các nhà thiết kế đã nhận ra họ vẫn có thể kinh doanh mà không cần tới những cuộc gặp trực tiếp. Họ sử dụng những nền tảng công nghệ số có sẵn của bên thứ ba như thương mại điện tử (e-commerce), hoặc tự phát triển kênh bán hàng online của riêng mình để duy trì hoạt động kinh doanh. Một số khác lại dùng tệp PDF gửi tới khách hàng doanh nghiệp (B2B), sau đó sẽ chốt đơn hàng.
Một cách thích nghi khác là thay thời trang Xuân-Hè thành “thời trang chống Cô-Vít”. Các nhà thiết kế lẫn các thương hiệu bắt đầu tạm quên những thiết kế mỹ miều, các sáng tạo bay bổng để chuyển sang “vũ khí chống COVID-19”. Đó là những bộ trang phục như phi hành gia hay người ngoài hành tinh với khẩu trang làm điểm nhấn, và tầng tầng lớp lớp bảo hộ khác. Thời trang ứng dụng tạm nhường chỗ cho “thời trang ấn tượng”!
Tại Việt Nam, nhiều nhà thiết kế như: Hồ Trần Dạ Thảo, Hải Minh, Lê Thanh Hòa, Đỗ Long... cũng đang giới thiệu các bộ sưu tập phù hợp để mọi người dễ dàng kết hợp nón và khẩu trang đẹp hơn. Nhiều mẫu khẩu trang của các nhà thiết kế này ngoài màu sắc, hoa văn lạ mắt còn được may từ vải kháng khuẩn, chống giọt bắn, có thể giặt và tái sử dụng nhiều lần. Mỗi bộ trang phục đều được xịt sát khuẩn trước khi chuyển đến khách hàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận