Nhà thiết kế Minh Hạnh và những sản phẩm thời trang in tranh của các họa sĩ đương đại Huế - Ảnh: THÁI LỘC
Việc in tranh lên các mặt hàng như áo quần, khăn lụa... để bán và thu lợi về cho họa sĩ đã xuất hiện khá nhiều trên thế giới nhưng lại khá mới ở Việt Nam. Cũng từ ý tưởng này, về sau chúng tôi có thể cho in tranh lên các mặt hàng lưu niệm và gia dụng như chén, bát, tô, đĩa... để phục vụ du lịch!
Họa sĩ Võ Quang Phát
Chờ anh một chút để chọn mấy cái áo nữa; em nên chọn mấy cái túi xách và khăn choàng. Đẹp, ấn tượng thế mà chỉ 120.000 đồng chứ mấy!...". Lời người đàn ông bảo người vợ khiến chúng tôi tò mò khi đi ngang không gian Nghệ thuật và đời sống bên sông Hương.
Đúng như lời người đàn ông kia, chúng tôi nán lại xem kỹ các mặt hàng ở đây. Bắt đầu từ chiếc áo pull vải thun trắng, phía trước và sau đều in một bức tranh sơn dầu khá bắt mắt của họa sĩ Lê Phan Quốc.
Treo cạnh là chiếc áo in một bức tranh sơn mài vẽ thiếu nữ, nền áo là một mảng trứng tuyệt đẹp. Phía trên là cái giá treo hàng loạt khăn voan mỏng, in trên đó những bức tranh màu sắc khá dịu trông thật nhẹ nhàng, dễ thương...
Sản phẩm cũng là tác phẩm
Tại không gian này có hàng loạt mặt hàng thời trang cho đủ lứa tuổi, hàng loạt khăn choàng, các loại túi xách cho đến áo gối, drap trải giường...; tất cả đều được in những bức tranh khá đẹp, sống động và bắt mắt kèm theo chữ ký của tác giả bức tranh. Không chỉ vậy, có hàng loạt sản phẩm gốm sứ từ bình, bát, đĩa và khay cũng in tranh...
Tất cả ý tưởng hình thành không gian nói trên xuất phát từ nhà thiết kế Minh Hạnh. Chị cho biết vốn rất ấn tượng về nền hội họa Huế với biết bao thế hệ họa sĩ tài danh. Trong số đó, chị nhận ra thế hệ họa sĩ trẻ đương đại với thành quả nghệ thuật có cá tính hầu như không thua kém nhiều vùng miền trong cả nước.
Song, trông qua thị trường mỹ thuật Huế lại "giậm chân", khá yên ắng. "Từng đi rất nhiều nước, tôi nhận thấy có những nơi biến các tác phẩm hội họa trở thành những sản phẩm tiêu dùng độc đáo, có bản sắc, chắp cánh thành công cho nghệ thuật đương đại.
Thế là nảy ra ý tưởng dùng tranh Huế đưa vào thời trang, đó cũng là cách ngắn nhất đưa nghệ thuật vào đời sống" - nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ.
Và "cách ngắn nhất" nhà thiết kế Minh Hạnh thực hiện chính là sự kết hợp giữa nghệ thuật, kỹ thuật/công nghệ và giá thành... Đó là việc chọn lựa kỹ lưỡng những tác phẩm sao cho thật phù hợp với từng sản phẩm thời trang.
Chất liệu sản phẩm và công nghệ cũng được cân nhắc kỹ lưỡng với từng mặt hàng thời trang lẫn đồ gia dụng. Và điều quan trọng hơn, thay vì sản phẩm thời trang thường có giá... trên trời, thì ở đây giá bán được hạ xuống thấp "tối đa", có thể nói phù hợp với túi tiền của mọi người tiêu dùng...
"Tranh mình được rong ruổi"
Năm tác giả có tranh in trên các sản phẩm gồm: Lê Phan Quốc, Phạm Trinh, Nguyễn Đăng Sơn, Hoàng Phúc Quý và Võ Quang Phát. Họ đều là năm cây cọ khá thành danh của mỹ thuật đương đại cố đô.
Cố nhiên, không phải bức tranh nào của các họa sĩ này đều được in trên các sản phẩm bán. Họa sĩ Hoàng Phúc Quý kể anh phải tự chọn những bức tranh ưng ý nhất rồi chụp ảnh chất lượng cao để gửi cho các nhà thiết kế lựa chọn.
Sau khi chọn được những tác phẩm ưng ý, êkip đưa những bức ảnh chụp tranh của họa sĩ Huế đi in lên các sản phẩm bằng công nghệ in hiện đại của Ý.
Theo họa sĩ Võ Quang Phát, việc in tranh lên các sản phẩm như áo, khăn choàng... như vậy là một cách quảng bá tranh hiệu quả. "Đây cũng là cách để tranh của chúng tôi tiếp cận với những người yêu tranh... ít tiền.
Như vậy là tranh mình không chỉ bất động trong các triển lãm, trên những bức tường mà theo chân mọi người rong ruổi khắp chốn!", anh tỏ vẻ đắc ý. Là giảng viên và là phó trưởng khoa mỹ thuật và ứng dụng Trường ĐH Mỹ thuật - ĐH Huế, hơn ai hết họa sĩ Phát hiểu rõ được niềm vui của người họa sĩ khi thấy tranh của mình được ứng dụng vào cuộc sống một cách thiết thực như vậy.
Họa sĩ Phát cho biết thêm các mặt hàng in tranh của họa sĩ Huế được bày bán tại kỳ Festival nghề truyền thống Huế lần này sẽ được chọn để trưng bày tại cuộc triển lãm về mỹ thuật ứng dụng Thừa Thiên - Huế lần thứ I do Hội Mỹ thuật Thừa Thiên - Huế dự kiến tổ chức vào tháng 9 tới.
Lễ rước vinh danh nghệ nhân tham gia Festival nghề truyền thống Huế 2019 trên đường phố Huế - Ảnh: Thượng Hiển
Festival nghề truyền thống Huế 2019 thu hút hơn 350 nghệ nhân và thợ thủ công nổi tiếng thuộc 60 làng nghề truyền thống, cơ sở nghề trong nước tụ về tham dự. Theo thống kê của ban tổ chức, lượng du khách đến Huế trong dịp này ước đạt hơn 400.000 lượt khách (tăng gấp 2,3 lần so với lượng khách đến Festival nghề truyền thống Huế năm 2017 là 170.000 lượt khách). "Top" các nước có du khách đến Huế đông lần lượt là Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Pháp, Mỹ.
Doanh thu bán hàng tại không gian Tôn vinh nghệ nhân, làng nghề ước đạt 9,8 tỉ đồng. Các chương trình văn hóa nghệ thuật diễn ra trong dịp lễ hội như lễ hội bia, khinh khí cầu, lễ hội áo dài, biểu diễn nhạc Hàn Quốc được đánh giá cao và thu hút rất đông du khách.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận