Thời tiết cực đoan đã và đang xảy ra dồn dập ở nhiều nơi khắp thế giới. Nó là lời nhắc nhở nghiêm khắc rằng loài người đang tàn phá môi trường sống của chính mình và "Mẹ Thiên Nhiên" dường như đang nổi cơn thịnh nộ.
Biến đổi khí hậu hiểu đơn giản là tình trạng nóng lên của Trái đất mà nguyên nhân chủ yếu là con người sử dụng nguyên liệu hóa thạch như xăng dầu, khí đốt, than đá tạo ra khí nhà kính như CO2 và lượng khí thải này quá lớn tích tụ sẽ hấp thụ nhiệt làm Trái đất dần dần nóng lên.
Thời tiết cực đoan ngày càng rõ
Điều này đã được rất nhiều nhà khoa học, các chuyên gia về môi trường cảnh báo liên tục và kêu gọi chính phủ các nước phải hành động ngay vì tương lai của nhân loại.
Đã có cả hàng ngàn cuộc hội thảo, hàng trăm cuộc họp cấp cao của chính phủ các nước, hàng loạt cam kết cắt giảm khí thải, hàng tỉ USD đầu tư cho công nghệ xanh và rất nhiều lời hứa từ chính phủ các nước. Đặc biệt của nhóm các nước lớn như G7, G20 là những nước thải ra hơn 80% lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu.
Thế nhưng tất cả những nỗ lực ấy có thể nói là chưa đủ, những cam kết và lời hứa của các nước lớn chưa được thực hiện một cách nghiêm túc, thậm chí đôi khi chỉ là hứa suông đã tạo ra một kỷ lục đáng buồn ngay trong mùa hè năm nay.
Theo cơ quan phụ trách vấn đề biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus Climate Change Service, trong tháng 6 vừa qua, nhiệt độ trung bình trên thế giới cao hơn 0,5 độ C so với giai đoạn 1991-2020 và cao hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Nhiệt độ trung bình trong 23 ngày đầu tiên của tháng 7 đạt 16,95 độ C, cao hơn nhiều so với kỷ lục trước đó là 16,63 độ C vào tháng 7-2019. Thậm chí, nhiều nhà khoa học cho rằng đây sẽ là mức nhiệt độ cao nhất mà hành tinh của chúng ta từng trải qua trong ít nhất 120.000 năm.
Kỷ nguyên "toàn cầu sôi" lên đã đến
Đặc phái viên về khí hậu của tổng thống Mỹ, ông John Kerry cho rằng cuộc khủng hoảng khí hậu đã chạm đến ngưỡng khủng khiếp mà thế giới chưa từng biết đến trước đây.
"Những gì bạn đang nhìn thấy là băng tan toàn cầu, cháy rừng, lở đất, nắng nóng, người tử vong vì nắng nóng, vì chất lượng không khí thấp. Hàng triệu người đang thiệt mạng khắp thế giới mỗi năm đều từ một nguyên nhân không hề phức tạp, đó là việc sử dụng năng lượng đốt nhiên liệu hóa thạch mà không xử lý khí thải".
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông António Guterres ngày 27-7 phát biểu tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York (Mỹ) một cách chua chát và bất lực: "Kỷ nguyên Trái đất nóng lên đã chấm dứt, kỷ nguyên toàn cầu sôi lên đã đến".
Khi trả lời phỏng vấn chương trình 60 phút của Úc ngày 30-7, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã được hỏi liệu chiến tranh hạt nhân hay biến đổi khí hậu gây ra "mối đe dọa lớn hơn đối với nhân loại".
Nhà lãnh đạo ngoại giao Mỹ đã trả lời như sau: "Tôi nghĩ khó có thể nêu ra thứ bậc. Có một số điều quan trọng bậc nhất… bao gồm cả xung đột tiềm ẩn, nhưng chắc chắn khí hậu là một thách thức hiện hữu đối với tất cả chúng ta".
Ông lập luận thêm: "Vì vậy, đối với chúng ta, đây là thách thức hiện sinh của thời đại chúng ta".
Trong bối cảnh Nga, Triều Tiên liên tục đưa ra những phương án sử dụng vũ khí hạt nhân, thì cách trả lời của ngoại trưởng Mỹ cho thấy ông đánh giá mối đe dọa từ biến đổi khí hậu còn nghiêm trọng hơn là mối đe dọa hủy diệt hạt nhân.
Tiền cho chiến tranh chi nhanh hơn cho bảo vệ môi trường
Theo nhận định của một số chuyên gia về môi trường, các nước nhóm G20 họp, hứa thì nhiều nhưng việc thực hành những cam kết đó một cách nghiêm túc hầu như rất ít.
Hơn 5.000 đại biểu từ 200 quốc gia đã tập trung tại Bonn, Đức trong thời gian từ ngày 5 đến 15-6, tại Hội nghị tham vấn thường niên của Liên Hiệp Quốc về khí hậu.
Đây được coi là "phép thử" về khả năng thành công của các cuộc đàm phán ở Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) sẽ diễn ra cuối năm nay tại Dubai, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Thế nhưng sự xuất hiện của chính ông Sultan Al Jaber, chủ tịch của COP28, người sẽ dẫn dắt các cuộc đàm phán về khí hậu vào cuối năm nay, lại được coi là chuyện nực cười, vì ông ta chính là giám đốc điều hành của Công ty Dầu mỏ quốc gia Abu Dhabi (ADNOC).
Nghĩa là người ta không thể tin tư cách của một người điều hành một công ty dầu mỏ quốc gia lại có thể điều đình đàm phán để các nước thỏa thuận cam kết việc loại bỏ không sử dụng các nguyên liệu hóa thạch.
Những cam kết từ COP27 như Quỹ bồi thường tổn thất và thiệt hại, một sáng kiến của Liên minh châu Âu (EU), sau nửa năm vẫn chưa thể hoạt động vì thiếu những "điều khoản chi tiết". Nguồn tài chính trị giá 100 tỉ USD mà các quốc gia G7 đã hứa từ COP27 vẫn chưa được các chính phủ này phê duyệt.
Cuộc đàm phán về khí hậu giữa Mỹ và Trung Quốc - hai quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới - ngày 18-7 vừa qua cũng chỉ dừng lại ở những mỹ từ "hợp tác" và những lời "hứa" giảm phát thải khí mêtan, giảm sử dụng than đá, giảm thiểu tình trạng phá rừng và hỗ trợ các nước nghèo đối phó với những thách thức do biến đổi khí hậu.
Nỗ lực của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây với sáng kiến đứng ra điều hành Hội nghị thượng đỉnh về "Hiệp ước tài chính toàn cầu mới" tại thủ đô Paris trong hai ngày 22 và 23-6, với mong muốn mở được nút thắt cho những vấn đề tồn đọng nêu trên. Nhưng, lại một lần nữa tất cả những gì thu được sau cuộc gặp vẫn chỉ là "những lời hứa".
Trong khi đó thì cũng chính những nước G7 đã chi mạnh bạo, chi liên tục hàng trăm tỉ USD cho cuộc chiến ở Ukraine mặc dù, theo nhận định của Ngoại trưởng Mỹ Blinken, hiểm họa từ biến đổi khí hậu là vấn đề sống còn của toàn nhân loại, nguy hiểm còn hơn cả nguy cơ hủy diệt hạt nhân.
Thế giới đang ở trong tình trạng nồi ếch luộc
Câu chuyện ngụ ngôn nói rằng nếu một con ếch được thả đột ngột vào nước sôi, nó sẽ nhảy ra ngoài, nhưng nếu con ếch được cho vào nước âm ấm, sau đó được đun lên từ từ, nó sẽ không cảm nhận được nguy hiểm.
Cho đến khi nó nhận ra nó đang bị nóng lên thì không còn kịp nữa, nó không còn đủ sức nhảy ra ngoài, để rồi bất lực bị nấu chín.
Nắng nóng, hạn hán, mưa bão, lũ lụt, lở đất, cháy rừng, nước biển dâng cao, đất đai khô cằn, mất mùa đang xảy ra liên tục ở khắp các châu lục, trong đó có Việt Nam. Đó là những hồi chuông cảnh báo của thiên nhiên trước những tác động hủy hoại môi trường của con người.
Trong khi chờ đợi những hành động cụ thể và hiệu quả từ các nhà lập pháp, từ các chính phủ trên thế giới, có lẽ vẫn chưa quá muộn để nhảy ra khỏi nồi nước sôi bằng cách mỗi người ý thức bảo vệ môi trường, thay đổi từng chút một những thói quen sinh hoạt xưa nay: tiết kiệm điện, nước, giảm vứt bỏ thức ăn, lựa chọn phương tiện giao thông xanh, lựa chọn những sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường, tái sử dụng - tái chế, sửa chữa dùng lại, không xả rác bừa bãi, phân loại rác…
Chính những hành động nhỏ này sẽ có ý nghĩa lớn, theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc: khoảng 2/3 lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu liên quan đến các hộ gia đình cá nhân. Các ngành năng lượng, thực phẩm và giao thông vận tải đóng góp khoảng 20% lượng khí thải.
Do đó, từ năng lượng chúng ta sử dụng, thực phẩm chúng ta ăn và cách chúng ta di chuyển đều có liên quan đến việc bảo vệ hay phá hoại môi trường của chính chúng ta và con cháu chúng ta sau này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận