- Trời lạnh sẽ tạo thuận lợi cho một số siêu vi gây bệnh đường hô hấp phát triển mạnh. Tác nhân gây bệnh thường do siêu vi trùng rhinovirus, RSV, parainfluenza virus, virus cúm...
Khi bị nhiễm các loại siêu vi này, nếu nhẹ trẻ sẽ bị viêm mũi họng, viêm hô hấp trên. Trẻ bị viêm đường hô hấp trên thể nhẹ đa số là bệnh lành tính, tự khỏi sau 7-10 ngày nếu được chăm sóc tốt, không gây biến chứng gì và không cần nhập viện.
Theo số liệu của BV Nhi Đồng 2, ngày 18-11 có 94 ca nhập viện, ngày 19: 99 ca, ngày 20: 111 ca và ngày 21: 132 ca. Riêng bệnh nhân đến khám chữa bệnh ngoại trú trong 21 ngày đầu tháng 11-2004 cũng rất cao: viêm họng 2.924 ca, viêm phế quản 2.232 ca, viêm hô hấp trên 2.121 ca, viêm phổi 202 ca, viêm tiểu phế quản 112 ca... Tại khoa hô hấp BV Nhi Đồng 1 trong ngày 22-11 có 104 bệnh nhi đang điều trị nội trú, trong đó có khoảng 16 ca suyễn, còn lại là viêm phế quản, viêm tiểu phế quản... Trong khi tuần trước trung bình mỗi ngày có khoảng 75-80 ca điều trị nội trú. |
Riêng với trẻ có cơ địa bị suyễn khi bị nhiễm siêu vi hô hấp sẽ gây kích hoạt phản ứng co thắt phế quản làm bệnh nhi bị lên cơn suyễn.
* Trẻ bị bệnh có những triệu chứng ra sao, và cách chăm sóc trẻ tại nhà như thế nào?
- Triệu chứng hàng đầu là ho, kèm theo sổ mũi hoặc không, có thể kèm theo sốt. Một số trường hợp xuất hiện triệu chứng thở nhanh, nặng hơn thì thở co kéo lồng ngực, nặng hơn nữa thì bú kém, bỏ bú, tím tái.
Việc chăm sóc cho trẻ rất quan trọng. Điều cần chú ý là phát hiện được những dấu hiệu trở nặng và đưa trẻ đi BV ngay: thở khó (thở nhanh, co rút lồng ngực), trẻ nhỏ bỏ bú, bú ít, trẻ lớn không uống nước được. Có thể theo dõi nhịp thở của trẻ để biết diễn tiến bệnh nặng, nhẹ.
Đặc biệt, cần lưu ý một số trẻ dưới sáu tháng có thể kèm theo nghẹt mũi, sổ mũi cũng làm cho trẻ bỏ bú, thở khó khăn hơn, do đó nên thông mũi cho trẻ.
Khi phải dùng thuốc ho cho trẻ tốt nhất là nên hỏi ý kiến bác sĩ, tránh tự ý dùng thuốc ho có những chất không an toàn, có tác dụng phụ, độc tính cho trẻ.
Trong trường hợp trẻ bị ho, sổ mũi trên bảy ngày vẫn không bớt thì phải đưa trẻ đi khám bác sĩ. Nếu sốt cao trên 390C từ ba ngày trở lên phải đưa trẻ đến BV khám bệnh.
* Có thể phòng ngừa bệnh được không, thưa bác sĩ ?
- Giữ cho trẻ đủ ấm khi trời lạnh, giữ thoáng khi trời ấm, nóng. Nhà cửa nên sắp xếp, dọn dẹp sạch sẽ, thông thoáng. Biện pháp phòng bệnh lâu dài là dinh dưỡng đủ chất cho trẻ, chích ngừa bệnh đầy đủ, uống vitamin A, cho trẻ bú sữa mẹ; tránh nơi ô nhiễm, khói bụi.
* Xin cảm ơn bác sĩ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận