Thai phụ tiêm ngừa tại một bệnh viện ở TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm |
Nhưng gặp gỡ báo giới hôm 27-12, một tuần sau khi xảy ra vụ việc, cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu nói ông đã rất bàng hoàng, vì dù chưa xảy ra thảm họa nhưng về bản chất đây lại là một sai sót tiêm chủng nguy hiểm, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân với dịch vụ tiêm chủng.
Trong vòng một năm rưỡi qua đã có ba vụ tiêm nhầm xảy ra ở Quảng Trị, Đồng Tháp và mới nhất là Bắc Ninh. Ở Quảng Trị, tháng 7-2013 đã có ba trẻ sơ sinh tử vong do bị tiêm nhầm thuốc chứ không phải văcxin ngừa viêm gan B như chỉ định.
Sau đó trong chiến dịch tiêm văcxin sởi - rubella, cán bộ y tế ở Đồng Tháp đã tiêm nước cất cho 60 trẻ em. Lần này ở Bắc Ninh, y sĩ Nguyễn Quyết Thắng - phó trạm trưởng Trạm y tế Tương Giang - đã tiêm đến 31 mũi văcxin phối hợp thay cho 31 mũi uốn ván đơn mà không hề nhận ra mình đã tiêm nhầm (!).
Để phục vụ chiến dịch tiêm ngừa sởi - rubella bắt đầu từ tháng 9, đã có 37.000 cán bộ tiêm chủng được tập huấn lại để phục vụ chiến dịch. Cán bộ y tế ở Đồng Tháp đã tiêm nhầm nước cất cũng ở trong danh sách tập huấn. Y sĩ Nguyễn Quyết Thắng đã có kinh nghiệm tiêm chủng 10 năm và có chứng chỉ được tập huấn về tiêm chủng.
Trả lời báo chí về nguyên nhân vụ tiêm nhầm hi hữu này, ông Nguyễn Hạnh Chung - giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh - cho rằng y sĩ Thắng đã làm sai quy trình, không kiểm tra đối chiếu văcxin như quy định.
Tại sao vẫn có những vụ tiêm nhầm như đã xảy ra, khi lực lượng tiêm chủng đã được tập huấn và sau hàng loạt hoạt động được triển khai để đảm bảo an toàn?
Câu trả lời là hoàn toàn có thể, vì những nhầm lẫn sai sót vừa qua không phải nằm ở yếu tố chuyên môn, mà là ở yếu tố ý thức tuân thủ quy trình, ở bản thân mỗi cán bộ y tế.
Trong khi tiêm chủng là loại dịch vụ y tế đặc biệt, tiêm để phòng bệnh cho những người đang khỏe mạnh, chỉ một sai sót, nhầm lẫn do thiếu ý thức cũng có thể dẫn đến thảm họa như ở Quảng Trị tháng 7-2013.
Nửa cuối năm 2013 và cả năm 2014, tỉ lệ tiêm mũi văcxin viêm gan B sơ sinh đạt rất thấp, có lúc có địa phương chỉ đạt dưới 10%. Sau vụ việc ở Quảng Trị, người dân và cả cán bộ y tế cũng “ngại” mũi tiêm này, trong khi cuối cùng căn nguyên vụ việc lại là do tiêm nhầm, văcxin bị oan.
Vụ việc ở Bắc Ninh chắc chắn sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến tiêm chủng. Vụ dịch sởi đầu năm 2014 với trên 140 trẻ em tử vong đã để lại một bài học đau xót về hậu quả bỏ sót mũi tiêm, bỏ quên tiêm ngừa.
Rõ ràng các bậc phụ huynh chỉ dám đặt niềm tin khi mỗi cán bộ y tế làm việc với tất cả sự nhiệt tình và trách nhiệm để tránh những sai sót mà hậu quả có thể không lường hết được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận